Thực hiện nếp sống văn minh đô thị bắt đầu từ văn hóa giao thông và không xả rác

Thứ Sáu, 31/01/2020, 11:22
Để thực hiện hiệu quả chủ đề về xây dựng nếp sống văn hóa và văn minh đô thị, TP HCM sẽ tập trung thiết kế cụ thể các đầu việc phải làm theo Chỉ thị của Thành ủy về trật tự đô thị, không xả rác ra đường và chấn chỉnh về trật tự xây dựng.


Thông tin về các giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, HĐND TP Hồ Chí Minh lấy chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, UBND Thành phố sẽ tập trung vào 9 nhóm giải pháp chủ yếu, gồm công bố danh mục các sự kiện văn hóa hàng năm của thành phố; tổ chức đấu thầu các hoạt động về văn hóa và các hội thảo về văn hóa; tiếp  tục tổ chức lễ hội âm nhạc mang tên “Hò dô” sau khi đã tổ chức thành công sự kiện âm nhạc này và thu hút được nhiều ban nhạc quốc tế đến tham dự; nâng cấp lễ hội áo dài của thành phố; hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng các công trình văn hóa của thành phố như nhà hát giao hưởng vũ kịch, rạp xiếc, trung tâm biểu diễn văn hóa đa năng, nhà hát nghệ thuật truyền thống, trùng tu tôn tạo các di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị của thành phố...

Từ ùn tắc giao thông dẫn đến vi phạm của nhiều người dân.

Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đang xúc tiến các thủ tục, hồ sơ đề nghị Địa đạo Củ Chi được công nhận là di sản văn hóa vật thể của thế giới. Năm nay TP Hồ Chí Minh cũng tập trung nâng chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị thông minh gắn với gia đình hạnh phúc và phát triển văn hóa đọc; nâng cao hoạt động của thư viện; nghiên cứu, chọn và tổ chức hoạt động mang tên “Ngày hội TP Hồ Chí Minh”. TP Hồ Chí Minh cũng tập trung xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực về văn hóa, thể thao. 

Để thực hiện hiệu quả chủ đề về xây dựng nếp sống văn hóa và văn minh đô thị, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung thiết kế cụ thể các đầu việc phải làm theo Chỉ thị của Thành ủy về trật tự đô thị, không xả rác ra đường và chấn chỉnh về trật tự xây dựng.                  

Chia sẻ về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, chính yếu tố văn hóa trong con người là sức mạnh giúp thành phố vượt khó vươn lên. Do đó để vận dụng một cách cụ thể với thực tiễn, TP Hồ Chí Minh xác định chọn việc gì cũng phải có tính thừa kế và phát triển. 

Chẳng hạn, trong nhiều vấn đề bức xúc của người dân thành phố về giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước, thì vấn đề môi trường đã được thành phố chọn vấn đề lớn nhất là không chôn lấp rác, chuyển đốt rác thành phát điện. Khi tập trung làm tốt vấn đề này, chỉ trong vòng nửa năm ngoái, thành phố đã khởi công được 3 nhà máy xử lý rác thải mới với tổng công suất lên đến 4 ngàn tấn rác mỗi ngày, chiếm gần một nửa lượng rác thải của thành phố. 

Cùng lúc với chủ trương này, thành phố chọn giải pháp đẩy mạnh cuộc vận động người dân không xả rác, đổi mới toàn bộ phương tiện phục vụ hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải và hệ thống bãi tập kết rác. Từ đó cuộc vận động người dân đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không xả rác được nâng lên. Việc này tạo đà cho thực hiện chủ đề xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong năm nay và mở rộng cuộc vận động về văn hóa ứng xử về giao thông, trật tự xây dựng, trật tự giao thông.             

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho hay, năm ngoái riêng lực lượng Thanh tra GTVT đã xử lý hơn 10.500 vụ vi phạm trật tự ATGT với số tiền trên 54 tỉ đồng, điều này cho thấy cường độ kiểm tra xử phạt rất nghiêm. Song qua đó cũng cho thấy mức độ vi phạm của người dân, DN tại thành phố vẫn còn phổ biến. Sang năm 2020 này, mức xử phạt vi phạm về trật tự ATGT chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn khi Nghị định 100 của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành. Thông qua hệ thống camera, việc giám sát phương tiện và người điều khiển vi phạm trên đường sẽ được làm quyết liệt hơn. Đây cũng là biện pháp để tăng cường xây dựng văn hóa giao thông cho người dân thành phố.

Theo phản ánh của cử tri nhiều quận, huyện với HĐND thành phố, việc xử lý vi phạm về xả rác đã được thành phố cho phép xử phạt với mức rất nặng và giao cho cấp phường, xã mà trực tiếp là lực lượng trật tự đô thị xử phạt. 

Nhưng nhìn lại một năm qua, số vụ xử phạt không nhiều, lượng rác rất lớn vẫn được xả ra đường, xả xuống cống thoát nước và hệ thống kênh rạch gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng chảy dẫn đến ngập lụt. 

Do vậy, ngoài tuyên truyền vận động, thành phố cần chỉ đạo chính quyền cơ sở tăng cường xử phạt hành vi xả rác bừa bãi để tạo sự chuyển biến mạnh hơn trong năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Đ.Thắng
.
.
.