Liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” năm 2020:

Những tín hiệu vui từ khán giả

Thứ Hai, 27/07/2020, 08:07
Diễn ra liên tục từ ngày 16/7, cho đến hôm nay, Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV năm 2020 đang dần về đến đích.

21 trong tổng số 33 vở diễn tham gia Liên hoan kỳ này đã được các đoàn nghệ thuật trình diễn thành công trên sân khấu, thu hút ngày càng nhiều khán giả.

Thay vì biểu diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội – địa chỉ được Ban tổ chức Liên hoan chuẩn bị cho các đoàn nghệ thuật thi diễn, Sân khấu Lệ Ngọc chọn cách chủ động tổ chức đêm diễn của đơn vị tại rạp Đại Nam, 89 Phố Huế, Hà Nội. 

Dù chỉ là một trong số rất ít các đoàn thi diễn ở địa điểm khác so với địa chỉ chính diễn ra Liên hoan nhưng buổi biểu diễn vở “Tình bạn và công lý” của Sân khấu Lệ Ngọc vẫn chật cứng khán giả. Có lẽ, đây cũng là một trong số các buổi biểu diễn đông khán giả nhất tại Liên hoan năm nay. 

Dấu ấn của một đơn vị sân khấu xã hội hóa hiện diện không chỉ qua bầu không khí trang trọng nhưng tấp nập của những buổi ra mắt vở diễn mới mà còn là những động thái chăm sóc khán giả khá kỹ lưỡng. 

Những tờ giới thiệu vở diễn được chuyển đến tận tay người xem từ tiền sảnh của rạp hát trước giờ công diễn, các tập bút, giấy chuẩn bị sẵn chờ xin ý kiến khán giả được đặt trang trọng trên bàn…

Cảnh trong vở “Tình bạn và công lý” của Sân khấu Lệ Ngọc.

Được đạo diễn Hán Quang Tú dàn dựng theo kịch bản cùng tên của tác giả Minh Nguyệt, với sự cố vấn đạo diễn của NSND Lê Hùng, “Tình bạn và công lý” kể câu chuyện về ba người lính: Nam, Khánh, Nghĩa. Kề vai sát cánh chiến đấu trên chiến trường, bom đạn chiến tranh đã không giết nổi họ. Hòa bình lập lại, một người trở thành Cục phó Cục điều tra. 

Một người trở thành doanh nhân thành đạt. Một người trở về làm nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn, thấp thỏm với thu hoạch nông sản và cả doanh thu luôn không theo tỷ lệ thuận mỗi mùa. Nhưng, tình cảm của những người lính cùng “vào sinh ra tử” năm nào vẫn vẹn nguyên. 

Cho đến một ngày, người bạn – doanh nhân duy nhất trong “tổ tam tam” năm xưa vướng vào vòng lao lý. Người bạn lính “chí cốt” cả trong thời chiến lẫn thời bình, từng chịu ơn cứu mạng của đồng đội, nay còn chuẩn bị là thông gia cũng lại là chính là người trực tiếp phụ trách điều tra vụ án bị dằn vặt giữa rất nhiều lựa chọn. 

Nếu “cứu” bạn thì trả được ân tình bạn cứu mạng trên chiến trường năm xưa, hôn nhân của con gái thuận lợi, đứa cháu ngoại vừa được hoài thai có đủ đầy ông bà, cha mẹ thuộc hàng “danh gia vọng tộc”, làm hài lòng vợ con. Nhưng, “cứu” bạn cũng là làm sai lệch hồ sơ vụ án, liên lụy đến hàng chục cán bộ chiến sĩ khác, là đi ngược với lý tưởng mà cả đời đã lựa chọn, là ích kỷ với Tổ quốc và nhân dân. 

Tất cả trĩu nặng trên đôi vai người lính, nay là vị tướng trong lực lượng Công an. Tình bạn hay công lý? Bắt hay không bắt, cứu hay không cứu? Không có sự lựa chọn nào không khiến những người cựu lính ấy “rỉ máu tâm can”.

Thực tế, mô típ của chuyện kịch “Tình bạn và công lý” không hẳn quá mới mẻ, kể cả trong đời sống xã hội đương đại và cả trong nhiều vở diễn khác tham gia Liên hoan. 

Với vở “Vụ án Am Bụt Mọc”, “Vòng xoáy” và một số vở diễn khác, những cuộc đấu tranh giữa bảo vệ cái chung và cái riêng của những người chiến sĩ CAND trong quá trình điều tra được khai thác khá nhiều. Nhưng, nói như chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, là: “Hiện tại, có rất nhiều câu chuyện thế sự liên quan đến hình ảnh người chiến sĩ CAND và việc đưa những vấn đề thế sự này lên sân khấu nghệ thuật chính là nhiệm vụ của sân khấu”.

Nhà báo Cao Ngọc, một trong số những “cây bút” chuyên về phê bình sân khấu thì nhận định: Mặc dù cùng khai thác về Công an, cùng hướng đến xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND nhưng mỗi đoàn mỗi thế mạnh, mỗi cách dựng, mỗi cách phản ánh nên đã tạo sự phong phú, đa dạng trong Liên hoan. 

Thậm chí, có những tác phẩm đều khởi dựng từ cùng một kịch bản như “Vụ án Am Bụt Mọc” nhưng vẫn rất khác biệt, với những nét duyên riêng. Nếu với loại hình Kịch nói, đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai và các nghệ sĩ thu hút người xem bởi câu chuyện kịch nhiều kịch tính thì với loại hình Chèo, vở “Vụ án Am Bụt Mọc” lại chinh phục người xem bởi chất trữ tình, sâu lắng. 

Với các vở diễn thuộc các loại hình nghệ thuật truyền thống như Cải lương, Ca kịch cũng tương tự. Những yếu tố tưởng chừng sẽ là điểm yếu của các vở diễn thuộc những loại hình này trong xây dựng hình tượng người chiến sĩ CAND lại được các đơn vị, đạo diễn, nghệ sĩ khai thác khá tốt. 

Thay vì “đuổi” theo chuyện kịch, các nghệ sĩ đã chuyển sang khai thác, xoáy sâu vào đời sống nội tâm nhân vật. Những mâu thuẫn, giằng xé trong nội tâm rất phù hợp và tạo “đất diễn” cho nghệ sĩ Chèo, Cải lương, Ca kịch “tung tẩy” trên sân khấu mà vẫn chuyển tải được hình ảnh người chiến sĩ CAND thuyết phục và sinh động trên sân khấu.

Theo kế hoạch dự kiến, Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” sẽ kết thúc với lễ bế mạc và trao giải vào tối 2/8 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội. 

Từ ngày 27/7 đến 1/8 vẫn còn 12 vở diễn được các đoàn nghệ thuật tham gia Liên hoan thi diễn, phục vụ các khán giả yêu thích sân khấu. Các tác phẩm đều được diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ vào sáng và tối mỗi ngày, trừ vở kịch nói “Hoa sen lửa” của Sân khấu Lệ Ngọc diễn vào sáng ngày 27/7 tại Rạp Đại Nam, 89 Phố Huế, vở kịch nói “Vụ án Am Bụt Mọc” của Trung tâm Sân khấu và phát triển (Hà Nội) diễn vào sáng 28/7 tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, số 11 Ngô Thì Nhậm.

Hoa Nguyễn
.
.
.