Qui định chỉ cần cam kết chịu trách nhiệm là được cấp phép biểu diễn:

Lỏng lẻo hay đúng luật?

Thứ Hai, 23/05/2016, 18:39
Thông tư 01 của Bộ VHTTDL hướng dẫn Nghị định 15 của Chính phủ quy định về nghệ thuật biểu diễn đã có hiệu lực từ 15-5 trong sự lo âu phấp phỏng của nhiều nhạc sĩ và người chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc, cũng như không ít người làm công tác bảo vệ quyền tác giả.

Có sự phấp phỏng này là bởi Điều 9 Nghị định 15 quy định hồ sơ cấp phép biểu diễn cần có là “một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng, hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Tức là, để hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép biểu diễn, đơn vị tổ chức có quyền lựa chọn một trong 3 phương án trên là chỉ cần có văn bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thông tư 01 cũng ban hành mẫu văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định về quyền tác giả của đại diện nhà tổ chức.

Trung tâm Vân Sơn sử dụng nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Giao Tiên
 mà không trả phí tác quyền.

Việc ban hành Thông tư của Bộ VHTTDL là nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các đơn vị tổ chức nghệ thuật biểu diễn, nhưng sẽ khó cho Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam trong việc thu phí bản quyền, nên Trung tâm này muốn Bộ VHTTDL “siết” lại bằng qui định phải có hợp đồng với tác giả hoặc người chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc, mới được cấp phép.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cho rằng quy định như vậy là Bộ VHTTDL có thể cấp phép chương trình biểu diễn mà không cần hợp đồng bản quyền với nhạc sĩ: “Nếu thực thi theo Thông tư này sẽ tác hại khôn lường khi “gạt” luật ra ngoài bởi không yêu cầu tác quyền phải được thanh toán trong thời hạn nhất định mà vẫn cấp phép biểu diễn.”

Một chuyên gia về bản quyền cũng cho rằng, nhà quản lý dùng từ cam kết là chưa hợp lý, mà lẽ ra phải dùng từ hợp đồng, vì hợp đồng mới qui định chặt chẽ các điều khoản giữa bên sử dụng và người chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc. 

Nhiều người lo ngại rằng, nếu chỉ cần cam kết đơn phương như Thông tư hướng dẫn, là sẽ vô hiệu hóa Luật sở hữu trí tuệ, khi sẽ có người “lách luật”, lợi dụng vào việc cho phép cam kết để không phải đàm phán với người chủ sở hữu quyền tác giả, khi việc cam kết của người xin phép tổ chức biểu diễn chỉ là đơn phương và hoàn toàn vắng bóng chủ sở hữu.

Phim “Những đứa con biệt động” từng bị vi phạm tác quyền 

Băn khoăn với việc cơ quan quản lý cho phép nhà tổ chức chỉ cần “cam kết” chính là tạo điều kiện cho việc vi phạm quyền tác giả, nhạc sĩ Hồng Đăng nêu ý kiến: Nếu có cam kết, là phải cam kết với nhạc sĩ, với người sở hữu tác phẩm, chứ không thể chỉ là cam kết như Thông tư qui định.

Vấn đề bảo vệ quyền tác giả đã loay hoay mấy chục năm mà vẫn không làm được hiệu quả khiến các nhạc sĩ không yên tâm sáng tác. Cần phải có cách nào đó để tránh được việc kiện tụng nhau vì quyền sở hữu trí tuệ như đã xảy ra bao năm qua, để quyền lợi cho các nhạc sĩ được bảo vệ.

Đây cũng là xu hướng chung của hội nhập và Việt Nam cũng cần tiệm cận nếu không các nhạc sĩ sẽ mãi chịu thiệt thòi. Chỉ khi quyền sở hữu trí tuệ được thực thi đầy đủ thì nhạc sĩ với yên tâm sáng tác.

Trước những băn khoăn về qui định trên của Thông tư trên, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn lý giải rằng, mọi hành vi vi phạm về quyền tác giả đã có chế tài xử lý vi phạm và các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có quyền khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. 

Nếu đơn vị xin cấp phép biểu diễn không trả tác quyền thì sẽ không được cấp phép biểu diễn lần sau. Việc này cũng cần vai trò phối hợp của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả để phát hiện và kiến nghị với cơ quan Nhà nước để xử lý. 

Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho biết, việc đòi hỏi các qui định để cấp phép như nhiều ý kiến là không thể, vì pháp luật không cho phép hành chính hóa các quan hệ dân sự, nên không thể đưa vào.

Việc Bộ VHTTDL ngày càng đơn giản hóa các thủ tục hành chính là đúng với chủ trương của Nhà nước. Những khúc mắc dân sự cần được đưa ra tòa, chứ không phải cái gì cũng đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước phải ban hành các qui định chỉ nhằm lợi cho người này nhưng lại thiệt hại cho những người khác, nhất là lại trái luật.

Tuy nhiên, Bộ VHTTDL cần lắng nghe ý kiến của các nhạc sĩ và Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để có tiếng nói thống nhất, phù hợp, nhằm góp sức bảo vệ Luật sở hữu trí tuệ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 Bởi Hiệp định này tác động nhiều về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: đề ra các cam kết liên quan đến bảo hộ tác phẩm, buổi trình diễn và các sản phẩm như sách, phim, ca khúc và phần mềm – đang là những điều rất “nóng” ở nước ta.

 TPP cũng có điều khoản buộc tất cả các nước phải áp dụng thời hạn hiệu lực của bản quyền giống như ở Mỹ: cả cuộc đời của tác giả cộng thêm 70 năm nữa, nghĩa là mọi người phải đợi hơn 2 thập kỷ trước khi những tác phẩm đã ra đời từ thế kỷ 20 trở thành miễn phí.

Những tác động của các văn bản pháp qui với đời sống là không hề nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh quyền sở hữu ở nước ta đang bị vi phạm phổ biến ở nhiều lĩnh vực: biểu diễn nghệ thuật, băng đĩa lẫn internet, phim truyền hình, điện ảnh vv… 

Việc bảo vệ bản quyền đang gặp nhiều khó khăn, khi ý thức tự giác của nhiều người rất kém, chế tài xử lý cũng chưa đủ sức răn đe.

Vì thế, nếu cơ quan quản lý thực sự thấy “chắc” về luật khi ra Thông tư, thì phải hướng dẫn để những người lo ngại hoặc bị vi phạm bản quyền biết cần phải làm gì, thay vì hoàn toàn trông chờ vào các qui định của cơ quan quản lý Nhà nước, để bảo vệ tác quyền của mình. 

Hoặc ngược lại, nếu văn bản pháp quy đi vào cuộc sống mà vẫn gây vướng mắc hoặc khó khăn cho việc bảo vệ quyền tác giả, Bộ VHTTDL cũng nên cân nhắc sửa đổi nếu thấy cần. 

Thanh Hằng
.
.
.