Đánh thức di sản lớn của một văn nghệ sĩ lão thành cách mạng

Thứ Bảy, 24/12/2016, 17:14

Ngày 24/12, Hội thảo khoa học nhạc sĩ nhà viết kịch Trương Minh Phương đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các Bộ, ban ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, các văn nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc trên cả nước. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cũng đã gửi lẵng hoa chúc mừng. 

Chủ trì hội thảo gồm có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Giáo sư Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Lê Khánh Hải.

Hội thảo khoa học về nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng nhận định: Trong sự nghiệp âm nhạc và sân khấu đồ sộ của nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương, chỉ riêng lĩnh vực nhạc hát, ông đã có rất nhiều thành tựu. Ông là tác giả của 128 tác phẩm âm nhạc, trong đó gồm các ca khúc từ hành khúc, ca khúc trữ tình, ca khúc âm hưởng dân gian đến tổ khúc âm nhạc, ca cảnh, nhạc cảnh, hợp xướng. 

Bà Nguyễn Thị Minh Tấn, vợ cố nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương thay chồng nhận giải thưởng Đào Tấn

Từ những năm nửa đầu thế kỷ 20, ông đã có hai ca khúc đạt giải thưởng là “Đắp lại đường xưa” – giải Nhì do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức và “Nhắn Cuội đêm trăng” – giả Nhì Hội Văn nghệ Liên khu 4. Dòng hành khúc cách mạng đã theo ông suốt cuộc đời sáng tác, trong đó phải kể đến hành khúc Tuổi trẻ Hồ Chí Minh, hành khúc Thanh niên tình nguyện, hành khúc Lên đường và nhiều bản nhạc mang âm hưởng, tiết tấu của các bản hành khúc. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn, con trai nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương xúc động phát biểu sau khi gia đình nhận giải thưởng Đào Tấn

Nhạc sĩ  Đỗ Hồng Quân cũng khẳng định: Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương là một trong những văn nghệ sĩ lão thành trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Cả cuộc đời ông đã dành cho sáng tác âm nhạc và sân khấu. Ông đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp văn học cách mạng trên quê hương của mình. Ông không chỉ là một nhạc sĩ, nhà viết kịch mà còn là một nhà nghiên cứu dân ca, dân nhạc, nhà sưu tầm, phổ biến các nhạc cụ của các dân tộc. Hơn nữa ông còn là nhà tuyên truyền văn hóa mới, nhà ngoại giao nhân dân thông qua các tác phẩm âm nhạc, sân khấu. 

Với một di sản văn học nghệ thuật to lớn, phong phú để lại cho đời, nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương xứng đáng là một trong những văn nghệ sĩ xuất sắc, tiêu biểu của nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam nửa sau thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước phát biểu về nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước cũng chia sẻ rằng bản thân ông cảm thấy rất may mắn khi đi bộ đội, qua các vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Lào, đây là vùng mà nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương hoạt động nhiều nhất. Thời kỳ ấy, ông không được gặp nhạc sĩ Minh Phương nhưng ở đâu cũng gặp các sáng tác tác của nhạc sĩ Minh Phương. 

Trung tướng tâm sự: Ngay từ những năm 1972 chúng tôi đã được nghe các tổ khúc của Trương Minh Phương ở các vùng Quảng Bình, Huế. Hầu như những nơi nào chúng tôi đi qua thì dân quân hò đối đáp có những ca từ rất hay, đối đáp rất dễ. Chúng tôi lọ mọ hỏi mới biết đó là sáng tác của ông Trương Minh Phương. Mới đây ít hôm, khi đi dự lễ kỷ niệm về Binh đoàn Trường Sơn, tôi không thể hình dung cả gần vạn người bộ đội Trường Sơn, bà con dân bản kéo đến, khi bài “Chiều Trường Sơn” vang lên, tôi có cảm giác như cả rừng Trường Sơn chuyển động. Tôi có đánh giá rằng đây là một trong những cái bài hay nhất về Trường Sơn kể từ sau khi giải phóng đến bây giờ… 

Trong chiến tranh, chúng tôi gặp nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Minh Phương nhưng sau chiến tranh chúng tôi cũng hay gặp trong phong trào văn nghệ quần chúng, thấy được rất nhiều giải. Nhiều vở đạt giải nhưng không phải nhạc sĩ đưa đến dựng mà các đồn biên phòng tự tìm, dựng. Thời kháng chiến thì là dân công hỏa tuyến tự tìm lấy dựng. Ông không màng giải thưởng, chức sắc. Tôi hay nói đùa là anh cả một đời ca hát, hát xong rồi quên. Có thể nói, cuộc đời của nhạc sĩ Trương Minh Phương rất trong sáng, trong sáng như một giọt mưa..

Với những cống hiến cho văn học nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là về âm nhạc, sân khấu, nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương đã vinh dự được truy  tặng giải thưởng Đào Tấn. Tại hội thảo, giải thưởng đã được trao lại cho vợ của ông – bà Nguyễn Thị Minh Tấn.

Thay mặt ban tổ chức tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo, giáo sư Hoàng Chương cũng đã đề nghị, trong thời gian tới, Hội Nhạc sĩ Việt Nam sẽ tổ chức nhiều đêm nhạc Trương Minh Phương và đề nghị Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam làm hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước cho nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương.

Ngọc Nguyễn
.
.
.