Đảm bảo quyền, nghĩa vụ của bị cáo tại các phiên tòa xét xử trực tuyến

Thứ Ba, 10/05/2022, 07:22

Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa tổ chức những phiên tòa trực tuyến đầu tiên trên địa bàn. Lực lượng Công an ở các Trại tạm giam Công an các địa phương và Trại tạm giam Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế - nơi có điểm cầu trực tuyến đảm bảo các quy định xét xử, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bị cáo như các phiên tòa xét xử trực tiếp.

TAND TP Huế, TAND thị xã Hương Trà, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế là những đơn vị đầu tiên phong trong xét xử các phiên tòa trực tuyến. Ngoài ra, TAND tỉnh đã phối hợp với sự hỗ trợ của TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử 8 vụ án trực tuyến tại TAND tỉnh.

Đảm bảo quyền, nghĩa vụ của bị cáo tại các phiên tòa xét xử trực tuyến -0
TAND TP Huế vừa xét xử trực tuyến 2 bị cáo phạm tội về ma túy.

Khi áp dụng xét xử trực tuyến, cách thức chung của các phiên tòa này là tổ chức thành các điểm cầu. Trong đó, điểm cầu trung tâm đặt tại trụ sở TAND, có hội đồng xét xử tham gia. Một điểm cầu đặt tại Trại tạm giam hoặc Nhà tạm giữ; bị cáo tham dự phiên tòa tại đây.

Ngày 29/4 vừa qua, TAND TP Huế mở phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án hình sự “Cướp giật tài sản”. Tại điểm cầu trung tâm - trụ sở TAND TP Huế được trang bị máy tính điều khiển, hệ thống âm thanh và 3 màn hình kích thước lớn hiển thị thông tin, hình ảnh các điểm cầu thành phần để HĐXX và những người tham gia phiên tòa theo dõi.

Điểm cầu thành phần đặt tại Trại tạm giam Công an TP Huế có lực lượng Công an làm nhiệm vụ giữ trật tự phiên tòa và giúp đỡ các bị cáo tham gia phiên tòa trực tuyến thông qua màn hình…

Qua màn hình camera, bị cáo Phan Ri (SN 1985, trú tại phường Kim Long, TP Huế, Thừa Thiên-Huế) khai nhận, khi đang chạy xe máy trên đường Đặng Tất, TP Huế thì bị cáo dừng xe rồi giả vờ mua vé số của ông Nguyễn Duy Thạnh (là người khuyết tật nặng, đi xe lăn để bán vé số).

Sau khi nhận vé số từ ông Thạnh, Ri đã tăng ga bỏ chạy để chiếm đoạt 15 tờ vé số trị giá 150 ngàn đồng. Xét thấy bị cáo Ri là người nghiện rượu nặng dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi; bị hại có đơn xin giảm nhẹ án cho bị cáo nên HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Phan Ri 1 năm 3 tháng tù.

Mới đây, TAND TP Huế xét xử trực tuyến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Qua màn hình camera tại Nhà tạm giữ Công an TP Huế, 2 bị cáo Lê Phan Đại Dương (SN 1987), Phan Văn Ngọc (SN 1991, trú tại phường Thuận Hòa, TP Huế) khai nhận, mặc dù không có ma túy thật để bán nhưng với ý định chiếm đoạt tài sản của người khác, Dương và Ngọc cùng nhau làm giả 1 gói ma túy bên trong có 10 viên thuốc rồi lừa bán cho anh Trần Đức Pháp và chị Lê Thị Thu để lấy số tiền 2,5 triệu đồng.

Sau đó, 2 người mua ma túy rởm đến Công an phường Thuận Hòa trình báo. HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương 1 năm 3 tháng tù và bị cáo Ngọc 1 năm tù giam. Theo cơ quan điều tra, trong thời gian tới, đối với những vụ án được dư luận quan tâm, sẽ chuẩn bị thêm điểm cầu ở các xã để người dân có thể tham dự tại xã, không cần lên trụ sở TAND huyện, tỉnh. Lực lượng Công an xã sẽ có mặt trong các phiên tòa để đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian xét xử.

Theo thống kê của TAND tỉnh, mỗi năm, TAND 2 cấp của tỉnh có khoảng 900 vụ hình sự với 1.500 - 1.600 bị cáo bị tạm giam, việc đưa bị cáo đến tòa án vừa mất công sức vừa tốn kém. Theo ông Vũ Văn Minh, Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thực tế, nhiều địa phương đã trông chờ việc xét xử trực tuyến sớm triển khai.

Ngay sau khi Nghị quyết 33 của Quốc hội có hiệu lực (từ 1/1/2022), TAND các cấp tại của tỉnh đã tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Bước đầu đơn vị xét xử một số vụ án hình sự đơn giản và sẽ mở rộng thí điểm đối với các vụ án dân sự, hành chính. Trong quý II/2022, TAND 2 cấp của tỉnh phấn đấu mỗi đơn vị Tòa án trực thuộc đều có phiên tòa xét xử trực tuyến.

Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, việc triển khai thực hiện công tác xét xử trực tuyến hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay và góp phần nâng cao tiến độ xét xử các loại án nói chung và đặc biệt là án hình sự trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng “Tòa án điện tử” của hệ thống TAND trong thời gian tới. Theo Nghị quyết 33, các vụ án được lựa chọn xét xử trực tuyến là các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định, dù các bị cáo tham gia phiên tòa ngay tại Trại tạm giam của Công an tỉnh hay các nhà tạm giữ của Công an các huyện, thị, thành phố nhưng vẫn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo như các phiên tòa trực tuyến.

Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị và sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị nên các phiên tòa trực tuyến vừa diễn ra đều bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Cán bộ chiến sĩ trại tạm giam ngoài nhiệm vụ đảm bảo trật tự phiên tòa còn được tập huấn công nghệ thông tin để hỗ trợ các bị cáo trả lời HĐXX qua camera luôn được đảm bảo, thông suốt…

Hải Lan
.
.
.