Tăng cường thị trường bán lẻ để tiêu thụ cá nước lạnh

Thứ Ba, 05/10/2021, 08:14

Để giảm bớt thiệt hại do gặp khó khăn về đầu ra, các trang trại nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng đang phải giảm lượng thức ăn dành cho cá đã trưởng thành, đồng thời tăng cường các kênh tiêu thụ nhỏ lẻ ở thị trường nội tỉnh, hạn chế việc nhân giống, nuôi cá tái đàn.

Gần trưa, ông Đặng Văn Quang, (thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) vác bao cám đổ xuống hồ cho đàn cá tầm đã trưởng thành ăn. Nhiều tuần qua, hồ cá tầm này của gia đình ông Quang chỉ được gia chủ cho ăn cầm chừng. Phần vì đàn cá đã trưởng thành, nếu cho ăn nhiều, cá quá lớn sẽ khó tiêu thụ hơn, phần do giá cám dành cho chăn nuôi cá tầm đang rất cao, nếu cho ăn đúng tiêu chuẩn, người chăn nuôi sẽ càng lỗ nặng. Hồ cá tầm của gia đình ông Đặng Văn Quang đều đã vượt quá 2kg mỗi con, tức đã “già” thời điểm cho xuất bán nhưng tới nay vẫn không thể tiêu thụ được.

Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tiêu thụ cá nước lạnh ở Lâm Đồng. Các nhà hàng, khách sạn tại TP Hồ Chí Minh, nơi tiêu thụ phần lớn cá tầm, cá hồi, nay vẫn chưa hoạt động bình thường trở lại khiến lứa cá trưởng thành vẫn đang dồn ứ ở các trang trại chăn nuôi. Không có kênh tiêu thụ, giá các loại cá nước lạnh ở Lâm Đồng đang xuống rất thấp. Hầu hết người chăn nuôi đều chọn phương án cho cá ăn với lượng cám dè dặt để cầm chừng qua ngày, chờ thị trường lưu thông và giá cá lên.

Theo ông Quang, chỉ tính riêng thôn 2, xã Rô Men, huyện Đam Rông, số cá tầm đã trưởng thành đến thời điểm được thu hoạch đang tồn khoảng 50 tấn, loại nhỏ hơn trên 100 tấn. Nhiều gia đình chăn nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng đang lo ngại, nếu cá vẫn không tiêu thụ được, vào mùa khô khi mực nước xuống thấp, với số lượng cá trưởng thành tồn đọng quá lớn trong hồ như hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến thiếu ôxy, cá bị chết ngạt.

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đam Rông cho biết, từ năm 2018 tới nay, bình quân mỗi năm diện tích nuôi cá tầm của địa phương tăng lên khoảng 10.000m2. Hiện toàn huyện có 40 gia đình cùng một số hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nuôi cá tầm. Trung bình cứ 1ha mặt nước một năm cho thu hoạch khoảng 10 tấn cá và mang lại cho người nuôi từ 1,2 tới 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các tỉnh, thành phía Nam áp dụng biện pháp phòng chống dịch, việc lưu thông, tiêu thụ cá gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các gia đình chăn nuôi cá nước lạnh tại địa phương chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ ở thị trường nội tỉnh với số lượng không đáng kể.

Để hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo chính quyền các địa phương đưa ra những giải pháp linh động, phù hợp, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để các phương tiện vận tải có thể lưu thông, vận chuyển cá của bà con tới nơi tiêu thụ. Do đầu ra gặp nhiều khó khăn nên người dân đang chọn giải pháp duy trì đàn, không lấy và nuôi thêm cá giống, giảm dần lượng thức ăn đối với các loại cá có trọng lượng trên 2kg để hạn chế thiệt hại.

Tương tự, các hộ chăn nuôi cá tầm ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết phần nào loại cá đã trưởng thành, nhiều gia đình đã phải đánh bắt cá đem bán lẻ ở thị trường nội tỉnh. Trong điều kiện tiêu thụ khó khăn như hiện nay, phát huy kênh bán lẻ tại địa phương đang là giải pháp tối ưu của người chăn nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng.

Ông Vũ Văn Thanh (ngụ xã Lát, huyện Lạc Dương), một người đã sớm biết khai thác thị trường tiêu thụ nội tỉnh cho biết, ngay khi xảy ra dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ cá nước lạnh tại TP Hồ Chí Minh bế tắc đầu ra, gia đình ông Thanh đã cử hai người hằng ngày đánh bắt cá chở ra Đà Lạt bán lẻ, trung bình mỗi ngày tiêu thụ được khoảng 50kg cá. Chính vì vậy, dù nhiều gia đình chăn nuôi cá cùng loại ở Lâm Đồng đang tồn ở ao với số lượng lớn thì gia đình ông Thanh vẫn bán sạch cá. “Nếu vẫn để cá đã trưởng thành dưới hồ chờ giá lên và thị trường tiêu thụ bình ổn trở lại sẽ gây tốn kém, thiệt hại cho người chăn nuôi vì làm phát sinh chi phí do phải duy trì đàn kéo dài!..”, ông Thanh chia sẻ. 

Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện tỉnh này có khoảng 50ha mặt nước chăn nuôi cá tầm, cá hồi với 50 trang trại của các doanh nghiệp và hộ gia đình, tập trung chủ yếu tại huyện Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và TP Đà Lạt. Những năm qua, các doanh nghiệp cá nước lạnh tại Lâm Đồng đã đầu tư trang thiết bị, công nghệ để nhập khẩu trứng giống từ Nga và Đức về nuôi ấp nở giống cá bột, sản xuất giống với số lượng khoảng 2,6 triệu con cá bột/năm để cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất cá nước lạnh thương phẩm trên địa bàn. Sản lượng cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng luôn dẫn đầu cả nước, đạt 3.000 tấn/năm, giá trị trên 500 tỷ đồng.

Theo Hiệp Hội phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, trong điều kiện đầu ra gặp nhiều khó khăn như hiện nay, người chăn nuôi cá nước lạnh cần phải chủ động, linh hoạt trong việc mở rộng các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm. Nếu như trước đây, trong điều kiện bình thường, các doanh nghiệp sẽ đến tận hồ trực tiếp thu mua cá, thì nay do thị trường tiêu thụ đang gặp ách tắc, người chăn nuôi nên chủ động đánh bắt cá, đẩy mạnh tiêu thụ qua các kênh bán lẻ ở thị trường nội tỉnh để giảm bớt thiệt hại, vượt qua khó khăn, tiếp tục tái tạo đầu tư chăn nuôi cá, chờ thị trường khởi sắc trở lại.

Khắc Lịch
.
.
.