Ngành thủy sản nỗ lực vượt khó

Thứ Hai, 28/11/2022, 06:09

Những tháng cuối năm, doanh nghiệp thủy sản đứng trước khó khăn khi đơn hàng giảm, lãi suất tăng nên nhiều doanh nghiệp bi quan trước tình hình xuất khẩu năm 2023. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế thế giới cải thiện, nhu cầu sớm quay trở lại thì doanh nghiệp có thể hy vọng sớm vượt qua khó khăn.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Xuất khẩu thủy sản năm nay dự kiến đạt kim ngạch khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, cá tra khoảng 2,5 tỷ USD, hải sản đạt 3,2 tỷ USD và cá ngừ đạt 1 tỷ  USD. Tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng 2 con số, bình quân từ 18 đến 77%.

thuy san.jpg -0
Xuất khẩu tôm thắng lớn trong năm 2022.

Top 4 thị trường: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Thị trường Mỹ lần đầu tiên đạt kim ngạch thủy sản trên 2 tỷ USD. Khoảng 1.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2022, tất cả các ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng cao.

Sau giai đoạn tăng mạnh nửa đầu năm, giá trị xuất khẩu và các đơn hàng của các doanh nghiệp ngành thủy sản đã và đang có xu hướng giảm dù đã vào giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm. Lượng đơn đặt hàng có xu hướng sụt giảm, lượng hàng tồn kho tăng, trong khi khâu bảo quản, logistics vẫn là điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp.

Trong khi đó, với đặc thù phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, không ít doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn thời tín dụng thắt chặt và lãi suất tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh và chi phí vốn của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát trên 117 doanh nghiệp thủy sản theo hình thức trực tiếp và online, kết quả có tới 71% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thủy sản năm 2023 sẽ khó khăn.

Hơn 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan vào bức tranh ngành thủy sản trong thời gian tới. Ba nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lo ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến 2023 gồm: Biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết trong quý IV/2022 và năm 2023, tỷ giá tại 4 thị trường lớn (trừ Mỹ) đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao trong các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và EU. Ngành thủy sản chắc chắn gặp khó khăn khi bán qua các nước này bởi khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với đồng nội tệ của họ. Các vấn đề liên quan đến ngành thủy sản đều đòi hỏi nguồn vốn lớn trong trung dài hạn, để ngành giữ được phong độ tăng trưởng.

Bà Trương Thị Kim Liên, đại diện CTCP Mekong Logistics phân tích ĐBSCL được ưu đãi về lợi thế tự nhiên, nguồn nông thủy sản lớn của đất nước, trong đó sản lượng gạo chiếm 90%, trái cây xuất khẩu chiếm 70% và thủy sản chiếm 65%. ĐBSCL còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dài hơn 28.000km, trong đó 13.000km phục vụ cho vận tải đường thủy. Tuyến đường bộ đi từ ĐBSCL đến vùng Đông Nam Bộ cũng như các tỉnh, thành rất phát triển, hệ thống cảng nhiều ở khu vực sông Tiền, sông Hậu. Tuy nhiên, theo đại diện CTCP Mekong Logistics, chuỗi logistics ở ĐBSCL chưa phát triển. Hơn 70% lượng hàng xuất khẩu của khu vực phải vận chuyển lên cụm cảng khu vực TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép - Thị Vải, gây tốn thời gian và chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa.

Đại diện CTCP Mekong Logistics kiến nghị cần có sự kết nối giữa các Hiệp hội thuộc ngành thủy sản, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam,… để tìm đầu ra cho các công ty xuất khẩu nông thủy sản. Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi cách thức sử dụng phương thức vận chuyển, tập trung về bãi tập kết tại các cảng ở khu vực Cần Thơ và sau đó lên tàu đi thẳng ra cảng Cái Mép – Thị Vải, tiết kiệm chi phí rất nhiều.

Ông Trương Đình Hòe cho rằng ngành thủy sản không hẳn là bi quan song tình hình thực tế khá khó khăn. Đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang năm 2023. “Doanh nghiệp không nên quá bi quan mà phải tiếp tục cầm cự và đón bắt các cơ hội trong thời gian tới”, Tổng Thư ký VASEP phân tích.

Văn Vĩnh
.
.
.