Trái phiếu doanh nghiệp:

Số lượng giảm nhưng rủi ro cao

Thứ Năm, 29/04/2021, 15:52
Sau 1 năm bùng nổ tăng trưởng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có dấu hiệu chững lại khi hàng loạt quy định mới có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng với khối lượng TPDN không có tài sản đảm bảo cao, dù số lượng TPDN có giảm, nhưng rủi ro lại tăng cao.

Từ năm 2021, các Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Nghị định 156/2020/NĐ-CP liên quan đến thị trường trái phiếu tiếp tục tạo khung pháp lý thống nhất về TPDN chính thức có hiệu lực, tập trung phát triển thị trường TPDN theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, làm rõ điều kiện cũng như trách nhiệm các thành viên tham gia... 

Đặc biệt, phân biệt giữa trái phiếu riêng lẻ và trái phiếu phát hành ra công chúng về đối tượng mua và giao dịch, được đánh giá là bước chuẩn hóa thị trường, tiệm cận với các thông lệ quốc tế. 

Ông Phan Tùng Lâm, Giám đốc Kinh doanh Trái phiếu và Sản phẩm Cấu trúc, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI đánh giá, các quy định về phát hành và đầu tư/mua TPDN được thắt chặt hơn, các doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn qua các kênh khác. Việc này sẽ tác động đến số lượng phát hành trái phiếu trong năm 2021.

Doanh nghiệp BĐS phát hành lượng lớn trái phiếu trên thị trường.

Tuy nhiên, ghi nhận tại SSI, nhu cầu phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp vẫn rất lớn, tại hầu hết lĩnh vực, ngành nghề. Theo phân tích thực tế, lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp, 2 - 4%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng, 3 - 4%/năm cho kỳ hạn 6 - 12 tháng… 

Dù dư địa giảm lãi suất được đánh giá không còn nhiều, nhưng sẽ được duy trì nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang bị tác động bởi đại dịch COVID-19. Chính điều này khiến các nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm thêm kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, trong đó có TPDN, với mức lãi suất phổ biến 10 - 12%/năm như năm 2020.

Số liệu thống kê cho thấy tổng lượng TPDN phát hành trong quý I/2021 là 37.400 tỷ đồng, giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có gần 7.000 tỷ đồng là trái phiếu phát hành ra công chúng, tương đương 18,7% tổng lượng phát hành toàn thị trường, cao hơn nhiều mức bình quân chỉ 5,1% của cả năm 2020. Trong quý I/2021, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phát hành 23.150 tỷ đồng trái phiếu, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng chiếm tới 61,9% tổng lượng phát hành toàn thị trường. 

Đáng lưu ý, trong tổng lượng phát hành quý I/2021, chỉ có 17,4% được bảo đảm bằng BĐS; 17,2% được đảm bảo bằng tài sản; 14,7% được đảm bảo bằng một phần tài sản/BĐS và một phần là cổ phiếu; còn lại 50,2% là các trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu. 

Các chuyên gia khuyến cáo: TPDN không có tài sản bảo đảm sẽ có rủi ro cao. Thậm chí, nếu dùng chính trái phiếu làm tài sản đảm bảo thì rủi ro cũng chẳng khác gì trái phiếu không có tài sản đảm bảo. 

“Chúng tôi không đánh giá cao chất lượng tài sản đảm bảo là cổ phiếu vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh thậm chí giá trị cổ phiếu của tổ chức phát hành có thể về 0 nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán/phá sản. Bởi vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi xem xét đầu tư vào các trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu”, SSI khuyến cáo. 

Từ phía cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, khi phân tích những rủi ro đến từ nhóm trái phiếu BĐS, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng nếu tình hình sản xuất kinh doanh tốt, thị trường BĐS diễn biến thuận lợi thì doanh nghiệp có thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà đầu tư khi sở hữu trái phiếu. 

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn do quy mô năng lực tài chính hạn chế sẽ không thể trang trải  được khoản nợ lớn đã phát hành. Đối với doanh nghiệp BĐS, bên cạnh vay nợ trái phiếu thì các doanh nghiệp này còn vay ngân hàng. Nếu cứ đẩy lãi suất lên cao để huy động trái phiếu với khối lượng lớn, khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc thị trường BĐS gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn cho bản thân doanh nghiệp, cũng như tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ. 

Ông Dương cũng cho biết thêm Bộ Tài chính đã cung cấp thông tin để Ngân hàng Nhà nước phối hợp quản lý, giám sát việc cấp tín dụng cho lĩnh vực BĐS. Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị có liên quan của Bộ Tài chính cũng tăng cường quản lý việc phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty chứng khoán.

Một vấn đề nữa, đó là tại Việt Nam chưa có yêu cầu xếp hạng tín nhiệm với TPDN. Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cũng đã được quy định tại Nghị định 88/2014/NĐ-CP cho thấy hành lang pháp lý cho việc thành lập và hoạt động xếp hạng tín nhiệm đã tương đối đầy đủ từ 5 năm trước đây. 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 doanh nghiệp có giấy phép nhưng mới triển khai dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho rất ít các doanh nghiệp. Hiện tại, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đang phối hợp với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, Standard and Poor’s thành lập tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm. Hy vọng, hoạt động định hạng tín nhiệm sẽ được triển khai mạnh hơn trong thời gian tới và sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng TPDN, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

Hà An
.
.
.