Siết trách nhiệm của sàn thương mại điện tử để chặn hàng giả

Chủ Nhật, 14/03/2021, 07:39
Mặc dù các sàn thương mại điện tử (TMĐT) khẳng định đã áp dụng nhiều giải pháp sàng lọc hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, chỉ bán hàng chính hãng đến người tiêu dùng (NTD) nhưng hiện kênh bán hàng này vẫn đang tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng bán hàng gian, hàng giả, kém chất lượng... công khai.

Khi tham gia, các nhà cung cấp không tốn chi phí mở gian hàng, không tốn chi phí marketing, tỷ lệ hàng hoàn (đơn hàng phát không thành công) có mức thấp nhất, chiết khấu chỉ 1% cho đơn hàng phát thành công, 20.000 đồng cho mỗi đơn hàng hoàn... Đó là những lời chào mời, cạnh tranh của nhiều sàn TMĐT, nhằm  thu hút các đơn vị kinh doanh đăng ký mở gian hàng bán trên sàn TMĐT của họ.

Tìm hiểu cách thức, điều kiện để đưa hàng lên bán trên sàn TMĐT Tiki, chúng tôi được nhân viên tư vấn hướng dẫn thủ tục cũng khá đơn giản: Nếu là doanh nghiệp (DN) thì chỉ cần chuẩn bị giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (tên giấy phép, tên công ty, địa chỉ công ty, mã số đăng ký kinh doanh). Còn nếu là hộ kinh doanh thì cần có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế. Ngoài các giấy tờ trên, thì chỉ cần khai trong bảng đăng ký về số lượng hàng hóa khác nhau, thương hiệu đang kinh doanh... Còn việc bán hàng trên Tiki có hiệu quả hay không thì tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm của người bán.

Hàng giả, hàng lậu, rao bán trên sàn TMĐT bị QLTT bắt giữ.

Không chỉ sàn TMĐT Tiki mà các sàn TMĐT khác như Lazada, Sendo, Shopee... ngoài yêu cầu các đơn vị bán hàng phải cung cấp các giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh, còn đưa ra khuyến cáo một số ngành hàng cấm bán trên sàn TMĐT, nhưng thực tế tình trạng bán hàng cấm vẫn cứ diễn ra. Điển hình, sàn TMĐT Shopee nghiêm cấm bán kem trộn (hàng mỹ phẩm).

Thế nhưng, khi lướt trên sàn TMĐT Shopee, shop M.G vẫn đang rất hút người mua với các sản phẩm mỹ phẩm, thuốc tây, các sản phẩm để làm kem trộn như: Vitamin E, kem kích trắng, viên kích trắng, kem chua trắng da, serumvitamin E... Tại shop này, các “combo kem trộn” được bán với giá khá mềm, chủ yếu dành cho các spa, cơ sở là đẹp như: Combo kem spa nhanh trắng (thành phần gồm 13 loại kem) với giá 258.000 đồng, giảm còn 237.500 đồng; Combo kem spa nhanh trắng (12 loại kem) giá 229.000 đồng giảm còn 217.000 đồng; Combo kem trộn (8 loại viên kích trắng, vitamin E) giá 95.000 đồng...

Nghị định 98/2020 có hiệu lực từ ngày 15/10/2020, quy định mức xử phạt vi phạm hành chính nặng hơn so với các quy định trước đây, nhất là kinh doanh hàng xách tay bị coi là hàng nhập lậu (không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, không khai báo hải quan…) bị phạt gấp 2 lần so với trị giá hàng hóa. Tuy nhiên, hiện trên các trang TMĐT, vẫn nhan nhản các gian hàng kinh doanh hàng xách tay như: “Shop Nhật Bản” trên Shopee, chuyên bán hàng xách tay từ Nhật và các nước, được quảng cáo là có giá tốt nhất chủ yếu các sản phẩm Collagen, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng gia dụng, sản phẩm chăm sóc mẹ và bé. Trên sàn TMĐT Tiki cũng có shop “Mỹ phẩm Úc xách tay” với hàng chục loại sản phẩm chào bán...

Qua tìm hiểu, được biết hầu hết các sàn TMĐT khi lựa chọn các đơn vị tham gia bán hàng thường yêu cầu phải có các loại giấy tờ liên quan đến sản phẩm, đến hoạt động kinh doanh, hoặc đến kiểm tra kho hàng của nhà cung cấp... nhưng không thể kiểm tra được chất lượng thực tế của từng loại sản phẩm rao bán trên gian hàng của sàn TMĐT. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng bán hàng gian, hàng giả, kém chất lượng... Phổ biến nhất, là các trang mạng sử dụng hình ảnh hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn so với hàng chính hãng để thu hút NTD.

Khi NTD đặt mua hàng thông qua sàn TMĐT, thông tin sẽ được chuyển đến đơn vị bán hàng và người bán trực tiếp đóng gói sản phẩm, sau đó giao cho đơn vị vận chuyển (là đối tác của sàn TMĐT đó), để giao cho khách hàng. Như vậy, chất lượng sản phẩm được đóng gói là hàng thật, hàng giả, hay hàng kém chất lượng thì chỉ có người bán mới biết. Chính vì điều đó mà hàng giả, kém chất lượng... vẫn còn tràn lan trên các sàn TMĐT.

Trước tình trạng đó, trong thời gian qua, nhiều sàn TMĐT như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki... đã tham gia ký kết với Bộ Công Thương cam kết “nói không với hàng giả trong TMĐT” cũng như áp dụng hệ thống quản lý và giải quyết phản ảnh, khiếu nại, tranh chấp trong TMĐT, nhưng vẫn không ngăn chặn được tình trạng vi phạm.

Mặc dù các sàn TMĐT cũng đã gỡ bỏ, xử lý hàng chục ngàn gian hàng vi phạm, nhưng gặp khó khăn là các sàn TMĐT do không có đủ năng lực, thẩm quyền để xác định hàng giả. Trong khi quy định về mức phạt đối với DN có hàng hóa, sản phẩm có dấu hiệu hàng giả chưa đủ sức răn đe, một số sàn TMĐT đã tự bảo vệ mình dựa trên căn cứ vào khiếu nại của NTD. Gian hàng nào có tỉ lệ đổi trả hàng cao sẽ không cho tiếp tục bán tại sàn; khóa tài khoản người bán nếu bị vi phạm nhiều lần... Nhưng con số này vẫn còn quá ít, nên môi trường TMĐT vẫn còn khá phức tạp.

Theo thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tỷ lệ DN tham gia kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT đang tăng trưởng mạnh. Trong đó, mạng xã hội là kênh tiếp thị phổ biến nhất với tỷ lệ đánh giá đạt hiệu quả cao đến 45%, bán hàng qua website tỷ lệ này là 32%, ứng dụng di động là 22%. Sự phát triển của TMĐT đã tạo điều kiện cho DN tiêu thụ sản phẩm, nhưng cũng là nơi nhiều đối tượng lợi dụng bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) cho rằng, để ngăn chặn nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, cần khuyến khích thanh toán online khi mua hàng qua sàn TMĐT do các giao dịch này sẽ được chủ sàn TMĐT quản lý. Ngoài ra, phải tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT, thay vì buông lỏng như thời gian qua.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) dự báo, năm 2021 hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường Internet còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, trong khi đó quy định pháp luật quản lý TMĐT chưa theo kịp sự phát triển loại hình kinh doanh này. Vì vậy Tổng cục QLTT đã kiến nghị, tham mưu các đơn vị trong Bộ Công thương trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT. Nghị định thay thế sẽ đặt ra những cách thức quản lý mới.

Theo đó, Nghị định thay thế sẽ không phân biệt giữa TMĐT với thương mại truyền thống, mà có sự bình đẳng giữa 2 loại hình kinh tế này. Tức là ở môi trường thương mại truyền thống, quy định hàng hóa khi muốn trao đổi, mua bán, phải tuân thủ những yếu tố gì thì quy định trên môi trường Internet cũng như vậy. Trước đây,  chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch TMĐT, mà chủ yếu xoay quanh người bán hàng, thì trong Nghị định thay thế này sẽ quy định trách nhiệm của chủ thể quản lý sàn giao dịch TMĐT.
Thúy Hà
.
.
.