“Siết” kiểm tra doanh nghiệp FDI có dấu hiệu bất thường

Thứ Hai, 24/04/2017, 09:28
Xuất khẩu (XK) của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đến 70% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Ngoài ra, khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, “làn sóng” DN FDI cũng tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều để đón đầu xu hướng cũng như tận dụng thuế suất ưu đãi do FTA mang lại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có nhiều DN FDI hoạt động trốn thuế bằng nhiều chiêu thức hết sức tinh vi. Truy thu được thuế của khối DN này không hề đơn giản.

Theo BQL các khu chế xuất và công nghiệp (KCX &CN) TP Hồ Chí Minh, tính đến 31-12-2016, 17 KCX, KCN đang hoạt động thu hút FDI từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ với 535 dự án còn hiệu lực.

Ths Tạ Chu Uyên Nguyên, Phó Trưởng phòng Quản lý DN, BQL các KCX&CN TP Hồ Chí Minh đánh giá: “Mặc dù FDI góp phần quan trọng trong quá trình phát triển KCX, KCN (như tạo công ăn việc làm cho 200 ngàn lao động, trong năm 2016 XK gần 6 tỷ USD, nhập khẩu hơn 5 tỷ USD) nhưng vẫn còn nhiều DN FDI lỗ trong nhiều năm, thậm chí lỗ vượt vốn điều lệ nhưng doanh thu qua các năm đều tăng và vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất. Đây là vấn đề tồn tại cần xử lý triệt để trên cơ sở quy định của pháp luật đối với các DN FDI tìm cách trốn thuế gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước”.

Thống kê của BQL KCX&CN TP Hồ Chí Minh trong thời gian 3 năm (từ 2013-2015) đối với các DN FDI đang hoạt động tại đây cho thấy: Bình quân có 31,4% DN kê khai lỗ (con số tương đối lớn), 15,8% DN kê khai lỗ và có số lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ. Có rất nhiều nguyên nhân khiến các DN FDI báo lỗ liên tục, trong đó có nguyên nhân là sổ sách kế toán thực hiện theo sự điều chỉnh của công ty mẹ ở nước ngoài như nâng chi phí đầu vào (nhập nguyên liệu, máy móc thiết bị, quảng cáo, lãi vay từ công ty mẹ...) và hạ giá bán đầu ra (bán sản phẩm cho công ty mẹ hoặc công ty liên kết với giá thấp hoặc giá bằng giá vốn,...).

Coca - cola, doanh nghiệp FDI bị cơ quan thuế đưa vào nghi án chuyển giá từ nhiều năm nay.

Ngoài ra, hiện các dự án FDI hoạt động tại các KCX, KCN phần lớn thực hiện gia công sản phẩm, trong khi tỷ lệ nội địa thấp do ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa thật phát triển, nên buộc phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào. Chính vì quá phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài nên đây là cơ hội để các DN FDI dễ dàng thực hiện việc chuyển giá.

Hiện nay, rất nhiều DN FDI bị phát hiện nghi ngờ chuyển giá, trong đó có các công ty đa quốc gia đã hoạt động tại Việt Nam khá sớm như Adidas, Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh phát hiện có nghi án chuyển giá từ 6-7 năm nay)...

Tuy nhiên, theo một số cán bộ thuế thì việc thu thập thông tin để xử lý rất khó khăn, phức tạp. Chẳng hạn, muốn có bằng chứng thì phải biết giá đầu vào cùng mặt hàng đó khi chuyển vào Việt Nam bao nhiêu và chuyển vào các nước khác là bao nhiêu? Điều này đòi hỏi phải tiếp cận được số liệu của công ty mẹ, đối chiếu với số liệu của chi nhánh tại Việt Nam để phát hiện ra những sai phạm. Thế nhưng, việc tiếp cận với các cơ quan thuế của các nước (nơi đặt trụ sở công ty mẹ) để lấy thông tin là việc hết sức khó khăn.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý có thẩm quyền trong nước (cơ quan thực hiện công tác hậu kiểm, kiếm toán, ngân hàng Nhà nước, hải quan...) cũng chưa thật sự hiệu quả. Trong thời gian qua, cơ quan thuế đã đấu tranh với các DN FDI thực hiện chuyển giá và truy thu thuế, nhưng kết quả không cao.

Riêng tại Lâm Đồng, trước đây có nhiều DN FDI kinh doanh có những dấu hiệu bất thường, cơ quan chức năng phát hiện đã vào cuộc thu thập được đầy đủ chứng cứ chứng minh các DN FDI trong lĩnh vực chè có hành vi chuyển giá. Các DN này áp dụng thủ đoạn nâng giá hàng hóa, tài sản nhập khẩu từ Đài Loan vào Việt Nam để tăng chi phí, giá trị đầu tư. Trong khi đó lại tìm mọi cách hạ giá sản phẩm chè XK từ Việt Nam về công ty mẹ ở bản quốc, dẫn đến các DN FDI tại tỉnh này thua lỗ kéo dài.

Cục Thuế Lâm Đồng xác định, để chế biến 1kg chè oloong thành phẩm thì cần 5kg chè tươi nguyên liệu (giá 35.000 đồng/kg chè tươi). Chưa tính điện nước, công nhân, quản lý, khấu hao máy móc thiết bị..., DN đã phải tốn 175.000 đồng cho nguyên liệu chè đầu vào, thế nhưng, điều nghịch lý là các DN FDI kê giá XK chỉ có 4USD/kg (thời điểm 2010 tương đương 64.580 đồng/kg) và thấp hơn cả giá tại thị trường nội địa đến...18 lần.

Trong vụ này, có 15 DN có hành vi chuyển giá bị xử phạt. Sau khi thanh tra toàn diện quy trình sản xuất của các DN FDI trên địa bàn, Cục Thuế Lâm Đồng đã cắt khoản lỗ khổng lồ trên 300 tỷ đồng của nhóm DN FDI. Đồng thời dừng cấp phép bổ sung vốn đầu tư cho các DN FDI thường xuyên báo cáo lỗ liên tục trong nhiều năm. Các DN sau khi bị “lật tẩy” về hành vi chuyển giá, đã phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp nộp cho ngân sách.

Ths Phan Phùng Hưng, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Khác với nhiều trường hợp có nghi vấn chuyển giá khác nhưng không thể đi đến kết luận và xử lý như trường hợp Adidas và Coca- Cola, kết quả tích cực mà Cục Thuế Lâm Đồng đạt được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho công cuộc chống chuyển giá hiện nay ở Việt Nam”.

Trong báo cáo tình hình KT-XH 2016 nhiệm vụ 2017 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng đưa ra các nhóm giải pháp phát triển KT-XH, trong đó nhấn mạnh: Tập trung chống thất thu, chuyển giá, mở rộng cơ sở thuế, giảm nợ đọng thuế.

Thúy Hà
.
.
.