Nhiều hãng tàu nước ngoài tăng giá cước, doanh nghiệp lao đao

Thứ Hai, 12/07/2021, 08:27
Không chỉ ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục "lao đao"khi giá cước thuê container xuất hàng đi châu Âu ngày một leo thang.

Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng sớm vào cuộc, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và ngăn chặn hành vi trục lợi từ các hãng tàu nước ngoài.

Đứng ngồi không yên vì giá cước

Chị Ngọc Linh, chủ một công ty xuất nhập khẩu hàng Việt-Nhật gần tháng nay đứng ngồi không yên vì không tìm nổi hãng tàu hợp lý để vận chuyển mấy container hàng từ Việt Nam đi Mỹ. 

Chị kể, vừa tháng trước, tôi liên lạc với đại lý một hãng tàu lớn của Đài Loan (Trung Quốc), họ báo giá thuê tàu chở container đi từ Việt Nam sang Mỹ có giá chừng 700-900 USD. Thế nhưng, tháng này khi chị Linh gom xong hàng, thì họ đã báo giá lên tới 1.200 USD/container. 

"Khi tôi muốn đặt lịch cho những đơn hàng tiếp theo, họ cũng ậm ừ, không báo giá tiền cụ thể vì giá có thể tăng lên nữa. Thời điểm dịch bệnh, tìm được đơn hàng đã khó, giờ đến việc chuyển hàng đi càng khó hơn. Nếu cứ đà này, hàng ứ đọng lại cảng, lãi lời chẳng là bao, doanh nghiệp trong nước chẳng mấy mà "đắm theo", chị Ngọc Linh lo lắng. Tình cảnh này còn đang xảy ra với không ít doanh nghiệp Việt muốn thuê tàu vận chuyển hàng đến khu vực châu Âu.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng doanh nghiệp/chủ hàng Việt Nam phải sống trong cảnh bị "bắt chẹt" về giá cước là hệ quả từ sự phát triển chậm chạp, không thể đảm đương thị trường của đội tàu Việt Nam.

Cước vận tải biển tăng kỷ lục gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh CTV.

Theo thống kê, tính đến tháng 12/2020, đội tàu biển Việt Nam có 1.049 tàu vận tải, tổng trọng tải khoảng 9,3 triệu DWT, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh vận tải hàng hóa đang theo xu hướng container hóa nhưng số tàu container của Việt Nam chỉ chiếm 3,7% với 38 chiếc trong cơ cấu đội tàu vận tải. 

Trên thế giới đã phát triển loại tàu container sức chở trên 20.000 Teus nhưng doanh nghiệp Việt mới chỉ đầu tư tàu có sức chở 1.800 Teus. Vì thế mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam không có cơ hội lựa chọn hãng tàu trong nước để vận tải, buộc phải chấp nhận các điều kiện và chi phí do hãng tàu nước ngoài đưa ra. 

"Điều này đòi hỏi đội tàu Việt phải sớm được nâng cao năng lực để lấp đầy khoảng trống trong thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu. Đó mới là giải pháp dài hơi. Khi phát triển được đội tàu Việt, hãng tàu nước ngoài hết thế thống lĩnh thì chủ hàng mới có nhiều sự lựa chọn và được bảo đảm quyền lợi", một chuyên gia kinh tế chỉ rõ. 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) từng cho hay, hiện tại, "cây gậy" duy nhất quản lý giá cước, phụ phí của hãng tàu nước ngoài áp dụng tại Việt Nam chỉ có Nghị định 146/2016 của Chính phủ quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển. 

Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải đang phối hợp với các hiệp hội liên quan rà soát lại quá trình áp dụng giá cước, phụ thu của hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam trong suốt thời gian qua.

Giá cước là "vùng tối" khó kiểm soát?

Thông tin cụ thể hơn, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết, trong các lần thay đổi giá cước, các hãng đều khai báo có thay đổi niêm yết theo quy định. 

Tuy nhiên, trên website của hãng tàu lại không thể hiện thời gian niêm yết, do vậy không biết chính xác được các hãng tàu có niêm yết trước 15 ngày sau mỗi lần thay đổi giá cước hay không. 

"Các loại phụ thu được niêm yết chỉ thể hiện mức giá, không ghi chi tiết thời điểm bắt đầu và kết thúc, không nêu rõ lý do thu, không lưu lại thời gian niêm yết và các lần thay đổi niêm yết. Mức giá do hãng tàu tự quyết định và thu của khách hàng mà không phải đăng ký kê khai với cơ quan có thẩm quyền," ông Giang nhấn mạnh. 

Kiểm tra thực tế cũng cho thấy trung bình mỗi hãng áp dụng khoảng 3-5 loại phụ thu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Các loại phụ thu chủ yếu là chứng từ, vệ sinh container (đối với hàng nhập), kẹp chì (đối với hàng xuất). 

Trong số đó, một số loại phụ thu không căn cứ vào chi phí thực tế của dịch vụ như phụ thu khai báo trọng tải hàng hóa được thu, với mức giá từ 30-50 USD, trong khi hãng tàu gần như không mất chi phí cho dịch vụ này. 

"Như vậy, việc quy định niêm yết giá cước và các loại phụ thu không mang lại nhiều ý nghĩa trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát giá. Giá cước niêm yết không phản ánh giá thực tế. Các loại phụ thu của hãng tàu không được đăng ký kê khai với cơ quan có thẩm quyền mà do hãng tàu tự quyết định nên không kiểm soát được mức giá và các loại phụ thu," ông Giang thừa nhận.

Giá cước vận tải biển tăng khiến doanh nghiệp Việt lao đao.

Cũng theo ông Giang, vừa qua, các hãng tàu đồng loạt tăng giá trong cùng thời điểm khi thị trường vận tải có biến động, tạo ra một mặt bằng giá cước tăng cao trên toàn thế giới. 

Trong khi đó, hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm về niêm yết giá tại Nghị định số 142/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng hải, trong đó chế tài xử phạt các doanh nghiệp không niêm yết giá rất thấp, mức phạt từ 1-3 triệu đồng/lần, chưa đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp vi phạm về niêm yết giá. 

Hiện thị phần vận tải hàng hóa của Việt Nam xuất nhập khẩu đi thị trường châu Mỹ, châu Âu phụ thuộc hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài. 

Các chính sách giá cước, các loại phụ thu cũng do các hãng tự quyết định; các chủ hàng của Việt Nam quy mô nhỏ, chủ yếu nhu cầu theo thời vụ nên không có kế hoạch ký kết hợp đồng vận tải dài hạn, dẫn đến gặp nhiều rủi ro khi thị trường biến động. 

Để nâng cao công tác quản lý Nhà nước về giá và hoạt động của các hãng tàu nước ngoài khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhằm tạo sự công khai minh bạch, bình đẳng, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ giao cho Bộ rà soát, bổ sung các quy định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hãng tàu container nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (như khi hãng tàu nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký tuyến vận tải, lịch trình, lượng hàng, tránh tạo ra sự tùy tiện trong việc hãng tàu tự ý bỏ tuyến, chậm chuyến hoặc hủy đặt chỗ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu). 

Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về giá cước và các loại phụ thu ngoài giá cước mà hãng tàu thu đối với chủ hàng xuất nhập khẩu tại cảng nước ta cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và tuân thủ tập quán thương mại quốc tế.

Đặng Nhật
.
.
.