Người tiêu dùng vẫn lo nơm nớp về chất lượng bánh Trung thu

Thứ Sáu, 13/09/2019, 08:12
Bỏ tiền với giá “khủng” mua 1 hộp bánh Trung thu, người tiêu dùng vẫn lo lắng chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi có hàng chục nghìn chiếc bánh Trung thu nhập lậu bị lực lượng chức năng thu giữ.


28 triệu đồng 1 hộp bánh Trung thu

Thời điểm này, các công ty sản xuất bánh Trung thu và nhiều khách sạn lớn trên toàn quốc đã tung ra các dòng sản phẩm bánh giá từ bình dân đến đắt tiền, thậm chí là giá “khủng” khiến người mua không khỏi giật mình vì có thể lên đến hàng chục triệu đồng 1 hộp.

Sản phẩm bánh Trung thu có giá “khủng” hầu hết do đầu bếp của các khách sạn 5 sao thực hiện, như bánh của khách sạn Hilton Hanoi Opera. Những chiếc hộp bánh Trung thu thời trang tiếp tục được khách sạn Hilton Hanoi Opera duy trì trong dòng sản phẩm năm nay.

Bên cạnh loại hộp vỏ trơn màu cam với tay cầm kim loại, khách sạn bổ sung thêm phiên bản giới hạn là hộp có tay cầm bằng gỗ và bức tranh “vườn hoa” in trên vỏ. Đội ngũ bếp Hilton làm bánh với 6 vị nhân. Các sản phẩm có giá từ 8 trăm nghìn đồng - 3,8 triệu đồng /hộp.

Riêng phiên bản giới hạn (kèm rượu) của dòng sản phẩm này có giá rất “khủng”, giá thấp nhất là 14 triệu đồng và cao nhất là 28 triệu đồng. Có lẽ đây là một trong những mức giá “khủng” nhất trên thị trường bánh Trung thu năm nay.

Thị trường bánh Trung thu 2019 xuất hiện nhiều loại bánh có giá “khủng” lên đến hàng chục triệu đồng.

Còn khách sạn Crowne Plaza West Hanoi giới thiệu bộ sưu tập bánh Trung thu 2019 "Lung linh ánh răng rằm” lấy cảm hứng từ hình ảnh ánh trăng trong bầu trời đêm thu được thể hiện bằng những lát cắt 3D. 1 hộp bánh Trung thu của khách sạn Crowne Plaza West Hanoi có giá lên đến hơn 1,3 triệu đồng (kèm rượu vang). Khách sạn Sheraton Hanoi cũng tung ra dòng bánh Trung thu với giá 1,5 triệu đồng (kèm rượu)…

Ở các thương hiệu bánh quen thuộc như Kinh Đô, mùa Trung thu năm nay cũng xuất hiện những loại bánh tiền triệu như bánh Trung thu cao cấp bạch kim đắc lộc có giá 2,2 triệu đồng với nhân bánh gồm bào ngư thượng hạng, cua huỳnh đế, sò điệp nhật, tôm càng bách hoa, hạt sen tứ quý; bánh Trung thu cao cấp kim cương trường khang có giá 3,5 triệu đồng với nhân bánh gồm vi cá thượng hạng, bào ngư thượng hạng, hải sâm thượng hạng, sò điệp nhật sốt XO, mứt cam dẻo, đậu xanh hạnh nhân cao cấp; bánh Trung thu cao cấp hoàng kim vinh hiển đỏ có giá 1,25 triệu đồng…

Thương hiệu bánh Trung thu Maison thì tung ra thị trường dòng bánh Trung thu với tên gọi “Tinh tế” có giá 1 triệu đồng/hộp, “Lôi cuốn” có giá 1,8 triệu đồng/hộp.

Lo lắng chất lượng và an toàn thực phẩm

Bánh Trung thu làm quà biếu có giá “siêu khủng” đến bình dân được tiêu thụ mạnh sát vào dịp Trung thu, nhưng chất lượng và an toàn thực phẩm có đúng như giá tiền mà người tiêu dùng bỏ ra hay không.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, bánh Trung thu nhập lậu nhập vào chỉ bằng 1/3 giá bán ra. Vì lợi nhuận nên đầu nậu đã không từ thủ đoạn để nhập lậu bánh bán trên thị trường. Nỗi lo mất an toàn thực phẩm là rất lớn khi có hiện tượng nhân bánh, bột làm bánh còn trôi nổi, không có nguồn gốc, nhãn mác.

Theo bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội, khó khăn lớn nhất trong việc kiểm soát ATTP bánh Trung thu là kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm. Ngoài hồ sơ hợp đồng về nguồn gốc và hóa đơn mua bán, Chi cục ATVSTP còn yêu cầu cơ sở phải thêm giấy đăng ký kinh doanh của cơ ở sản xuất nhãn bánh, kiểm nghiệm định kỳ nhân bánh đó đạt yêu cầu phải lưu trữ tại cơ sở.

Đặc biệt là thao tác của cá nhân người thực hành chế biến, cách nặn nhân bánh, cho trứng muối phải dùng găng tay 1 lần, nhưng khi đoàn kiểm tra đi thì nhiều nơi lại không thực hiện,… dẫn đến ô nhiễm. Dụng cụ đựng sản phẩm trong ngày phải sửa thật sạch sẽ qua mỗi lần sản xuất để đảm bảo không có bụi bẩn, côn trùng, kiến, gián… Việc kiểm tra này phải làm thường xuyên, nhưng đoàn kiểm tra chỉ đi kiểm tra được một lần, do vậy cần ý thức của doanh nghiệp.

Có một lượng lớn bánh Trung thu "handmade" rao bán tràn lan trên mạng, tuy nhiên bánh này không đăng ký chất lượng sản phẩm, sử dụng chất bảo quản gì, bột làm bánh, nhân bánh có nguồn gốc, nhãn mác hay không thì không ai quản lý, người tiêu dùng chỉ mua bằng niềm tin.

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, quảng cáo bánh Trung thu handmade có quy định chung là phải xin phép. Nhưng hiện nay có nhiều hình thức bán hàng đa kênh chưa quản lý được như trên mạng xã hội Zalo, Facebook…

Hiện chưa quản lý được toàn bộ việc quảng cáo trên nhiều kênh như trên. Tuy nhiên, về quy định, các hộ tuyên truyền quảng cáo phải chịu trách nhiệm. Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường xử lý nhiều vụ việc tuyên truyền quảng bá chưa đúng như sản phẩm, được phản ánh qua ý kiến của người tiêu dùng và báo chí.

Nhiều bánh Trung thu ghi hạn sử dụng 2 tháng, thậm chí tới nửa năm khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại. Theo bà Hoàng Thị Minh Thu cho biết, thông thường với loại bánh dẻo thời hạn sử dụng từ 15-20 ngày, bánh nướng từ 20-30 ngày.

Trên thực tế, có những cơ sở sản xuất ghi thời hạn sử dụng bánh đến hơn 1 tháng thì chắc chắn sử dụng chất bảo quản. Tuy nhiên, cơ sở được sử dụng chất bảo quản trong giới hạn, hàm lượng cho phép. Ngoài ra, trong quá trình bảo quản phải đảm bảo đúng quy định như ở nơi thoáng mát, chống ánh nắng trực tiếp, tránh côn trùng… thì sản phẩm đó mới đảm bảo được hạn như trên bao bì đã ghi.

Minh Thư-Đức Quang
.
.
.