Mua bán 500 tấn nếp bằng… “niềm tin”

Thứ Sáu, 15/06/2018, 10:00
12 hộ dân là chủ lò sấy nếp trên địa bàn huyện Phú Tân (An Giang) đang đứng trước nguy cơ mất tiền tỷ, nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần vì thực hiện việc mua bán hàng trăm tấn nếp với chủ nhà máy, thông qua trung gian là “cò”. Việc điều tra và truy nợ gặp nhiều khó khăn do đa phần các hợp đồng giao dịch được thực hiện bằng… miệng.

Theo trình bày của 12 chủ lò sấy nếp trên địa bàn các xã Phú Thọ, Phú Hưng, Phú Xuân, Phú An (huyện Phú Tân), từ nhiều năm nay, sau khi vụ mùa thu hoạch nếp xong, các hộ này đi tìm gặp nông dân để thu mua nếp về sấy, chờ được giá thì bán lại cho thương lái lấy lãi. Làm ăn dần dà, các hộ nói trên tin tưởng bà Đặng Thị Lệ (ngụ ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ, huyện Phú Tân), là “cò” chuyên mua nếp bán cho nhà máy chế biến. Bà Lệ thu mua được giá, nên các chủ lò sấy bán lại nếp cho bà Lệ theo hình thức “mua trước trả sau”.

Các chủ lò sấy trình bày sự việc.

Mọi việc suôn sẻ cho đến năm 2016 và 2017, 12 chủ lò sấy kể trên giao cho bà Lệ hơn 500 tấn nếp với tổng trị giá hơn 9 tỷ đồng, nhưng chỉ mới nhận được khoảng 5 tỷ đồng. Số tiền còn lại đến nay chưa nhận được. Các chủ lò sấy như ngồi trên đống lửa, nhiều hộ khác phải bỏ xứ ra đi vì nợ nần.

 “Thấy việc làm lò sấy cho thu nhập ổn định, gia đình dùng hết tiền tích góp và vay thêm 1 tỷ đồng của ngân hàng để đầu tư lò sấy và làm vốn thu mua nếp. Giờ thì bị “giật” hơn 500 triệu đồng. Gia đình lâm vào cảnh nợ nần, phải vay mượn khắp nơi để trả lãi ngân hàng. Gửi đơn đến cơ quan chức năng thì chưa tìm ra hướng giải quyết”, bà Đặng Thị Đẹp (ngụ ấp Phú Quới, xã Phú An) trình bày  với PV Báo CAND.

Theo tìm hiểu của PV, bà Lệ chỉ là trung gian, đứng ra thu mua nếp của các chủ lò sấy rồi giao lại cho bà Đặng Thị Thủy (ấp Phú Trung, xã Phú Thọ), Đặng Thị Phở (em bà Thủy, ngụ ấp Hưng Thới 1, xã Phú Hưng, huyện Phú Tân) – là chủ các nhà máy chế biến nếp trên địa bàn.

Theo trình bày của bà Lệ, khoảng 5 năm nay, bà làm trung gian (cò) mua bán nếp ở huyện Phú Tân cho chị em Thủy - Phở. Thực chất là mua nếp nhưng bà Lệ chỉ bỏ công tìm mối bán nếp, sau đó lấy mẫu về cho bà Thủy xem. Sau khi bà Thủy cho giá sẽ đến thương lượng với người bán.

“Tôi đứng ra trực tiếp cân hàng rồi vận chuyển về nơi bà Thủy yêu cầu. Tiền mua hàng bà Thủy giao cho tôi trả cho người bán. Nếu không trả, bà Thủy kêu tôi lãnh nợ thay. Tuy nhiên, nhiều hộ không đồng ý, bà Thủy nói ngược lại và từ chối hết trách nhiệm…”, bà Lệ trình bày trong đơn cầu cứu.

Giao dịch giữa bà Lệ và các chủ lò sấy đa phần đều có ghi biên nhận. 12 chủ lò sấy cho biết, theo biên nhận số tiền mà bà Lệ nợ ít nhất là 60 triệu đồng, nhiều nhất là 800 triệu đồng/hộ. Ông Nguyễn Viết Hiệu, bị “giật” số tiền hơn 800 triệu đồng, gia đình rơi vào cảnh trắng tay, phải ra Phú Quốc làm công nhân cho biết, ban đầu, sau mỗi lần mua bán, bà Thủy - Phở có trả 1/3 tổng giá trị số nếp nhận. Sau đó họ sẽ lần lượt cân tiếp hàng trăm tấn nếp rồi bất ngờ không đứng ra trả nợ và chối bỏ trách nhiệm.

“Khi số tiền mua nếp lên cao, chúng tôi đòi thì bà Thủy - Phở liền đổ trách nhiệm cho bà Lệ. Họ nói không biết gì và đã thanh toán hết cho bà Lệ, nên không có trách nhiệm với chúng tôi nữa”- các chủ lò sấy trình bày và cho rằng bà Thủy và Phở là những người phải có trách nhiệm chính trả nợ, bởi bà Lệ chỉ là “cò”, đều này ai cũng biết.

Thượng tá Lê Văn Thông, Phó trưởng Công an huyện Phú Tân cho biết, Cơ quan CSĐT nhận được đơn của 12 hộ dân tố cáo bà Lệ, bà Thủy và bà Phở mua bán nếp, nhưng không thanh toán đầy đủ số tiền. Qua điều tra cho thấy, từ năm 2016 – 2017, 12 hộ dân có bán nếp trực tiếp cho bà Lệ tổng cộng 55 lần, với số tiền 9,1 tỷ đồng. Sau đó, bà Lệ có trả cho người dân với số tiền gần 5 tỷ đồng.
Việc giao dịch giữa bà Lệ với bà Thủy và Phở không thấy thể hiện. Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Phú đang hoàn tất thủ tục chuyển giao hồ sơ vụ việc về Công an tỉnh vì số tiền vượt quá 500 triệu đồng.
Trần Lĩnh
.
.
.