Đừng xem nhẹ lợi ích của người tiêu dùng xăng dầu

Thứ Hai, 07/05/2018, 07:31
Đề xuất bỏ xăng RON A95, chỉ kinh doanh xăng sinh học; tăng giá xăng A95 chênh cao so với xăng E5 để đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học… là những đề xuất gây sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua. 

Báo CAND đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong, để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.

PV: Thưa ông, khi đề xuất một chủ trương đụng chạm đến người dân như thế, liệu doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý có quá nóng vội và “sơ hở” nên gây phản ứng không đồng thuận?

TS Nguyễn Minh Phong: Trước tiên, tôi đặt ra 3 vấn đề khách quan: Thứ nhất, việc quản lý xăng sinh học E5 phải đúng như quản lý A95 và các loại xăng dầu từ trước tới nay, không thể tìm một cách quản lý xăng sinh học riêng và không hợp lý, không tạo sự đồng thuận trong người dân. Thứ 2 là, phải phù hợp với xu hướng của thế giới và thứ 3 là, đúng mục tiêu phát triển của đất nước.

Về vấn đề thứ nhất và thứ 3, định hướng phát triển xăng sinh học của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp xu hướng phát triển. Tuy nhiên hiện nay, để “ưu ái” xăng sinh học, các doanh nghiệp đòi chênh lệch giá cao khiến cho người dân cảm giác bị ép buộc, nhất là thực tế, họ vẫn chưa thực sự yên tâm vào chất lượng xăng E5.

Vấn đề thứ 2, trên thế giới, việc phát triển xăng sinh học được ưu tiên và là hướng đi của rất nhiều nước. Thưc tế, thế giới người ta đã dùng đến xăng sinh học E20, E30, mà Việt Nam mình mới “lò dò” đến E5 đã là quá chậm.

Đề xuất bỏ xăng RON A95 đang gây nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Ảnh minh họa: CTV

PV: Thưa ông, tại sao cứ phải bỏ xăng RON 95 mà không để 2 loại xăng (trong đó có xăng sinh học) cùng tồn tại trên thị trường?

TS Nguyễn Minh Phong: Sở dĩ sử dụng xăng sinh học là để giảm thiểu việc nhập khẩu xăng dầu, không để thất thoát ngoại tệ, vì luôn phải xuất ngoại tệ ra để nhập khẩu xăng về. 

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh phát triển xăng sinh học nhằm tăng đầu ra cho nông sản, tạo điều kiện để cho người nông dân phát triển sản xuất các nguyên liệu ethanol. Đây là một chủ trương đúng. Nhưng cách làm thì không thể nóng vội được.

PV: Như thế, người dân cho rằng quyền lợi của mình đang bị “đặt sang một bên”?

TS Nguyễn Minh Phong: Người dân chú ý đến quyền lợi của mình ở 2 vấn đề: chất lượng và giá cả. Hiện nay, về chất lượng, khách hàng chưa thực sự yên tâm vào chất lượng xăng sinh học nên không ưu tiên lựa chọn, dù giá cả hiện có thấp hơn so với xăng A95. 

Bởi vậy, theo tôi, chuyện bỏ xăng A95 hay không bỏ không quan trọng, mà quan trọng là phải quản lý được mấy vấn đề: Đảm bảo chất lượng xăng E5, tuyên truyền để người dân hiểu và tin dùng, và phải có người chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, để nếu người dân có kiến nghị gì thì còn có chỗ mà đề xuất, hay nói một cách dân dã là có chỗ mà “bám” vào khi cần, đồng thời có chế tài xử phạt những vi phạm, tiêu cực để vừa làm trong sạch môi trường kinh doanh, môi trường quản lý cũng như củng cố lòng tin cho người tiêu dùng.

PV: Nhưng trong khi chất lượng chưa tạo được sự tin tưởng, mà đòi tăng chênh lệch giá liệu có “ép” người tiêu dùng không?

TS Nguyễn Minh Phong: Về chênh lệch giá, việc đề xuất nâng lên như thế cũng giúp người tiêu dùng cân nhắc khi lựa chọn sử dụng loại xăng dầu nào. 

Quan trọng vẫn là chất lượng, vì nếu E5 kém, thì dù A95 cao hơn nhiều, người dẫn vẫn sẽ chấp nhận bỏ thêm tiền để lựa chọn loại xăng tốt nhất cho phương tiện của mình. Lợi ích của người tiêu dùng là mua được xăng rẻ và chất lượng. 

Theo tôi sở dĩ có sự phản ứng ngay tức thì là do cơ quan chức năng chưa đưa ra được lý lẽ thuyết phục khiến người tiêu dùng nghi ngờ có "lợi lích nhóm". Nên tôi nhắc lại quan trọng vẫn là chất lượng, người chịu trách nhiệm và chế tài xử phạt.

Với người dân, họ sẽ đồng thuận nếu sự thực là việc phát triển xăng sinh học tạo điều kiện cho vùng nguyên liệu phát triển

TS Nguyễn Minh Phong.

PV: Có ý kiến cho rằng phát triển việc trồng sắn sẽ không có lợi vì khiến đất nhanh bạc màu?

TS Nguyễn Minh Phong: Đất bạc màu là do không có chiến lược phát triển bền vững. Và câu chuyện mở rộng hơn là quy hoạch vùng nguyên liệu, kỹ thuật chăm sóc, trồng trọt, tái tạo dinh dưỡng cho đất để phát triển lâu dài.

PV: Có một vấn đề đặt ra hiện nay là giá sắn đang tăng. Nếu giá nguyên liệu tiếp tục tăng, thì dĩ nhiên giá xăng thành phẩm cũng sẽ tăng. Lúc đó, rõ ràng người dân lại thêm một lần chịu thiệt khi phải mua xăng đắt mà không có lựa chọn?

TS Nguyễn Minh Phong: Nếu giá sắn lên, sẽ có lợi cho người nông dân. Điều này hoàn toàn tỷ lệ thuận về lợi ích chứ? Hơn nữa, giá sắn có tăng, cũng không tăng nhanh và tăng mạnh bằng giá xăng khoáng. 

Hiện thế giới đã liên tiếp tăng giá xăng và sẽ tiếp tục tăng giá xăng nữa, vì tài nguyên không vô tận mà hữu hạn. Khi đó, nếu ta không chủ động, thì sẽ thiếu hụt năng lượng cũng như phải chấp nhận trả giá đắt cho nguyên liệu.

Vấn đề khi đưa ra một chủ trương đúng đắn, nhưng nó không coi trọng lợi ích người tiêu dùng, cũng như không có chiến lược toàn diện (nâng cao chất lượng, tuyên truyền, chịu trách nhiệm và chế tài) thì chủ trương đó cũng chỉ nửa vời và không hợp lý. 

Bởi vậy, theo tôi, phải đặt xăng E5 vào đối tượng quản lý giống như xăng RON cũ: điều hành theo đúng quy định, bóc tách quyền lợi rõ ràng, không được "vừa đá bóng vừa thổi còi", chống độc quyền, cạnh tranh bình đẳng thì sẽ nhận được sự -đồng thuận.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lệ Thúy (thực hiện)
.
.
.