Đầu tư - kinh doanh 2018: Cơ hội song hành cùng thách thức

Thứ Bảy, 06/01/2018, 09:13
Ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng nhìn vào đầu năm có rất nhiều chuyện liên quan đến chính trị, khủng bố nên không ai có thể dự báo được diễn biến thị trường nên khi hội nhập sâu rộng vào thế giới cần tăng cường năng lực phản ứng, để đủ sức để đối phó với bất kỳ tình huống nào.


Khảo sát của Trung tâm dự báo kinh tế-xã hội quốc gia thì khoảng 62% doanh nghiệp Việt Nam đánh giá tình hình quý I-2018 khả quan. Con số ấn tượng nữa theo điều tra Trung tâm dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tháng 10-2017, số doanh nghiệp Việt Nam có số doanh nghiệp sử dụng máy móc thiết bị sản xuất từ 10 năm gần đây là 62,5%. Trong đó, doanh nghiệp sử dụng máy móc từ năm 2011-2016 là 32%. Đấy là những con số giúp chúng ta có bức tranh rộng hơn về những tiến bộ của năm 2017. 

Về thị trường chứng khoán, ba phiên vừa rồi tăng hơn 30 điểm lên trên 1.019 điểm. Nhiều người cho rằng đây sẽ là xu thế chủ đạo của quý I và có thể kéo dài cả nửa đầu năm 2018. 

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo khảo sát của Nhật về doanh nghiệp đầu tư của họ tại Việt Nam, có khoảng 25.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản chiếm một phần tư số vốn. Dự kiến, 25% số doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh vào năm 2018.

Kinh tế tư nhân đóng góp mang tính quyết định tại nhiều dự án.

Với hàng loạt những thành tựu nổi bật năm 2017, tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đánh giá về hiệu ứng 2017 và 2018 như thế nào, chúng ta cần bàn nghiêm túc. 

“Đối với Việt Nam, mọi sự phấn khởi dẫn đến mất bình tĩnh. Các số liệu, nhiều con số chúng ta biết như số liệu tăng trưởng năm qua cao nhất 8-9 năm trở lại, quý III có sự nhảy vọt. Số danh nghiệp năm ngoái cũng ở mức cao kỷ lục, ít nhất 8-10 năm trở lại đây. Vì thế, chúng ta thấy nhiều báo năm nay dùng từ “kỳ tích 2017”, tôi cho rằng là “loạn”, một hai sự kiện thì được nhưng báo nào cũng gọi kỳ tích của 2017 đến mức dường như chúng ta hơi say sưa vì thắng lợi. Có gì ghê gớm đâu, tất nhiên với nỗ lực, xuất phát điểm thấp như đầu năm, điều ai cũng sửng sốt là kỳ tích nhưng nhiều chuyện còn hấp dẫn hơn, tôi cho rằng ở khía cạnh kinh tế nên đánh giá bình tĩnh hơn... ”

Khẳng định những con số ấn tượng của năm 2017 là chính xác và đạt được từ động lực đến từ niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ, ông Đặng Huy Đông - Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng “một mặt chấp nhận cảnh báo là không nên ru ngủ, nhưng khi các con số thống kê là xác thực thì ta phải tự tin để tiếp tục. Theo tôi ta nên đặt tiếp vấn đề là nhìn ở góc độ doanh nghiệp thì nên lường trước các rủi ro như thế nào trong hoàn cảnh sắp tới. Vậy thì các vị cảnh báo rủi ro là gì, nhận định rủi ro là gì để Chính phủ có những biện pháp xử lý kiểm soát rủi ro đó.”. 

Trong khi đó, TS Võ Trí Thành Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cũng cảnh báo: “Đây là giai đoạn phục hồi rõ hơn, chứ chưa tăng trưởng bền vững và có tính lâu dài, chỉ là phục hồi tốt hơn, thể hiện ở tăng trưởng GDP cả ba năm qua là trên 6%. Nhưng với đà phục hồi ấy, con số tăng trưởng với đất nước như thế này mà con số là 6,8 thì không đáng. Việt Nam đến năm 2035 bằng Malaysia bây giờ thì Việt Nam tăng trưởng 6-6,5%”, ông Thành nói.

Cũng đồng quan điểm rằng năm 2018, cơ hội lớn nhưng thách thức không nhỏ, ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng nhìn vào đầu năm có rất nhiều chuyện liên quan đến chính trị, khủng bố nên không ai có thể dự báo được diễn biến thị trường nên khi hội nhập sâu rộng vào thế giới cần tăng cường năng lực phản ứng, để đủ sức để đối phó với bất kỳ tình huống nào. 

“Do đó, tôi đồng tình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi cho rằng dù chúng ta cố gắng rất nhiều nhưng GDP trên đầu người gần 2.400USD vẫn còn chưa cao. Trong ASEAN, GDP của Indonesia đã vượt quá 1.000 tỷ USD, trong khi GDP của Việt Nam chỉ có 220 tỷ USD. Hy vọng những thành tựu kinh tế 2017 sẽ trở thành tiền đề vững chắc cho năm 2018 và tiếp theo” ông Nguyễn Mại nhận định.

Đi vào cụ thể, TS Tần Đình Thiên cho rằng cần bàn lại về chất lượng của tăng trưởng GDP cũng như chất lượng tăng trưởng xuất khẩu vì nó có liên quan đến cơ cấu. Ông Thiên cũng chỉ rõ bản thân sự thay đổi về mặt chất lượng đến từ nhiều mặt. 

“Thứ nhất, khái niệm chế biến chế tạo vẫn chủ yếu dừng lại ở gia công chứ chưa phải công nghệ cao.

Thứ hai, Chính phủ đã có nỗ lực thay đổi môi trường kinh doanh, thực sự làm và tạo được niềm tin và có hiệu ứng tích cực thực sự. Thủ tướng cũng khẳng định phải làm ráo riết, chứ buông tay một chút là không được. Người ta nói “trên nóng dưới vẫn lạnh” nhưng thật ra đang nóng dần lên. 

Thứ ba, khu vực kinh tế tư nhân tự mình khẳng định được mình, chứ không cần phải tuyên ngôn có tính chất văn kiện. Từ lâu nó đã quan trọng rồi nhưng năm nay thể hiện rất nhiều, đặc biệt là vốn tư nhân thay được vốn đầu tư công chậm. Vai trò tư nhân đã thay được nhiều cái trong Nhà nước. Điển hình như Sungroup làm sân bay Quảng Ninh trong vòng 18 tháng và tháng 6 sẽ khai trương đường bay. 

Tuy nhiên, nếu Nhà nước làm thì sẽ mất 15-20 năm.Ví dụ khác, như tại Phú Quốc hay TP. Hồ Chí Minh, hiện nay đóng góp tư nhân mang tính quyết định. Không thể phủ nhận là 2 khu vực nội địa và nước ngoài đã giúp xếp hạng Việt Nam tăng lên. Tôi cho rằng đây là xếp hạng thực chất”, ông Thiên.

Kinh tế tư nhân đóng góp mang tính quyết định tại nhiều dự án.
Lệ Thúy
.
.
.