Dầu thô “thất thế”, du lịch lên ngôi

Thứ Sáu, 03/11/2017, 07:55
Đây là nhận định của Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu HSBC tại Báo cáo Triển vọng Kinh tế thị trường Việt Nam tháng 11. Những chuyên gia này cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã chấm dứt một kỷ nguyên về dầu mỏ: “Dầu ít hơn, du khách nhiều hơn”.


Tại báo cáo, HSBC cho rằng đối với Chính phủ Việt Nam, dầu thô đã không còn là một nhân tố chủ lực trong khi ngành du lịch đang trở thành một xu hướng góp phần cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ có mục tiêu thu hút nhiều du khách tới Việt Nam trong bối cảnh sản xuất dầu mỏ giảm sút.

Trên thực tế, sản xuất dầu mỏ của Việt Nam đạt đỉnh điểm vào năm 2000 và tiếp tục là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng từ năm 2000 đến năm 2010 (cùng với sản xuất dệt may, giày dép và nông nghiệp). Tuy nhiên, sản xuất các nhiên liệu hóa thạch đã sụt giảm vài năm gần đây và các quan chức Chính phủ đã báo hiệu rằng đây có thể là một tiêu chuẩn mới.

May mắn là “đóng một cánh cửa này sẽ mở ra một cánh cửa khác”: Việt Nam chuyển hướng sang các mặt hàng điện tử khá thuận lợi và trở thành một nhân tố đáng tin cậy cho tăng trưởng trong vài năm gần đây. Du lịch cũng đã đóng góp lợi ích cho ngành dịch vụ và với sự phát triển liên tục đã góp phần giúp Việt Nam có nhiều nguồn lực tăng trưởng đa dạng hơn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây cho biết, sản lượng dầu mỏ trong năm 2017 sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn, tương đương với mức giảm 0,25% GDP. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý rằng, ngành du lịch và những ngành dịch vụ liên quan có thể bù đắp cho sự sụt giảm của sản lượng dầu thô do tăng trưởng của ngành du lịch trong nền kinh tế.

“Chúng tôi tin rằng đây chính là một chính sách bền vững cho Chính phủ Việt Nam khi sản lượng năng lượng hóa thạch của đất nước ngày càng co hẹp và ngành công nghiệp dịch vụ ngày càng phát triển. Hơn nữa, Chính phủ trong năm vừa qua cũng đã ban hành chương trình miễn thị thực để thu hút nhiều khách du lịch tới Việt Nam hơn và điều này dường như đã có hiệu quả.

Như vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục lạc quan về ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam và kỳ vọng số lượng du khách sẽ vượt qua 10 triệu người trong thời gian tới vì Việt Nam đã làm được điều này trong năm 2016 và đang có khuynh hướng lặp lại trong năm nay nếu như chương trình miễn thị thực được ban hành rộng rãi hơn, cơ sở hạ tầng được tiếp tục cải thiện và môi trường kinh tế, chính trị ở các nước khác vẫn thuận lợi”- HSBC nhận định. 

Ngành du lịch Việt Nam dường như đang tiếp tục phát triển khi Chính phủ gần đây áp dụng các biện pháp tự do hóa. Năm 2016, Việt Nam đã chào đón lượng du khách kỷ lục hơn 10 triệu người và con số này sẽ dễ dàng được vượt qua trong năm 2017.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, doanh thu ngành du lịch đạt được gần 16,5 tỷ USD trong chín tháng đầu năm nay, tăng 26,5% so với năm 2016. Các ngành dịch vụ của Việt Nam cũng đã hưởng lợi với tăng trưởng đạt mức nhanh nhất kể từ năm 2013.

H.A
.
.
.