Quản lý thịt lợn vào chợ đầu mối: Còn rối như... tơ vò(!)

Thứ Năm, 19/10/2017, 07:55
Ngày 18-10, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp đánh giá lại sau 3 ngày triển khai việc cấm nhập thịt lợn không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc vào hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền.


So với ngày đầu triển khai 16-10, thì đến ngày 18-10 tỷ lệ kích hoạt thông tin của các chủ thể tham gia vào đề án truy xuất nguồn gốc đã tăng đáng kể. Cụ thể, ngày 16-10, tổng lượng lợn về TP Hồ Chí Minh là 9.776 con (trong đó chợ đầu mối chiếm 81% với số lượng 7.961 con) và ngày 18-10, nhập 10.087 con (chợ đầu mối chiếm 83% với số lượng 8.394 con). Trong đó, số lượng được kích hoạt cung cấp thông tin tại cơ sở chăn nuôi trong ngày 18-10 đạt 95% (trong khi ngày 16-10 chỉ 88%).

Tại cơ sở giết mổ, số lượng được kích hoạt cung cấp thông tin truy xuất ngày 18-10 đạt 86% (ngày 16-10 là 57%). Số lượng lợn xuất ra khỏi lò mổ vận chuyển về các chợ đầu mối có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc đạt 59% (trong khi ngày 16-10 chỉ 30%).

Điều đáng ngạc nhiên là trong hai chợ đầu mối nhập đến gần 80% lượng thịt lợn vào thành phố, nhưng tỷ lệ có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc vào chợ Bình Điền khiến người tiêu dùng không khỏi giật mình: Ngày 16-10, lợn nhập chợ 2.915 con nhưng không có con nào có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc (trong khi chợ Hóc Môn đạt 22%).

Thịt lợn tại cơ sở giết mổ để đưa vào chợ đầu mối.

Ngày 17-10, tỷ lệ này tại chợ Bình Điền nâng lên được 4% với số lượng 133/3.076 con (chợ Hóc Môn nâng lên 51%) và ngày 18-10 chợ Bình Điền “nhích” lên được 6% với số lượng 182/3.103 con (chợ Hóc Môn tăng lên 76%).

Giải thích về sự “chậm tiến” này, ông Tsàn A Sìn, Phó Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền cho rằng: Số liệu 0%, 4% và 6% lợn nhập chợ Bình Điền đạt yêu cầu trong 3 ngày 16, 17 và 18-10 Sở Công Thương công bố không đúng với số liệu Ban Quản lý chợ Bình Điền nắm được.

Theo giải thích của ông Sìn, ngày đầu tiên trong việc vận hành phần mềm truy xuất nguồn gốc, tổ đề án yêu cầu Ban quản lý chợ nếu trường hợp lợn nhập chợ mà vòng trắng không có thông tin nhưng vòng vàng có đủ 2 thông tin của cơ sở giết mổ và thú y thì xem như đạt yêu cầu. Căn cứ vào “chỉ tiêu” đó, kết quả số lượng lợn nhập chợ mà Ban quản lý chợ Bình Điền có được.

Cụ thể: Ngày 16 và 17 -10, tỷ lệ truy xuất được nguồn gốc đạt 36,1% (tương ứng với 1.110 con có đeo vòng đầy đủ 2 thông tin) và ngày 18 là 27,7% (với 943 con). Chính vì có những cách hiểu như vậy nên ông Sìn đề nghị cần thống nhất quy định như thế nào là hợp lệ.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh khẳng định, quy trình truy xuất nguồn gốc thì phải có đầy đủ 5 thông tin. Trong đó, riêng tại cơ sở giết mổ có 3 thông tin gồm: Cán bộ thú y kích hoạt cho phép nhập lợn hơi vào lò mổ. Sau khi lợn được mổ xong thì chủ chảo, chủ lò phải kích hoạt vào từng mảnh heo và cuối cùng là thú y kích hoạt, niêm phong xe chở thịt lợn đã mổ ra khỏi cơ sở giết mổ đưa vào chợ. Còn với trường hợp như chợ Bình Điền chỉ có thông tin của cơ sở giết mổ và thú y là không đạt yêu cầu.

Nói về những khó khăn trong việc thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại chợ Bình Điền trong thời gian qua, ông Sìn cho biết: Nguồn lợn về chợ Bình Điền chủ yếu ở miền Tây Nam bộ và địa phương cung cấp thịt lợn chủ lực cho chợ Bình Điền là Bến Tre, Vĩnh Long và Tiền Giang.

Tuy nhiên, đặc điểm ở khu vực miền Tây Nam bộ chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ, thương lái đi gom lợn từng hộ gia đình về giết mổ mỗi lần vài con, nên họ lúng túng gặp khó khăn trong vấn đề này. Ngoài ra, những hộ nuôi nhỏ lẻ cũng gặp khó khăn là không được tập huấn, không có đầy đủ thông tin và có kỹ năng sử dụng phần mềm như những trang trại lớn.

Bên cạnh đó, hạ tầng wifi để sử dụng phần mềm cũng hạn chế và chi phí thiết bị đi kèm cũng là vấn đề. Đã có trường hợp, để thực hiện yêu cầu truy xuất nguồn gốc của TP Hồ Chí Minh, có 1 vài thương lái đã lấy vòng kích hoạt lợn ở miền Đông Nam bộ đi về Tây Nam bộ để gom lợn nhỏ lẻ đưa vào lò giết mổ. Khi chợ Bình Điền kiểm tra lại thông tin này thì thấy lợn miền Đông được mổ ở Long An.

Để cải thiện tình trạng này, ông Sìn cho rằng việc rất quan trọng là tập huấn cho thương lái trong việc sử dụng thiết bị và phần mềm để kích hoạt. Ông Sìn nói ông nhận được phản ánh như chủ lò Đông Á rằng: Bình thường họ mổ 1.000 con, nhưng nếu làm đủ quy trình thì họ làm tối đa 300 con, đây cũng là khó khăn.

“Vì vậy chúng tôi đề nghị Hội công nghệ cao hỗ trợ, thậm chí xuống lò mổ phối hợp hướng dẫn họ kích hoạt, có khoảng thời gian để quen với thao tác này. Để thời gian tới cải thiện được tỷ lệ heo có truy xuất nguồn gốc vào chợ tăng lên cần có sự hợp tác với những lò mổ trong việc kích hoạt. Vì nền tảng hạ tầng miền Tây không bằng TP Hồ Chí Minh, kỹ năng của người chăn nuôi cũng thiếu nên chợ Bình Điền đặt hàng Hội công nghệ cao hướng dẫn cho thương lái các tỉnh, hỗ trợ lò mổ…để thực hiện chủ trương chung của thành phố”, ông Sìn cho biết.

Thúy Hà
.
.
.