Có tiền nhàn rỗi sau Tết, đầu tư vào đâu để sinh lời?

Thứ Ba, 23/02/2021, 16:27
Tiền thưởng Tết, tiền lương tháng thứ 13 còn tiết kiệm được sau kỳ thưởng Tết Nguyên đán, tiền lì xì và những nguồn tiền nhàn rỗi khác sau Tết luôn tăng cao. Đầu tư vào đâu để sinh lợi là câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này.


Đối với người Việt Nam, kênh đầu tư đầu tiên mà đa số người nghĩ đến là gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi. Đây là kênh dễ nhất, an toàn nhất đặc biệt là đối với những người già, hưu trí có tiền nhàn rỗi. 

Thời điểm sau Tết Nguyên đán, gửi tiết kiệm ngân hàng đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Tuy nhiên, từ năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã liên tục giảm sâu. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng từ 2,45%-4%/năm, trong đó đa số ngân hàng niêm yết quanh mức 3,5%/năm. 

Riêng lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 6,25%/năm. Đáng chú ý, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng có sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng. Trong khi Techcombank và Vietcombank niêm yết ở mức thấp nhất (chỉ 3,7%/năm và 3,8%/năm) thì có những ngân hàng niêm yết trên 6%/năm. 
Gửi tiết kiệm tuy an toàn nhưng lãi suất rất thấp.

Lãi suất kỳ hạn 12 tháng và trên 12 tháng được niêm yết từ 4,9%/năm - 8,2%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất cao (từ 7%/năm trở lên) thường chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi rất lớn, từ hàng trăm tỷ đồng trở lên. 

Ngoài hình thức gửi tiền truyền thống, nhiều nhà băng khuyến khích hình thức gửi tiết kiệm online khi cộng thêm lãi suất 0,1-0,4%/năm. Đi cùng với đó, để thu hút tiền gửi, các ngân hàng có có thêm chương trình khuyến mãi, tặng lì xì, bốc thăm may mắn, chơi game trúng thưởng… Hiện, những khoản tiền cá nhân nhàn rỗi chưa tìm được kênh đầu tư thì gửi ngân hàng vẫn đang là 1 lựa chọn.

Vậy kênh chứng khoán thì sao? Đây là vấn đề khá “đau đầu”, vì thực sự trong năm 2020, nhiều nhà đầu tư đã kiếm được kha khá từ kênh đầu tư này, kể cả nhóm đầu tư “tay mơ”. Có những thời điểm, chỉ cần “xuống tiền” là thắng lợi. 

Thế nhưng, mấy cú “sập sàn” dịp trước Tết Nguyên đán đã khiến cho nhiều người “thức tỉnh” vì đây là thị trường không dành cho những người đầu tư theo tâm lý bầy đàn, ăn theo. Vì vậy, dù dòng tiền nhàn rỗi còn nhiều, nhưng không dễ gì để nhảy vào thị trường. Tuy nhiên, dư địa đầu tư vào thị trường chứng khoán vẫn rất lớn. 

Bằng chứng cho thấy từ đầu năm 2021 đến nay, dù VN-Index không bứt phá về mặt điểm số, tuy nhiên cơ hội kiếm lợi nhuận trên thị trường lại khá nhiều. 

Thống kê trên 3 sàn từ đầu năm tới nay có tới 427 mã có mức tăng trưởng trên 10%, thậm chí có những cổ phiếu tăng giá đến hơn 300% như SPH (sàn UpCOM) với mức tăng trưởng lên tới hơn 345%,  RIC (sàn HoSE) với mức tăng 314%. 

Ngoài ra, thông tin đáng chú ý là hầu hết các công ty chứng khoán trong và ngoài nước đều rất lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021 khi cho rằng VN-Index sẽ vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm trong năm. 

Cụ thể, Yuanta Việt Nam còn đưa ra dự báo VN-Index có thể cán mốc 1.400 điểm, trong khi đó, dự báo lạc quan nhất về thị trường vẫn thuộc về quỹ ngoại Pyn Elite Fund khi liên tục đưa ra dự báo rằng VN-Index có thể lên 1.800 điểm trong vài năm tới. 

Tuy nhiên, đầu tư chứng khoán, cần phải có kiến thức, thông tin thì mới mong kiếm được lời, không thể cứ nhắm mắt theo kiểu “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. 

Bên cạnh đó, hiện cơ sở hạ tầng của thị trường vẫn đang gây ý kiến bức xúc cho nhà đầu tư khi liên tục rơi vào tình trạng quá tải: cứ cao điểm là hệ thống lại “rút phích điện”, khiến nhà đầu tư muốn bán không bán được, muốn mua chẳng xong, thiệt đơn, thiệt kép thời gian gần đây.

Với thị trường bất động sản, năm 2021 được đánh giá là nhiều “cửa sáng” và có thể tăng tới hơn 10% so với năm 2020 khi Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý là Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8/2/2021 với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, "thổi làn gió mới" vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, kênh này khá kén dòng tiền vì đòi hỏi vốn lớn, thời gian ngâm vốn cao và thanh khoản cũng trồi sụt khó đoán nên không “dễ ăn”

Còn những kênh tài sản khác như vàng hay tiền kỹ thuật số. Đây là những kênh được đánh giá thanh khoản cực kỳ cao: tay phải mua, tay trái có thể bán ngay, nhưng rủi ro đi kèm cũng rất lớn. Với vàng, dù là kênh trú ẩn nhưng nhịp độ lên xuống hoàn toàn phụ thuộc vào biến động trên chính trường cũng như kinh tế xã hội toàn cầu. 

Ở Việt Nam, rủi ro còn cao hơn khi khoảng cách chênh lệch giá với thị trường thế giới luôn bị nới rộng, thậm chí nhiều chuyên gia cảnh báo có hiện tượng làm giá trên thị trường vàng. Vì vậy, đầu tư vào vàng, kể cả những người cập nhật thông tin và phân tích thị trường cũng chấp nhận xác suất may rủi. 

Còn với tiền ảo, Bitcoin đã tăng trưởng lên con số không tưởng khi chạm ngưỡng 62 nghìn USD/coin, và không ai có thể đảm bảo liệu đó có phải là quả bóng khổng lồ và sẽ nổ bất kỳ lúc nào hay không. Hơn nữa, để đầu tư vào tiền ảo, cần phải có một chút chuyên môn về máy tính nên cũng khá “kén cá chọn canh” nhà đầu tư.

“Đầu tư vào đâu là câu hỏi chung nhưng mỗi người sẽ phải tìm những đáp án khác nhau, bởi tiềm lực nguồn vốn, trình độ chuyên môn, kiến thức và khả năng tiếp cận thông tin của mỗi người khác nhau, chưa kể, khẩu vị rủi ro của mỗi người cũng khác. Bởi vậy, cần tham khảo, cân nhắc kỹ những mặt thuận lợi cũng như khó khăn của những kênh đầu tư để tìm cho mình giải pháp hợp lý”, chuyên gia tài chính ngân hàng- TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

Hà An
.
.
.