Cần hết sức thận trọng “ứng xử” với lạm phát

Thứ Bảy, 15/05/2021, 09:13
Mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) đã dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6 – 6,3%.

Mức dự báo này được đưa ra thấp hơn so với mục tiêu mà Chính phủ đặt ra (6,5%), song vẫn đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Theo VERP, nền kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi với niềm tin đến từ vắc xin COVID-19, tuy nhiên vẫn hàm chứa nhiều bất ổn và thiếu sự đồng đều giữa các quốc gia và lĩnh vực kinh tế. Kinh tế Việt Nam trong quý 1 đã ghi nhận tăng trưởng ở mức 4,48%, bằng mức tăng trưởng quý trước. 

TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhìn nhận, trong những quý tiếp theo, Việt Nam có nhiều yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng bao gồm: Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ giai đoạn sớm giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước, kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại nhằm phân tán rủi ro từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức chấp nhận được, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Theo đó, VEPR đã đưa ra các dự báo về tăng trưởng theo các kịch bản khác nhau về tình hình bệnh dịch. 

Việc thành lập bộ máy lãnh đạo Đảng - Nhà nước mới, với Chính phủ mới, hứa hẹn một triển vọng kinh tế năng động trở lại trong năm 2021 và sau đó. Do đó, VEPR dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 6-6,3%. 

“Dựa trên tình hình hiện tại, VEPR cho rằng, chính sách hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Đó là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân”, TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 đạt 4,48%, tuy cao hơn mức tăng trưởng dự báo nhưng vẫn thấp hơn 0,64% so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% thì quý 2/2021 GDP cần đạt mức tăng trưởng 7,19% (cao hơn 0,08% so với Nghị quyết 01); quý 3 cần tăng 6,78% (cao hơn 0,07%) và quý 4 cần tăng 7,16% (cao hơn 0,49%). Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ đặt ra là khá nặng nề. 

Tuy nhiên, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới và trong nước đã rõ ràng hơn, do vậy ngoài việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng năm 2021 là 6,5% thì ngay từ quý 2, GDP sẽ phải đạt mức tăng trưởng hơn 7%. 

Theo đó, trong quý 2 sẽ có 2 nhân tố chính mà chúng ta sẽ phải tập trung hơn. Thứ nhất, so sánh với quý 2 của cùng kỳ năm trước, chúng ta có nền rất thấp với mức GDP đạt 0,39%. Thứ hai, để phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đặt trọng tâm vào thúc đẩy 3 lĩnh vực: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. 

Đây được xem là "cỗ xe tam mã" kéo tăng trưởng kinh tế đi lên trong bối cảnh hiện nay và trong thời gian tới, “cỗ xe tam mã” vẫn tiếp tục tăng trưởng trong quý 2. Theo đó, “về đầu tư tôi kỳ vọng ngoài đầu tư công thì đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng tốt và đầu tư tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn. 

Bên cạnh đó, kỳ vọng tiêu dùng trong quý 2 sẽ tăng trưởng cao hơn trong quý 1,  dịch vụ, tiêu dùng vẫn có sự tăng trưởng tương đối thấp so với tiềm năng cũng như quy mô của nền kinh tế, của thị trường tiêu dùng Việt Nam. 

Khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường hơn, niềm tin của người dân tốt lên, tôi cho rằng, thị trường tiêu dùng sẽ được thúc đẩy. Đây cũng chính là cơ sở để dự báo mức tăng trưởng GDP trong quý 2 có thể đạt mức 7,2-7,4%.”, ông Lực dự báo.

Dự báo về tình hình kinh tế trong năm 2021, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam có thể đạt mức 6,5%-7% do nền tăng trưởng của năm 2020 rất thấp. Và đặc biệt, Việt Nam đã và đang được hưởng lợi từ gói kích cầu của Mỹ, đây là gói kích cầu có tác dụng thiết thực đối với không chỉ Mỹ, thế giới mà cả Việt Nam. 

Sau khi phân tích các tác động của gói kích cầu này đối với xuất khẩu, đối với đầu tư của Việt Nam, tôi thấy rằng nếu gói kích cầu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD này được giải ngân hết thì GDP của Việt Nam tăng thêm 0,76% trong năm nay. 

Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh lại rằng, sẽ là một thách thức rất lớn trong các quý tiếp theo để đạt được mức tăng trưởng GDP từ 6,5%-7% trong năm 2021. Nếu muốn đạt được mức trên thì GDP quý 2 phải đạt 7,4-7,6% và quý 3, quý 4 mức tăng trưởng phải đạt từ 6,4-6,8%.

“Quan điểm của tôi trong năm nay là chúng ta cần hết sức thận trọng trong ứng xử với lạm phát, không được quá thắt chặt mà cần để nền kinh tế phục hồi và tạo việc làm cho người lao động. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chấn chỉnh các cơn sốt. Bởi những cơn sốt sẽ tạo ra sự bất ổn, bong bóng và tạo ra tính không bền vững. Về chứng khoán, ta cần hết sức bình tĩnh, khi các nhà đầu tư F0 đã bắt đầu quan tâm đến thị trường trái phiếu hơn, đây là tích cực nhưng cũng cần không để phát triển quá nóng, thiếu minh bạch”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, trong những quý tiếp theo, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân và thực hiện những giải pháp đồng bộ.

Lưu Hiệp
.
.
.