Cá tra được mua bán qua mạng

Thứ Sáu, 29/07/2016, 08:42
Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) vừa phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) ra mắt dự án trang thương mại điện tử mekongfishmarket.com và bản đồ vùng nuôi cá tra vùng ĐBSCL là trang www.pangasiusmap.com.

Việc đăng ký thành viên trên trang mekongfishmarket.com rất dễ dàng và cung cấp cho thành viên bán hàng các tiện ích hỗ trợ cho hoạt động quảng bá sản phẩm thủy sản, báo giá.

Còn website www.pangasiusmap.com sẽ giúp người xem cập nhật khoảng 200 vùng nuôi cá tra của doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi của 6 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL với tổng số 1.104 ao nuôi, diện tích trên 1.200ha.

Trang giao dịch thương mại điện tử cá tra.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Tổng thư ký VN Pangasius cho biết: “Đây sẽ trở thành môi trường kinh doanh mở cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, là điểm bán hàng tin cậy cho đối tác nước ngoài”. VN Pangasius xác định tầm nhìn chiến lược cho trang mekongfishmarket là trợ giúp các DN thuỷ sản thực hiện giao dịch thông qua trang web, nhằm giới thiệu và nâng cao vị thế của ngành cá tra Việt Nam.

“Các DN sẽ chào bán sản phẩm cá tra trên trang web (giao diện bằng tiếng Anh) đến toàn thế giới với chi phí tiết kiệm nhất, liên lạc nhanh và tận dụng được mọi điều kiện thuận lợi về chính sách phát triển kinh tế của quốc gia cũng như các lợi thế về mặt địa lý”, bà Hương đánh giá.

Về phương thức trao đổi, một DN A đăng thông tin sản phẩm về cá tra trên website www.mekongfishmarket.com, khi DN nước ngoài B click vào mỗi sản phẩm sẽ có cửa sổ chat hiện ra trên màn hình. Cả 2 sẽ trao đổi, nếu đồng ý thì B sẽ liên hệ ký hợp đồng với A thông qua số điện thoại ghi bên cạnh mỗi sản phẩm. Đồng thời, thông qua website www.pangasiusmap.com, bà Hương cho rằng đối tác hay bất kỳ ai sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm cá tra đăng lên từ trang mekongfishmarket.com

Tuy nhiên, để có một sàn giao dịch cá tra đúng nghĩa thì phải xây dựng thêm hệ thống phân phối, nhà kho và nơi kiểm nghiệm sản phẩm trước khi xuất hàng. Mà những điều này được tập trung trong trung tâm logistics.

“TP Cần Thơ cần kêu gọi đầu tư để xây dựng trung tâm logistics này đặt tại địa phương vì Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL. Hiện nay, sản phẩm cá tra xuất khẩu bị trả về không phải ít. Khi có trung tâm logistics, sẽ có nguồn hàng tốt và sản phẩm cá tra sẽ được chuẩn hoá trước khi xuất kho đến tay các nhà nhập khẩu”, bà Hương nhận định.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), nhìn nhận: “Có sàn giao dịch và tra cứu vùng nuôi rất có lợi cho người nông dân. Thông qua 2 trang web, người nuôi có thể cập nhật thông tin thị trường, giá cá, giá thức ăn trước khi nuôi hoặc giao dịch với nhà máy”.

Hướng sắp tới, VN Pangasius sẽ tập hợp 2 website trên thành 1 để khi click vào bất kỳ sản phẩm nào ghi trên web thì sẽ biết được nó có xuất xứ, nguồn gốc từ đâu chứ không cần mở thêm website thứ 2. Từ đây, chắc chắn cá tra sẽ có thương hiệu hẳn hoi, tăng cường lòng tin của đối tác nước ngoài đối với chất lượng cá tra.

Theo Tổng cục Thuỷ sản và Chi cục Thuỷ sản các tỉnh ĐBSCL, từ đầu năm đến ngày 21-7, diện tích nuôi mới cá tra là 1.705ha (giảm 25 so với cùng kỳ 2015), diện tích thu hoạch 1.821ha (giảm 10%), sản lượng đạt 569.913 tấn (tăng 1%). Giá cá tra hiện nay dao động từ 18.500-18.900 đồng/kg. Còn theo Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra từ đầu năm đến ngày 15-6 đạt gần 718 triệu USD (tăng 5,5%). Trong đó, Mỹ đạt 169 triệu USD (tăng 15,6%), EU đạt 120,6 triệu USD (giảm 6,9%)...

Như Anh
.
.
.