Việt Nam “quê hương thứ hai” của huấn luyện viên Alfred Riedl

Thứ Năm, 10/09/2020, 08:36
Trong cuốn sách Bóng đá - Góc nhìn, nhà báo Phan Đăng đã khắc hoạ câu chuyện của HLV Alfred Riedl qua lời kể của ông Nguyễn Văn Dậu - người từng lái xe già năm xưa.

Trong đó có đoạn: Những kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông Dậu với  Alfred Riedl không phải là những kỷ niệm liên quan đến chuyện cáu gắt mà là một câu chuyện khá thương tâm.

Ông trầm ngâm kể lại: “Ngày 24 Tết âm lịch năm 2006, trước khi về nước thay thận, Alfred Riedl đã gọi toàn bộ đội Olympic Việt Nam lại một góc sân. Hình như lúc ấy, Riedl ít nhiều linh cảm về một chuyến đi “không bao giờ trở lại”, cho nên ông đã tới từng cầu thủ và dặn dò từng người.

Tôi nhớ, ông đã dừng lại rất nhiều ở chỗ của Công Vinh và nhắn nhủ rằng nếu đây là lần cuối cùng gặp Công Vinh thì mong rằng sau này Vinh mãi mãi giữ được sự trong sáng của mình”.

Kể tới đây, khoé mắt ông Dậu đỏ hoe. Và phải rất khó khăn, ông mới có thể tiếp tục câu chuyện: “Thời khắc ấy, Riedl chợt rút khăn mùi xoa lau nước mắt. Các cầu thủ ai cũng khóc, còn cá nhân tôi chợt thấy thương ông như thương chính bản thân mình”.

Đó là câu chuyện xúc động về ca ghép thận đặc biệt của ông Riedl. Điều đã khiến cho vị HLV người Áo luôn rơi nước mắt khi nhớ để thời khắc đặc biệt của cuộc đời mình. 

HLV Alfred Riedl trong lần đầu tiên dẫn dắt ĐT Việt Nam năm 2008. Ảnh: Quang Minh

HLV Alfred Riedl chia tay ĐT Việt Nam năm 2007, sau này khi chuyển sang dẫn dắt đội bóng đối thủ là Indonesia ông vẫn dành cho Việt Nam những tình cảm đặc biệt. Alfred Riedl xem Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình. Bởi lẽ, không chỉ gắn bó 3 giai đoạn với bóng đá Việt Nam mà ông còn mang trong mình quả thận của người Việt Nam.

Sự sống của Alfred Riedl kéo dài suốt 13 năm qua chính là nhờ vào việc một người Việt Nam đã sẵn sàng hiến thận cho HLV người Áo khi ông phải thay thận. Đó không chỉ là câu chuyện xúc động về người Việt tử tế mà còn là tình cảm mà chính người Việt Nam dành cho ông.

Và phải mãi đến năm 2011, HLV Alfred Riedl mới gặp lại ân nhân trong chương trình của một đài truyền hình Indonesia. Những người làm chương trình đã dành cho ông một bất ngờ khi giúp ông gặp gỡ người Việt Nam đã hiến tặng một bên thận cho mình.

HLV Alfred Riedl chỉ biết ôm chầm lấy ân nhân và không giấu được xúc động. Ông đã nói rằng: "Anh ấy đã cứu sống tôi. Nếu không được hiến tặng, tôi sẽ phải chạy thận ba lần một tuần. Tôi mừng khi anh ấy vẫn khoẻ mạnh sau khi hiến tặng một bên thận cho tôi".

Sự ra đi của HLV Alfred Riedl nhận được sự chia sẻ, tiếc thương của nhiều người Việt Nam. Bởi lẽ những gì ông đã cống hiến cho bóng đá Việt Nam xứng đáng được tri ân. Và cũng vì trong người ông đã mang cả tâm hồn và  “cơ thể” của người Việt Nam. 

HLV Nguyễn Văn Sỹ - một trong những học trò của Alfred Riedl đã chia sẻ rằng: “Thầy Riedl chỉ thiếu 1 chiếc cúp, còn về chuyên môn, năng lực giảng dạy, sự tiếp cận với bóng đá châu Á hay châu Âu là điều tuyệt vời. 

Ngoài thế hệ chúng tôi trực tiếp làm nghề đánh giá cao về thầy thì nhiều người hâm mộ yêu quý thầy cũng là một sự khẳng định. Việc một cổ động viên đã hiến tặng thầy 1 quả thận là một câu trả lời cho tất cả. Cũng vì thế mà sau này khi dẫn dắt đội tuyển Indonesia, thầy vẫn luôn khẳng định Việt Nam là quê hương thứ 2”.

Kể từ khi tin Alfred Riedl từ trần được công bố, nhiều lãnh đạo, chuyên gia bóng đá, cầu thủ, huấn luyện viên đến những người hâm mộ bóng đá Việt Nam đều dành sự tri ân cho cố nhân.

Những ký ức ở một giai đoạn của bóng đá Việt Nam được hiện lên mang đậm dấu ấn của Alfred Riedl. “Quê hương thứ 2” của ông đã và đang dành cho ông sự thành kính phân ưu. 

Như  HLV Nguyễn Văn Sỹ chia sẻ thì: “Tôi cũng đồng quan điểm với ý kiến cho rằng để bóng đá Việt Nam có sự phát triển và tiến bộ như hiện nay, không thể không nhắc đến dấu ấn của thầy Riedl. Đó là một trong những huấn luyện viên ngoại đã đặt nền móng cho việc hình thành con đường đi lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam”.

Hưng Hà
.
.
.