Từ chức vô địch AFF Suzuki Cup lần thứ 4 của bóng đá Thái Lan:

Tầm nhìn chiến lược & con người chiến lược

Thứ Hai, 22/12/2014, 09:31
Đúng 12 năm trước, ĐT Thái Lan của thế hệ Kiatisak đoạt chức vô địch Đông Nam Á lần thứ 3 sau một trận chung kết nghẹt thở với Indonesia, giữa một biển cả khán giả Indo. Đêm thứ bảy vừa rồi thì một thế hệ mới của bóng đá Thái Lan, dưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisak (vâng, lại là Kiatisak) đã giúp nền bóng đá này đoạt cúp vô địch lần thứ 4, ngay giữa biển người Malaysia. 12 năm cho một lần trở lại, có điều gì cần đúc rút và học hỏi từ một nền bóng đá luôn "đi trước" bóng đá Việt Nam một nước cờ?

Nên nhớ, sau khi thế hệ vàng của Kiatisak, Dusit, Tawan... giải nghệ, bóng đá Thái Lan cũng có những cái tên tài năng như Thonglao hay Dangda, nhưng một vài ngôi sao cứng cựa không giúp người Thái làm mưa làm gió ở Đông Nam Á như trước nữa. Ngay cả việc "sao hoá" ghế huấn luyện bằng việc sử dụng những ông  thầy danh tiếng, từ những quý ông người Anh như Peter Reid, Bryan Robson đến "cáo già" người  Đức Schafer cũng không giúp Thái Lan có thể chạm đỉnh vàng khu vực. Hình ảnh ông thầy Peter Reid buồn bã sau trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 với Việt Nam hay ông Schafer vội vàng mất ghế sau trận chung kết lượt về AFF Cup 2012 với người Singapore đã nói lên tất cả.

Trong quãng thời gian thất bại liên tiếp ấy, bóng đá Thái Lan vẫn âm thầm chuẩn bị và hy vọng vào một lứa cầu thủ tài năng mới. Đấy là một lứa trẻ được đá bóng với nhau từ khi còn ở độ tuổi U.17, U.21, U.23 và bây giờ là ĐTQG. HLV trưởng ĐT hiện nay, ông Kiatisak cũng đã gắn bó với lứa cầu thủ này từ rất lâu, và như đánh giá của báo giới Thái Lan thì trong mắt các cầu thủ, "Sắc" vừa là một người thầy lớn, vừa là một thần tượng lớn. Cái cảm giác được đá bóng với sự chỉ bảo, dẫn dắt của một thần tượng đã giúp các cầu thủ lớn lên, trưởng thành và tự tin ghê gớm. Nên biết rằng trước khi đánh bại Malaysia để đoạt chức vô địch AFF Cup năm nay thế hệ cầu thủ này từng vào đến bán kết Asiad tại Hàn Quốc, và trước đó, từng tạo nên một cú sốc ở làng cầu châu lục khi chiến thắng ĐTQG Trung Quốc 5 bàn trong một trận giao hữu.

Đặt trọn niềm tin vào một thế hệ cầu thủ mới trẻ trung, giàu khát vọng Kiatisak quyết định nói "không" với những Thonglao, Dangda và những gì diễn ra ở AFF Cup năm nay cho thấy sự lựa chọn của ông là chính xác. Công bằng mà nói, hành trình vô địch của Thái cũng có những thời khắc cực kỳ nghẹt thở, chẳng hạn như 45 phút chung kết lượt đi bị Malaysia phá lối chơi bằng bài "bầm giập khu trung tuyến" hay 60 phút chung kết lượt về bị người Mã dẫn đậm 3-0 - tỉ số vừa đủ giúp Mã lên ngôi vô địch.

Cầu thủ Thái Lan hạnh phúc với chức vô địch Đông Nam Á lần thứ 4.

Trong những khoảnh khắc như vậy trên gương mặt Kiatisak cũng có nét lo âu phảng phất, nhưng như tiết lộ của chính Kiatisak thì trong phòng thay đồ giữa trận chung kết lượt về, ông đã sốc dậy các cầu thủ bằng một câu hỏi: "Các anh muốn chơi bóng một cách dũng cảm hay muốn cuốn gói về nhà ngay lập tức?", và chính cái chất lửa mà một ông thầy Thái (chứ không phải một ông thầy ngoại quốc) truyền cho những cầu thủ Thái cộng với sự lăn xả đến cháy mình của các cầu thủ đã giúp Thái lần lượt rút ngắn tỉ số xuống 1-3, rồi 2-3. Thái thua ở trận chung kết lượt về nhưng vẫn đủ điểm để giành ngôi vô địch sau 2 lượt trận, và ngôi vô địch ấy rõ ràng là sản phẩm điển hình của tài năng và bản lĩnh.

Nhìn cách những cầu thủ U.23 Thái thi đấu ở giải năm nay dễ có dự cảm họ sẽ còn thống trị làng cầu Đông Nam Á trong một thời gian rất dài tới đây. Vậy thì "cửa" nào cho lứa U.19 - dự kiến sẽ là lứa được đôn lên đá SEA Games 2015?

Có một sự khác biệt ghê gớm giữa lứa U.23 Thái với lứa U.19 của chúng ta, đó là trong khi các cầu thủ Thái là sản phẩm chiến lược của cả một nền bóng đá thì cầu thủ ta chỉ là sản phẩm chiến lược của riêng một Học viện. Và trong khi lứa cầu thủ Thái gắn bó chặt chẽ, dài hơi với một ông thầy - một biểu tượng lớn của nền bóng đá xứ mình thì lứa cầu thủ ta dự kiến sẽ được "chuyển tay" từ thầy Pháp qua thầy Nhật.

Sau 12 năm, người Thái đã chính thức trở lại, và nhìn vào sự trở lại mang tính chiến lược sâu sắc ấy chúng ta có nhiều chỗ phải... giật mình cái hụi!

Chiến thắng của cái đẹp

180 phút chung kết AFF Cup 2014 là sự tương phản kinh điển giữa hai trường phái: một Thái Lan trẻ trung với nhiều cầu thủ đang trong độ tuổi U.23 với một Malaysia già nua với nhiều cầu thủ đã chạm ngưỡng 30, và chuẩn bị giã từ ĐTQG ngay sau giải đấu; một Thái Lan với lối chơi tấn công nhịp nhàng kĩ thuật và một Malaysia với lối chơi mạnh mẽ, thực dụng mang nặng tư tưởng "phá" đối phương. Chiến thắng sau cùng của người Thái vì thế là chiến thắng của cái đẹp và cổ vũ sự phát triển của bóng đá đẹp ở một khu vực vẫn bị thế giới nhận diện là "vùng trũng".

ĐTQG Việt Nam dưới thời của thầy Nhật Miura cũng đi theo tôn chỉ bóng đá đẹp với một lối chơi tấn công giàu kĩ thuật, nhưng xem ra cái đẹp của chúng ta vẫn chưa đủ lớn để vượt qua sự gồ ghề của người Mã. Và giả dụ có vượt qua Mã ở bán kết để đấu Thái Lan ở chung kết thì cũng dễ có cảm giác: cái đẹp của ta vẫn thua cái đẹp của Thái Lan một bậc.

Chắc chắn là những nhà chuyên môn VFF đã phân tích cặn kẽ mọi dự liệu, mọi thông số kĩ thuật và mọi phong cách chơi bóng được thể hiện ở giải đấu năm nay để "hoạch định" cho ĐTQG một phương án tác chiến hợp lý nhất khi phải gặp lại từng đối tượng khác nhau trong tương lai.

Chắc chắn là nhiều cầu thủ Việt Nam ngồi trước màn hình ti vi xem 2 trận chung kết lượt đi/về AFF Cup mà không tránh khỏi cảm giác ngưỡng mộ đối phương và nhận ra chỗ đứng đích thực của mình.

Ngọc Anh

Phan Đăng
.
.
.