Niềm tin vào bóng chết

Thứ Hai, 23/03/2015, 03:27
Càng gần đến thời điểm sang Malaysia chính thức dự vòng loại giải U.23 châu Á, HLV trưởng ĐT U.23 Việt nam Toshiya Miura càng đặt nhiều kỳ vọng vào... bóng chết.

Những ngày ở Bình Dương và cả những ngày ở Bangkok (Thái Lan) vừa rồi, ông Miura đã luyện đi luyện lại những phương án đá phạt trước khung thành đối phương. Và ở những phương án bóng chết này thì các cầu thủ Mạnh Hùng, Công Phương luôn là trung tâm điểm. 

Ai cũng biết Mạnh Hùng là một trung vệ, có lối chơi băng cắt mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng là tác giả của khá nhiều cú đá phạt giàu kĩ thuật. Trong màu áo Sông Lam Nghệ An không ít lần Hùng được HLV Ngô Quang Trường giao nhiệm vụ đá phạt, và như đánh giá của HLV này thì "cậu ấy có khả năng ngắm nghía góc chết, và đưa bóng vào góc chết khá cao". 

Trong khi đó những quả sút phạt của Công Phượng lại ăn người ở độ xoáy độ liệng, và vì thế mà bên cạnh những cú sút phạt trực tiếp chính diện khung thành Phượng thậm chí còn được giao nhiệm vụ thực hiện cả những quả phạt góc.

Vì sao ông Miura bỗng nhiên quan tâm đến bóng chết và những cú đá phạt như thế? Phải thấy là trong thành phần ĐT lúc này chỉ có đúng 3 tiền đạo là Công Phượng, Văn Toàn, Thanh Bình nhưng những trận tập huấn vừa qua cho thấy một mặt bản thân các tiền đạo này đều không có phong độ cao, một mặt họ chưa nhận được sự tiếp bóng cần thiết từ hàng tiền vệ. 

Mạnh Hùng (phải) sẽ là một trong những cái tên hy vọng khi U.23 Việt Nam được hưởng đá phạt. Ảnh: H.M.

Kể từ khi mất Xuân Trường - một cầu thủ làm bóng thông minh, khiến cho Tuấn Anh không có được sự chia lửa cần thiết ở vòng tròn giữa sân chắc chắn ông Miura hiểu hàng tiền vệ của mình đã mất đi rất nhiều sức sống. Trong bối cảnh ấy thì rõ ràng bóng chết sẽ là một trong giải pháp hữu hiệu để đội bóng của ông ăn bàn.

Ngoài ra cũng phải thấy là so với ĐT Olympic Việt Nam ở Asiad 17 hay ĐTVN ở AFF Suzuki Cup 2014, ĐT U.23 Việt Nam bây giờ không còn nhất nhất trung thành với sơ đồ  4-4-2 hiện đại, giàu sức tấn công. Sơ đồ mà với nó đội hình ĐT luôn được dàn đều khắp mặt sân và vì thế luôn có rất nhiều các phương án cũng như các cơ hội tấn công, ăn bàn. 

Với quá nhiều cầu thủ chấn thương và quá nhiều vấn đề về chuyện chuyên môn thuần tuý, ông Miura những ngày qua đã phải tính đến sơ đồ 4-5-1 nghiêng nhiều về phòng ngự, phá lối chơi đối thủ. Đừng bất ngờ nếu U.23 Việt Nam áp dụng sơ đồ này không chỉ trong trận đấu với kèo trên Nhật Bản mà ngay cả trong trận ra quân có ý nghĩa quyết định với chủ nhà Malaysia. 

Nên nhớ là một trận hoà với Malaysia sẽ giúp chúng ta có nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh vị trí thứ 2 trong bảng (vị trí đảm bảo hy vọng  giành vé tham dự VCK U23 châu Á vào năm sau), bởi chúng ta sẽ gặp đội bóng yếu đuối Macau vào trận đấu cuối cùng, và vì thế sẽ dễ hơn Malaysia trong trường hợp phải cạnh tranh so kè bàn thắng. 

Một khi U.23 Việt Nam đã chấp nhận chơi phòng ngự theo đúng tư tưởng cửa dưới như vậy thì những tình huống bóng chết rõ ràng sẽ giúp cơ hội ăn bàn của chúng ta tăng cao.

Hôm qua, sau trận giao hữu cuối cùng với chủ nhà U.23 Thái Lan thì ông Miura càng lúc càng thấy rõ hơn những hy vọng đến từ bóng chết. Chỉ có điều để thực hiện tốt những tình huống bóng chết, bên cạnh sự tu luyện bài bản người ta cũng cần phải nhận được một chút may mắn và cả một chút thăng hoa.

Cầu trời cho Mạnh Hùng, Công Phượng khi đứng trước những pha bóng chết sẽ có được một chút thăng hoa như thế!

U.23 Thái Lan vẫn giấu bài

Có quá nhiều lý do để tin rằng trận giao hữu U.23 Thái Lan - U.23 Việt Nam chiều qua tại Bangkok, chủ nhà Thái Lan đã không tung ra tất cả các chiêu bài. Lý do quan trọng nhất nằm ở chỗ U.23 CHDCND Triều Tiên - đối thủ chính của U.23 Thái Lan tại vòng loại giải U.23 châu Á (bảng này sẽ diễn ra ở Thái) đã có mặt ở Bangkok và đã cử người theo dõi rất sát trận đấu này. Trả lời phỏng vấn báo chí, HLV trưởng Kiatisak cho biết mục tiêu của đội nhà không chỉ là cạnh tranh vị trí đấu bảng với U.23 CHDCND Triều Tiên, mà là phải cố gắng tiến vào thật sâu ở VCK giải U.23 châu Á vào năm sau. 

(Ngọc Anh)

Diệp Xưa
.
.
.