Lịch sử quảng cáo thể thao: Thuốc lá, đồ uống có ga, và...

Chủ Nhật, 20/06/2021, 08:30
Ronaldo đã thổi bùng lên cuộc tranh cãi chưa từng có về sự xuất hiện của sản phẩm quảng cáo tại EURO. Những nhà tài trợ vốn được chào đón, nay vô tình hứng chịu cơn chỉ trích chỉ vì họ đã bỏ tiền hỗ trợ một kỳ EURO thành công tốt đẹp! Vậy quảng cáo thể thao xuất hiện từ bao giờ, và sống lành mạnh có phải mục tiêu tối quan trọng họ hướng tới?

Ý tưởng xuyên bờ Đại Tây Dương

Hình ảnh nhà tài trợ gắn liền với một đội bóng đã ăn sâu vào tiềm thức của người xem bóng đá suốt nhiều thập niên. Cách đây vài năm, trên Facebook, một nhóm người hâm mộ CLB Manchester United thậm chí còn thách thức CĐV đội khác đọc tên nhà tài trợ trên áo đấu suốt 20 năm qua. Ai nhớ được nhiều hơn, điều đó chứng tỏ họ theo dõi đội bóng đó lâu năm hơn, có tình yêu lớn hơn!

Những ai xem M.U thi đấu từ những năm 90 hẳn sẽ đọc đáp án vanh vách: Sharp, Vodafone, AIG, Aon, Chevrolet, và sắp tới là TeamViewer. Tuy nhiên nhớ rõ tên nhà tài trợ trên áo không có nghĩa là chúng ta yêu CLB, hiểu biết về CLB hơn những CĐV khác. Ở một góc độ nào đó, điều ấy chỉ ra những nhà tài trợ đã khéo léo mê hoặc chúng ta giữa rừng quảng cáo, khiến chúng ta gộp chung quan điểm về sản phẩm thương mại với tình yêu trái bóng tròn.

Những quảng cáo thể thao cho thuốc lá thời kỳ đầu hẳn sẽ làm Ronaldo nóng mắt.

M.U có thể trở thành ông vua quảng cáo một phần bởi họ có những ông chủ Mỹ, cha đẻ ý tưởng gắn nhà tài trợ với các cầu thủ và CLB. Khoảng thập niên 30 của thế kỷ trước, khi những sân bóng đá châu Âu chỉ trưng ra quảng cáo nhỏ lẻ cho một vài doanh nghiệp địa phương, người Mỹ đã nghĩ đến chuyện sử dụng gương mặt của những VĐV nổi danh làm đại diện thương mại.

Những sản phẩm quảng cáo thể thao gần 100 năm trước có thể khiến Ronaldo và những đồng nghiệp chau mày nhún vai. Tất cả chỉ có thuốc lá, thuốc lá và thuốc lá. "21/23 thành viên của Giants, đội vô địch giải bóng chày nhà nghề Mỹ, hút thuốc lá Camels". Hiện tại một dòng tin như vậy có thể mở đầu cho một vụ tai tiếng bậc nhất giới thể thao, nhưng ở thời điểm đó, đây là một quảng cáo vô cùng ăn khách.

"Hút thuốc lá để trở thành nhà vô địch", "Vợ chồng Babe Ruth (cầu thủ bóng chày xuất sắc nhất) đều thích hút thuốc lá mỗi ngày",... là những thông điệp lặp đi lặp lại trên báo chí và các đài phát thanh ở Mỹ. Về phần Babe Ruth, nguồn thu quá lớn từ việc quảng cáo cho những công ty thuốc lá khiến ông chỉ biết... chuyển từ hút loại thuốc lá này sang loại khác và quảng cáo cho nó. Đi kèm với thuốc lá là những sản phẩm bia, rượu!

Xu hướng quảng cáo những sản phẩm có... hại cho sức khỏe tại Mỹ chỉ giảm đi khi những nhà lập pháp thông qua đạo luật yêu cầu hạn chế quảng cáo thuốc lá, bia, rượu trên phương tiện thông tin đại chúng. Đó là vào những năm 70-80, khi xu hướng quảng cáo thể thao dần lan đến châu Âu. Đi sau người Mỹ, nhưng châu Âu lại dần bắt kịp và vượt mặt Tân Thế giới nhờ sử dụng triệt để những hình ảnh câu khách.

Hành động vô tư ủng hộ Coca Cola của Yarmolenko thực chất có thể là một toan tính đầy khéo léo.

Không sợ Ronaldo phá bĩnh

Cho đến hiện tại, các CLB thể thao nhà nghề tại Mỹ vẫn duy trì đặt tên logo CLB trước ngực áo đấu thay vì để tên nhà tài trợ. Truyền thống đó đã bị châu Âu xóa bỏ từ lâu, với người Anh đi tiên phong. Ngày 24/1/1976 đánh dấu cột mốc lịch sử trong ngành quảng cáo thể thao, khi CLB bán chuyên Kettering Town trở thành đội bóng Anh đầu tiên ra sân với áo đấu in tên nhà tài trợ trước ngực. Công ty có vinh dự đó là hãng lốp xe Kettering Tyres.

FA ban đầu không hài lòng chút nào với vụ phá lệ này. Họ bất chấp những lời phân bua từ Kettering Town và phạt CLB này 1.000 bảng Anh. Đáp lại, Kettering Tyres, với sự hỗ trợ của 2 CLB khác là Bolton Wanderers và Derby County, đã đi cửa sau thuyết phục FA thay đổi ý định. Đến tháng 6/1977, lệnh cấm này được gỡ bỏ. Đến năm 1979, Liverpool là đội bóng chuyên nghiệp đầu tiên tại Anh ra sân với ngực áo mang tên nhà tài trợ.

Từ vài nghìn bảng mỗi năm, số tiền doanh nghiệp phải trả hằng năm để xuất hiện trên áo đấu các CLB dần tăng lên thành hàng chục triệu như hiện nay. Thái độ của những người làm bóng đá với việc để tên sản phẩm tài trợ lên áo đấu cũng dần thay đổi khi họ nhận về quá nhiều lợi nhuận trực tiếp. Về phần CĐV, họ cũng thừa nhận việc xuất hiện logo tài trợ giúp cho áo đấu trở nên bắt mắt hơn. Quảng cáo trên áo đấu giờ đây đi sâu vào từng ngóc ngách của bóng đá.

Những điều Ronaldo, Pogba và Locatelli đã làm với sản phẩm của nhà tài trợ tại EURO chỉ như muối bỏ bể. Coca Cola, Heineken và những đơn vị khác đã chi tiền tấn bất chấp việc ngày hội bóng đá châu Âu lùi lại 1 năm, vậy nên tầm ảnh hưởng của họ không nhỏ chút nào. HLV Cherchesov, tiền đạo Yarmolenko là những người gây chú ý khi công khai ủng hộ nước ngọt có ga và đồ uống có cồn trước toàn thế giới.

Suy cho cùng, mọi thứ trong cuộc sống đều có hai mặt. Ronaldo của hiện tại có thể không thích nước ngọt có ga, nhưng trong quá khứ anh cũng từng nốc ừng ực nhiều chai vì "nó ngon" dù biết không có lợi cho sức khỏe. Quảng cáo thể thao không phải lúc nào cũng hướng đến những thứ có lợi. Giống như cách Babe Ruth từng hút thuốc lá suốt hàng chục năm (rồi chết vì ung thư vòm họng ở tuổi 53), quảng cáo sinh ra để cổ vũ cho một lối sống, một phong cách sống. Và lối sống đó không phải lúc nào cũng có lợi cho sức khỏe!

Chuyển động EURO

* Christian Eriksen đã xuất viện sau khi phẫu thuật thành công. Anh được cấy một máy khử rung tim để ngăn một vụ đột quỵ tương tự tái diễn. Một trong những việc đầu tiên Eriksen làm khi rời bệnh viện là đến thăm trại huấn luyện của ĐT Đan Mạch để cổ vũ các đồng đội.

* Trên đường đến sân Wembley dự khán trận đấu giữa Anh và Scotland, Sir Alex Ferguson đã gặp một sự cố vô cùng oái oăm. Cựu HLV M.U bị từ chối lái xe vào đỗ ở khu VIP vì ông "không có tên trong danh sách khách mời đặc biệt". Cuối cùng ông phải đỗ xe ở khu thường mới được vào sân.

* Harry Maguire không thi đấu trong trận gặp Scotland, qua đó dấy lên lo ngại về tình trạng chấn thương của cầu thủ này. "Cậu ta hẳn chưa hoàn toàn bình phục. Southgate không nên giữ một cầu thủ không thể thi đấu ở đội tuyển", Gary Neville nhận định.


Chuyên gia Phan Anh Tú: ĐT Anh đá thất vọng, cầu thủ đẳng cấp mà chơi như VĐV điền kinh

Trận hòa 0-0 với Scotland khiến tuyển Anh và thầy trò HLV Southgate tiếp tục phải nhận vô số chỉ trích bởi màn trình diễn thất vọng.

Để nhận xét chung về lối chơi của tuyển Anh, tôi dùng hai chữ: Thất vọng. Họ chơi không đúng với năng lực của chính mình”, chuyên gia Phan Anh Tú trao đổi với chúng tôi.

Ông phân tích kỹ hơn: “Tôi nghĩ đội Anh bị chỉ trích cũng đúng thôi. Và tôi cũng thấy tiếc vì với lực lượng ấy, đội bóng này nên chơi tự tin, cầm bóng và kiểm soát trận đấu tốt hơn rồi bắt đầu mới tăng tốc. Tuyển Anh cứ đá như hiệp 1 trận gặp Croatia là hay nhất, nhưng không hiểu sao sau đó tự nhiên họ lại mất đi khí thế và chuyển sang lối chơi rất khô cứng theo kiểu “kick & rush” (chạy và sút) nhiều quá.

Tôi cảm giác các tuyển thủ Anh có vẻ như không tự tin vào lối chơi của mình. Họ thích đá theo lối truyền thống có vẻ an toàn, dựa vào sức mạnh. Tuy nhiên giờ đội bóng nào cũng đều có sức mạnh tốt cả. Nếu không tinh tế bằng các đường chuyền, các pha phối hợp thì rất khó khai thác. Cầu thủ Anh và Scotland đá với nhau mà như VĐV điền kinh, chạy cứ ầm ầm mà không có sự tinh tế nào cả”.

Trên thực tế, tuyển Anh cầm bóng đến 61% nhưng số pha dứt điểm còn ít hơn cả Scotland  (9 so với 11). Điều này khiến cho những phương án nhân sự của HLV Southgate cũng bị chỉ trích gay gắt.

Tôi nghĩ lỗi một phần cũng ở HLV. Quan trọng là phải giúp các cầu thủ trên sân mạnh dạn kết nối, cầm bóng rồi mở ra các đợt tấn công. Đằng này họ kiểm soát một cách vội vàng và tung ra những đợt tấn công quá sớm và độ chính xác không cao. Thực ra đá ở vòng bảng này cũng có nhiều cơ hội để sử dụng con người, bởi đứng thứ 3 cũng vẫn có thể đi tiếp mà. Tuyển Anh cũng là một đội mạnh, sao lại không dám tự tin triển khai lối chơi của mình như thế?”, chuyên gia Phan Anh Tú nhận định.

Theo quan điểm của ông Tú, tuyển Anh vốn dĩ còn có nhiều phương án nhân sự khác như Grealish, Sancho, Saka… tuy nhiên HLV Southgate đã không có được phương án phù hợp với những gì mình có trong tay. “Lối chơi của tuyển Anh loạn xạ, trúc trắc, không có sự nhuần nhuyễn, không có ý tưởng. Điều này tự nhiên khiến Harry Kane cùn đi rất nhiều. Anh ta phải lùi về để hỗ trợ, mất đi vai trò của một trung phong cắm. Sterling, Foden cũng phải đột phá nhiều nhưng phía trước lại là một vòng vây rất chắc chắn. Họ hầu như không có điều kiện để phát huy khả năng. Có Harry Kane đá cắm rồi, biết đâu leo biên rồi tạt cánh đánh đầu lại hiệu quả hơn thì sao?”.

Sau hai trận đã đấu, tuyển Anh có 4 điểm và tạm xếp nhì bảng D. Ở lượt cuối, đội bóng này sẽ đối đầu với Czech (đội đầu bảng). Dự đoán về trận đấu này, chuyên gia Phan Anh Tú cho rằng: “Nếu cứ nhìn vào trình diễn ở 2 trận vừa rồi thì rõ ràng khó khăn rất lớn đang chờ đội Anh ở trận cuối. Tuy nhiên việc tiếp cận trận đấu như thế nào cũng liên quan đến chiến lược của đội bóng khi bước vào vòng sau nữa. Mà có vẻ tuyển Anh không muốn đứng đầu bảng D để tránh phải gặp đội thứ ba ở bảng F (Đức, Pháp, Bồ Đào Nha). Nhưng tôi nghĩ tuyển Anh cũng không để thua Czech đâu bởi đó còn là danh dự của họ nữa. Biết đâu đấy sẽ là một trận hòa”.

Song Nhi

An Khánh
.
.
.