Làm quen thầy mới

Thứ Năm, 26/02/2015, 09:43
Buổi tập đầu tiên của ĐT U.22 Việt Nam, cánh phóng viên đổ xô vào cái tên nóng Nguyễn Công Phượng, vì có lẽ ai cũng hiểu đoạn đời ĐT U.22 của Phượng sẽ khác và khác rất nhiều so với đoạn đời U.19 trước đây.
>> Khi Chủ tịch VFF "bẻ tay lái"

Sự khác biệt không đơn thuần nằm ở lứa tuổi và các đối tượng thi đấu của hai ĐT, mà cái chính mà ở hai ông thầy thuộc hai phong cách rất khác nhau. Ai cũng biết, ở ĐT U.19 và CLB Hoàng Anh Gia Lai, Công Phượng là trò ruột của thầy "Giôm" (tên gọi thân mật của HLV người Pháp Guillaume Graechen). Thi thoảng, thầy "Giôm" cũng có những tiếng trách móc Công Phượng, mà ví dụ rõ nhất là ở vòng bảng giải U.21 Quốc tế Báo Thanh niên năm ngoái, nhưng về cơ bản thì ông "Giôm" luôn ứng xử với Phượng như với một đứa con đặc biệt. Ông cho phép Phượng cầm bóng, biểu diễn kĩ thuật, thay vì phải chơi thứ bóng đá đồng đội, và ở những thời điểm bế tắc của đội bóng, ông cũng khuyến khích Phượng phải biết "chơi bóng điên rồ".

Có lần ông "Giôm" chia sẻ với người viết về quan điểm "bóng đá điên rồ", và trong suốt cuộc trao đổi ấy ông luôn nhắc đến Messi như một cái tên đặc biệt: "Bạn hãy xem kĩ Messi đi, cậu ta có những phẩm chất khác hẳn so với nhiều đồng đội của mình ở CLB Barcelona, và sẽ thật phí phạm nếu không cho phép cầu thủ ấy phát huy thứ bóng đá có phần ích kỷ của mình".

Công Phượng (phải) sẽ phải dần thích nghi với phong cách Miura. Ảnh: H.M.

Nhưng ở ĐT U.22 Quốc gia, thì Phượng sẽ phải làm quen với một quan điểm và một phong cách huấn luyện cực kỳ khác biệt, đến từ HLV trưởng Toshiya Miura. Là một người Nhật Bản vốn nổi tiếng là nền nếp, lại có thời gian dài tu nghiệp ở một nền bóng đá kỷ luật, mạnh mẽ như bóng đá Đức, nên ông Miura là ông thầy điển hình của trường phái kỷ luật thép. Đơn cử như ở buổi tập đầu tiên của ĐT U.22, sau 10 phút nói chuyện với các cầu thủ ông đã đề nghị tất cả phải chạy 10 vòng quanh sân, khiến nhiều cầu thủ mệt bở hơi tai. Và sau đó, khi cánh báo giới tiến về phía Công Phượng thì cầu thủ này cũng chỉ có thể trả lời khi có được sự gật đầu đồng ý của Miura.

Có thể tưởng tượng rằng dưới thời Miura, Công Phượng sẽ phải kỷ luật hơn cả trong cách sinh hoạt lẫn cách chơi bóng. Sẽ không còn một Công Phượng liên tục đi bóng, và được tạo điều kiện để thể hiện những "pha bóng điên rồ" như ở màu áo ĐT U.19 hay ở CLB Hoàng Anh Gia Lai, mà phải là một Công Phượng đá nhanh hơn, chuyền ban nhiều hơn và phục vụ những yêu cầu chiến thuật của HLV một cách triệt để hơn.

Theo chúng tôi, chắc chắn Công Phượng cùng 8 đồng đội còn lại của CLB Hoàng Anh Gia Lai sẽ gặp khó khăn bước đầu để thích nghi với một triết lý bóng đá khác hẳn với triết lý mà họ đã gắn bó kể từ ngày chính thức trình làng. Nhưng đấy sẽ là những khó khăn cần thiết để những cầu thủ này có thể phát triển, bởi nói như chính thầy ruột của họ trong một lần tâm sự với chúng tôi thì: "Rồi họ sẽ lớn lên, sẽ làm quen với nhiều triết lý bóng đá mới, và sẽ biết đâu là thứ bóng đá hợp nhất với mình".

Khi một phóng viên đặt câu hỏi: "Có sự khác biệt nào không giữa thầy Miura với thầy Guillaume" Công Phượng đã từ tốn cho biết: "Tôi mới chỉ tập với thầy Miura vài buổi nên chưa biết", rồi nói thêm: "Tôi cũng không phải một chuyên gia bóng đá để trả lời câu hỏi này". Cách ứng xử theo kiểu co mình lại như vậy cho thấy Phượng đã có sự phát triển nhất định về cách nghĩ và cách sống. Nhưng trong thâm tâm mình, chắc chắn Phượng không tránh khỏi những so sánh giữa hai ông thầy mà mình đã và đang gắn bó.

Mong là trong bất cứ hoàn cảnh nào thì đấy cũng là những sự so sánh tích cực, giúp Phượng có thể phát triển một cách tử tế.

Vẫn những bài nhồi thể lực

Hai ngày tập trung đầu tiên của ĐT Olympic HLV trưởng Toshiya Miura vẫn áp dụng lại những ngón nghề mà mình từng áp dụng cho các cầu thủ ĐTQG năm ngoái. Các cầu thủ vẫn phải vận động liên tục, và chỉ được đá bóng 1-2 chạm, tuyệt đối cấm những pha rê dắt. Sau một quãng thời gian nghỉ Tết, một bộ phận các cầu thủ tỏ ra chậm chạp nhưng HLV Miura cương quyết không vì thế mà giảm khối lượng tập luyện trong thời gian tới. Trả lời phỏng vấn báo chí, nhà cầm quân người Nhật Bản cho biết, so với thời gian đầu ông mới đến Việt Nam thì chất lượng V.League và thể lực của các cầu thủ V.League cũng được cải thiện nhiều hơn, và vì thế ông tự tin vào việc các cầu thủ có thể đá nhanh, đá mạnh mẽ trong suốt thời gian thi đấu. Một lần nữa ông khẳng định lại nhiệm vụ của ĐT tại vòng bảng giải U.23 châu Á tại Malaysia vào tháng 3 tới đây là phải cố gắng đứng ở vị trí thứ hai (Nhật Bản nhiều khả năng dẫn đầu) để lọt vào VCK.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.