Vấn đề của Đội tuyển Việt Nam:

"Kèo trên" khó sống!

Thứ Bảy, 13/12/2014, 11:05
Lại một lần nữa ĐTVN gục ngã ở thế "kèo trên", điều đã từng nhiều lần xảy ra trong lịch sử. Nó sẽ đẩy người ta đến một suy nghĩ tưởng là rất ngớ ngẩn nhưng lại rất thực tế của BĐVN: Nếu ở trận lượt đi, chúng ta không thắng, để rồi không nằm "kèo trên" thì có thể mọi chuyện đã khác rồi?!

AFF Suzuki Cup 2008, ngoại trừ trận đấu với ĐT Lào ở vòng bảng, ĐTVN của cựu thầy Henrique Calisto nằm thế "kèo dưới" ở tất cả các trận còn lại. Dưới vì trước giải, ĐT đá tổng cộng 11 trận liền không thắng, khiến cả HLV trưởng lẫn cầu thủ bị đưa lên "đoạn đầu đài". Dưới vì cả 3/3 trận vòng bảng chúng ta đều đá nhạt nhòa, thiếu sức sống và chỉ lọt vào bán kết nhờ một cơn gió làm đổi hướng cú sút của Vũ Phong, giúp Việt Nam có trận thắng quyết định Malaysia trong đường tơ kẽ tóc.

Nỗi buồn bại trận của các tuyển thủ Việt Nam. Ảnh: H.M..

Và ở bán kết, khi đối thủ là Singapore của lão làng Avramovic, khi mà ĐTVN không thắng nổi đối phương ngay trên sân Mỹ Đình ở trận lượt đi thì cái thế "kèo dưới" càng được củng cố ở lượt về. Đến trận chung kết với Thái Lan thì khỏi nói, cả trận lượt đi lẫn lượt về dĩ nhiên ĐTVN không có cửa nằm trên. Một chuyên gia bóng đá khi phân tích những yếu tố giúp ĐTVN đăng quang ngôi vô địch AFF Cup năm ấy đã nhấn đi nhấn lại yếu tố này. Cái yếu tố mà với nó cầu thủ thường không bị lôi kéo, ảnh hưởng hoặc tác động bởi những chuyện ngoài tầm kiểm soát của HLV. 

AFF Cup 2 năm sau, vẫn những con người đó, vẫn ông HLV đó, nhưng khi ĐTVN vào giải với tư thế nhà vô địch và khi được đặt ở thế "nằm trên" thì hàng loạt chuyện bất ngờ đã xảy ra. Nó xảy ra ngay từ vòng đấu bảng với 90 phút thua trắng Philippines trên sân Mỹ Đình, và tiếp tục xảy ra ở bán kết lượt đi với 2 pha vượt bóng đốt đền khó tin. Một người được mệnh danh là "phù thủy", là nhân vật có khả năng biến không thành có như Calisto cũng không thể tránh khỏi cái kết cục bi thảm khi quân mình "bị" đặt thế kèo trên.

Cái bi thảm này thì thầy Áo Alfred Riedl đã từng trải qua ở Tiger Cup (tên gọi cũ của AFF Cup) năm 1998 trên sân Hàng Đẫy - giải đấu đầu tiên ông hành nghề tại Việt Nam. Đến tận bây giờ, những nhà lãnh đạo nền bóng đá vẫn nhắc đi nhắc lại cái chiến tích "ăn" Thái 3-0 ở bán kết, nhưng vào đến chung kết, chỉ cần thủ thành Tiến Anh ngã ra sau pha va chạm với Sasi Kumar cao kều, thô vụng của Singapore thì chắc chắn chúng ta đã tránh khỏi một bàn thua. Nhưng thật lạ là trong cái tình huống mà "cứ 10 thủ môn, có đến 9 thủ môn ngã xuống" thì Tiến Anh vẫn đứng im như không có chuyện gì. Thế là ông trọng tài Hàn Quốc không có cớ thổi phạt, và thế là cái vai vô tình đưa bóng vào lưới của Sasi Kumar đã đem về cho Singapore chiếc cúp ngoài tưởng tượng.

Rõ ràng là cái thế cửa trên và rất trên với người Sing hôm ấy là một cái thế đầy cám dỗ. Nó hệt như sự cám dỗ của thế hệ Văn Quyến, Quốc Vượng cũng trong một trận đấu "cửa trên" với Myanmar tại SEA Games 23, để rồi từ cái thế của mình mà những cầu thủ nảy sinh tâm lý: "Tụi em bán, nhưng bán mà đội vẫn thắng, chứ có bán để đội thua đâu".

Đêm 11/12 vừa qua thì ĐTVN lại tiếp tục "nằm trên" một Malaysia đã bị chúng ta hạ gục, mà hạ gục một cách ấn tượng sau 90 phút lượt đi trên đất khách. Cái thế "trên" của Việt Nam ngạo nghễ tới mức chính người Mã cũng không dám tin là mình có thể lật ngược ván cờ. Và khi chính người Mã đã nghĩ như vậy thì 99,99% dư luận, người hâm mộ Đông Nam Á đương nhiên cũng nghĩ vậy. Thế mà rốt cuộc cái số đông 99,99% ấy đã sai và chỉ số lẻ 0,01%  là trúng nước.

Chẳng nhẽ lại bảo: Ước gì trận bán kết lượt đi chúng ta không thắng, để không "nằm trên" ở lượt về?

Chẳng nhẽ lại bảo: Ước gì từ nay về sau, trong các trận đánh sống còn, ĐTVN đừng bao giờ "cửa trên"?

Phan Đăng
.
.
.