Giữa mùa COVID, Barca tìm đường “thoát thân”

Thứ Hai, 06/04/2020, 07:19
Buộc phải giảm lương 70% toàn bộ cầu thủ và ban huấn luyện đội 1, nhưng không vì thế mà hoạt động bóng đá giữa mùa dịch COVID-19 bị đình trệ. Trái lại, Barca đang tiếp tục bơm tiền nâng cấp tiêu chuẩn và dịch vụ huấn luyện tại trung tâm huấn luyện trẻ với mục đích tìm ra những Messi mới trong lai.


Trên con đường tìm ra hậu duệ của thế hệ Iniesta và Messi, ở Barca đã chứng kiến một cuộc di cư của các học viên La Masia qua cơ sở đào tạo mới, khang trang và tiện nghi hơn. Song dù khoác lên chiếc áo mới lấp lánh, La Masia vẫn kiên định với triết lý xuyên suốt đã giúp nó hoạt động hiệu quả nhiều năm qua: Đi tìm sự hoàn hảo trong cách kiểm soát trái bóng.

La Masia Centre de formacio Oriol Tort – tên đầy đủ của học viện, cách trại huấn luyện đội chính 3 dặm về phía Đông – là nơi chắp cánh cho giấc mơ về một thế hệ 2.0 trong tương lai gần. Khu phức hợp thể thao này được khởi công vào năm 2016 và vừa chính thức đưa vào sử dụng từ cuối năm ngoái.

Barca đang đẩy mạnh công tác ươm mầm tài năng nhằm chuẩn bị cho các kế hoạch dài hạn.

Đó là một tòa nhà giống như trường phổ thông ở vùng ngoại ô, giảng đường được sơn màu xám. Bên kia đường là một sân bóng tiêu chuẩn, bên cạnh là một siêu thị Aldi, tạo cảm giác đây là vùng nông thôn đang cố gắng chuyển mình thành một đô thị kiểu mới.

Nhưng nó chính xác là trụ sở mới của La Masia, học viện bóng đá đã khai sinh ra những nhân tài như Messi, Iniesta và Xavi, là tiền đề và bàn đạp để Barca nói riêng và bóng đá Tây Ban Nha thống trị thế giới trong gần một thập kỷ.

Ngồi trong giảng đường chính của học viện mới, Carmona – trưởng ban đào tạo của La Masia bắt đầu nói về sức ảnh hưởng của “lò” đào tạo trứ danh này.

Bắt đầu từ năm 1979 dưới tư vấn và giám sát của thánh Johan Cruyff, La Masia đã từng bước trở thành đơn vị xuất khẩu cầu thủ khét tiếng. Năm 2010 chứng kiến sức công phá mãnh liệt của La Masia. 9/23 thành viên giúp Tây Ban Nha lần đầu vô địch World Cup là sản phẩm của La Masia. Và trong năm đó, tại lễ trao giải Ballon dOr danh giá, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá, cả 3 ứng viên cuối cùng đều đến từ Barca, và cùng lớn lên ở La Masia.

Kể từ năm 2004, La Masia luôn đóng góp ít nhất 1 ứng viên trong danh sách rút gọn cuối cùng cho đề cử Quả bóng vàng. Với Carmona, mục tiêu của ông trong cuộc cách mạng lần thứ 2 là “tái tạo hào quang cũ”. Dù ông cũng tự hiểu, ấy là nhiệm vụ khó khăn và không dễ để đạt được trong ngắn hạn.

Khoảng 2 năm trước, Barca có ra mắt chương trình La Masia 360 nhằm mở rộng mạng lưới tiếp cận tới các “siêu sao tiềm ẩn”, nhưng không đem lại nhiều tín hiệu tích cực. Ban chiến lược học viện quyết định thay đổi cách tiếp cận và theo quan điểm của họ, không gì tốt hơn là cùng ăn, cùng ngủ và cùng đá bóng với các học viên.

Chương trình nội trú tập trung được đẩy mạnh ở La Masia, với 76 tài năng trẻ “được cho là tốt nhất” cùng sinh sống với 550 học viên khác ở 5 môn thi đấu đỉnh cao thuộc hợp tác xã thể thao Barca (bóng đá nữ, bóng rổ, futsal, bóng ném và khúc côn cầu).

Ban lãnh đạo sẽ sát sao tới từng cầu thủ, và không chỉ có cầu thủ. Họ còn chủ động tìm hiểu tình hình gia đình, năng lực tài chính để đưa ra các giải pháp trợ giúp khi cần thiết. “Mes que un club” – còn hơn cả một CLB luôn là triết lý được Carmona nhấn mạnh.

Có 5 yếu tố được Carmona nhấn mạnh trong quá trình đào tạo một “con người” ở La Masia: Khiêm tốn, Nỗ lực, Khát vọng, Tôn trọng và Đoàn kết. Đặc biệt, “thái độ” cầu thủ dành cho đối phương, cho trái bóng và cho cuộc đời được quan tâm hàng đầu.

“Đội bóng của chúng tôi phải thắng, nhưng là thắng trong thế được tôn trọng và tôn trọng đối thủ, trọng tài và khán giả. Các cầu thủ tại đây cũng phải học cách nâng niu trái bóng, đó không đơn thuần là các trận đấu, mà còn là những bài giảng về bóng đá. Công thức 3P được dạy rất kỹ tại La Masia: Kiểm soát bóng, vị trí của trái bóng và gây áp lực đoạt lại bóng”, Carmona chia sẻ.

Tất nhiên, học viện mới có những ưu điểm mới so với mái nhà La Masia cổ kính. Ở đó, mỗi lứa trẻ sẽ có một khu sinh hoạt riêng biệt. Mỗi tuần, từng đội trẻ từ U13 tới U19 sẽ được tư vấn tâm lý để đảm bảo rằng ở một thời điểm nào, các em sẽ có “lối thoát” nếu không thể tiếp tục đá bóng. Thậm chí, có một trung tâm hướng nghiệp được đặt trong học viện mới, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hậu đá bóng.

Barca rất chú trọng vào quy trình tổ chức học viện mới. Ngay cả khi phải giảm lương các VĐV thể thao, họ vẫn giữ nguyên chế độ cho các nhân viên văn phòng và HLV làm việc ở đội trẻ. Toàn bộ học viên đội trẻ đều đã trở về gia đình vào giữa tháng 3, trước thời điểm Tây Ban Nha công bố tình trạng khẩn cấp nhưng tiền ăn vẫn được chuyển vào tài khoản phụ huynh.

“Xây chắc nền móng không chỉ ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng chảy máu chất xám, mà còn là cách đội bóng truyền tải thông điệp văn hóa trồng người”, Carmona chia sẻ quan điểm.

Cuối tháng 3, Chủ tịch Bartomeu tuyên bố hội đồng quản trị CLB duyệt chi ngân sách 80 triệu euro cho học viện trẻ, mở rộng hệ thống tuyển trạch viên ở 12 quốc gia mới. Đây có thể là cách Barca giải quyết chiến lược dài hạn, khi họ chấp nhận “mạo hiểm” ngay giữa bối cảnh bóng đá thế giới bị ảnh hưởng nặng nề.

La Liga khủng hoảng

Barca là CLB duy nhất ở La Liga giữ nguyên chế độ ở các học viện trẻ. Trong khi đó, Atletico Madrid đã tuyên bố cắt 50% ngân sách trong 3 tháng tới cho lò đào tạo của mình. Họ cũng là đội bóng tiên phong ở La Liga kích hoạt quyền của đơn vị sử dụng lao động trong hợp đồng để đơn phương giảm lương toàn bộ các nhân viên, cầu thủ và HLV đang làm việc cho đội bóng.

Trong khi đó, Real dù chưa giảm lương đội 1 nhưng đang họp bàn phương án giảm thu nhập của các cầu thủ trẻ có hợp đồng chuyên nghiệp tại các đội U19, U21 và Real B.

Đơn Ca
.
.
.