Thái Lan đau đầu với vấn nạn ma túy

Thứ Năm, 01/10/2020, 17:56
Dù Chính phủ Thái Lan đã và đang mở các chiến dịch truy quét tội phạm ma túy và đã thu được những kết quả nhất định, tuy nhiên kết quả này chưa đủ để có thể giúp vấn nạn buôn bán “cái chết trắng” có tổ chức xuyên biên giới ở Thái Lan phải đầu hàng.

Thực tế, nguồn lợi từ buôn bán ma túy không chỉ làm tăng con nghiện trong xã hội mà còn kéo theo những vấn đề nóng bỏng khác, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Quá tải nữ tù phạm tội ma túy

Câu chuyện một phụ nữ Thái Lan 40 tuổi làm nghề giúp việc bị nhận bản án 4 năm tù giam vì tàng trữ methamphetamine được đăng tải trên thaiexaminer.com gần đây làm nhói lòng nhiều người trong xã hội Thái Lan. Bởi những trường hợp tương tự như phạm nhân này có rất nhiều. Điều quan ngại nằm ở chỗ là số phụ nữ bị tù vì ma túy đã khiến nhà tù ở Thái Lan quá tải.

Nhà tù ở Chonburi, nơi được thiết kế để giam giữ hơn 100 tù nhân hiện đã phải chứa gấp 3-4 lần. Theo một thống kê của Văn phòng Ủy ban Kiểm soát ma túy Thái Lan (ONCB) công bố mới đây, hiện Thái Lan có hơn 80% tù nhân bị giam giữ vì các tội danh liên quan đến ma túy trong đó có 90% sử dụng ma túy. 

Thống kê cũng cho biết, quốc gia này giam giữ khoảng 300.000 tù nhân nữ (chiếm khoảng 14%). Theo các chuyên gia phòng, chống tội phạm Thái Lan, trong các chiến dịch truy quét của nhà chức trách, phụ nữ Thái Lan không có khả năng trốn tránh khi cảnh sát cùng với quân đội đột kích bất ngờ nên bị bắt nhiều là hiển nhiên.

Cảnh sát Thái Lan trưng bày số ma túy thu giữ tại tỉnh Ayutthaya.

Carla Boonkong, một cây bút viết nhiều về các vấn đề phụ nữ ở Thái Lan đã cho rằng, luật pháp Thái Lan quy định những người tàng trữ, buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma túy đều bị phạt tù đã gây ra hệ lụy. 

Theo giới trí thức Thái Lan, bỏ tù phụ nữ sử dụng ma túy theo luật hiện hành chưa phải là giải pháp tối ưu, bởi thực tế cho thấy, bỏ tù nhưng không ngăn chặn dứt điểm tình trạng nghiện ma túy ở phụ nữ sẽ gây ra các dịch bệnh khác lan nhanh trong xã hội và kéo theo đói nghèo, đặc biệt là bệnh AIDS. 

Những chiến dịch không hồi kết

Thái Lan nằm trong khu vực Tam giác vàng, nơi đang cung cấp một lượng lớn ma túy bất hợp pháp của thế giới. Cũng như nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, tệ nạn lạm dụng các chất ma túy đã trở thành vấn đề xã hội rất nghiêm trọng, tác động đến an ninh và ổn định xã hội ở Thái Lan.

Từ năm 1955 Thái Lan đã triển khai giải quyết và đấu tranh quyết liệt với tệ nạn này. Tiếp đó, năm 2003, cuộc chiến chống ma túy của Thái Lan do Thủ tướng Thaksin Shinawatra khởi xướng đã khiến hơn 2.500 người chết. Đến năm 2008, Chính phủ Thái Lai lại tiếp tục mở chiến dịch đấu tranh với ma túy kéo dài 6 tháng. 

Vào tháng 10-2018, Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan Thái Lan nhấn mạnh trên truyền thông: “Quân đội phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn cơn lũ ma túy”. 

Từ đây, quân đội và cảnh sát Thái Lan đã lùng sục khắp đất nước để truy quét những kẻ buôn bán, sử dụng ma túy. Chỉ trong tháng 11-2018, khoảng 120.000 kẻ lạm dụng ma túy bị bắt giữ; lực lượng chức năng đã thu giữ số hàng hóa trị giá 4,5 tỷ Baht (tương đương 137 triệu USD).

Tuy nhiên, với số lượng tù nhân bị giam ngày càng nhiều, khiến cho nhà tù bị quá tải, đặc biệt là tù nhân nữ đã chứng tỏ cho dù có mở các chiến dịch lớn và thu giữ nhiều ma túy đến đâu thì kết quả mà Chính phủ Thái Lan thu về vẫn không được như ý muốn và dường như ma túy có chiều hướng phát triển ngày càng rộng hơn.

Cảnh sát thẩm vấn Muhammad Sobri Sasu, 20 tuổi, vì tội bán lẻ ma túy trên Twitter.

Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Thái Lan đã đóng cửa đường biên giới với Myanmar để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nội địa. Điều này cũng cho phép các lực lượng thực thi pháp luật của Thái Lan mở nhiều chiến dịch truy quét tội phạm ma túy và người sử dụng ma túy.

Theo thống kê từ tháng 4 đến tháng 6-2020, lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ 1.374 nghi phạm buôn ma túy và tịch thu một lượng ma túy lớn trị giá ước tính 535 triệu baht (khoảng 17,1 triệu USD). 

Chỉ riêng trong tháng 7, cơ quan chức năng Thái Lan đã phát hiện 40 túi lớn chứa 1.200kg ma túy đá được giấu bên trong bao tải phân bón trên một chiếc xe tải ở tỉnh Surat Thani, miền Nam nước này.

Theo Tổng thư ký Văn phòng ONCB Niyom Termsrisuk, phần lớn số ma túy bị tịch thu là ma túy đá được tuồn vào Thái Lan từ nước láng giềng Myanmar. Ma túy từ Myanmar được đưa sang miền Nam Thái Lan và vận chuyển bằng đường biển sang những nước thứ ba như Malaysia, Indonesia, Philippines, Nhật Bản và Australia. 

Trong điều kiện kiểm soát dịch COVID-19, khi đường biên giới bị kiểm soát gắt gao thì các băng đảng ma túy trong các khu rừng bất hợp pháp ở miền Đông Myanmar tìm nhiều cách để tuồn ma túy đá vào Thái Lan.

Ở trong nội địa, việc truy quét tội phạm ma túy vẫn được cảnh sát và quân đội Thái Lan phối hợp tổ chức quyết liệt. Họ đã bắt được những kẻ đưa “hàng trắng” lên mạng xã hội và giao bán như những món hàng khác. 

Tháng 1-2020, một trùm ma túy 24 tuổi có liên quan đến phi vụ mua bán ma túy trị giá 1,2 tỷ yên và sau đó thu giữ một tài khoản ngân hàng với 800 triệu yên tiền mặt bị bắt ở Saraburi. Cảnh sát Thái Lan cũng bắt giữ người đàn ông 20 tuổi và một đồng phạm 16 tuổi vì bán ma túy qua Twitter.

Cảnh sát Thái Lan trưng bày số heroin được giấu bên trong các gói mì ăn liền tại cuộc họp báo ở Bangkok ngày 3/2.

Vào hồi tháng 6-2020, Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ không dưới 300 người và hiện còn 100 người khác đang chạy trốn khi đột kích các cửa hàng vàng ở đường Yaowarat và khu phố Tàu ở Bangkok. 

Bởi Cảnh sát Thái Lan đã thu được các bằng chứng về một mạng lưới rửa tiền khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ baht, trong đó đã có bằng chứng cho thấy kẻ điều hành đường dây rửa tiền từ ma túy quy mô lớn đang phải thụ án trong các nhà tù.

Phó Ủy viên Cảnh sát, Tướng Suchart Theerasawat cho biết trên truyền thông rằng, các mạng lưới này đã sử dụng tiền ma túy để mua vàng, sau đó họ dùng để mua dầu và bán trên thị trường quốc tế. 

Đại tá cảnh sát Naras Savestanan, Tổng cục trưởng Cục Cải chính Thái Lan thông tin thêm rằng, quy mô của mạng lưới rửa ma túy xấu xa này rất lớn, nó có thể có những tác động kinh tế với Thái Lan. 

Nhưng điều đáng lo ngại hơn là, những loại tiền từ buôn bán ma túy được tài trợ cho các hoạt động chống đối nhà chức trách, gây ra những cuộc xung đột vũ trang ở một vài địa phương của Thái Lan. Chúng sử dụng chính những con nghiện để trực tiếp tham gia vào hoạt động này.

Hiện, Chính phủ Thái Lan xúc tiến hợp tác với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc để triệt phá các băng đảng ma túy. Song cuộc chiến chống ma túy ở Thái Lan vẫn cứ dai dẳng và dường như ma túy ngày càng phát triển  mạnh hơn. 

Báo cáo Tội phạm và An toàn Thái Lan 2020 của Mỹ nêu: Việc sử dụng ma túy, đặc biệt là sử dụng ngày càng nhiều methamphetamine và các loại thuốc tiêm vào tĩnh mạch tiếp tục là một vấn đề ở Thái Lan. 

Thảo Trang
.
.
.