Phái đẹp Mexico cầu mưa bằng… đánh nhau tóe máu

Thứ Năm, 25/02/2016, 08:26
Những phụ nữ ở vùng đồi núi khô hạn Nahua tại Guerrero, Mexico mỗi khi tổ chức buổi cầu mưa lại tụ tập... đánh nhau đến "sứt đầu mẻ trán". Máu trào ra được người dân trong làng gom lại, đem tưới cho các vùng đất, để cầu thần Tlaloc cho mưa xuống với niềm tin về một mùa màng bội thu. Trước khi trở về nhà, những phụ nữ ở các ngôi làng tham gia trận chiến ôm nhau như những người thân trong gia đình chứ không mang theo mối thù hận. Women today tháng 2-2016 cho hay.


Vào ngày đầu tiên của nghi lễ, phụ nữ đến từ những ngôi làng của tộc người Nahua ở bang Guerrero, Mexico sẽ thức dậy rất sớm và làm nhiều đồ ăn. Họ chuẩn bị gà tây, gạo, trứng luộc, nước sốt, bánh mì ngô, các loại hoa quả nhiều màu sắc sau đó mang tất cả đến nơi choảng nhau.

Tại đây, những người đẹp bày biện thức ăn và trang trí sắc màu bằng các loại hoa. Họ cầu nguyện trước đức mẹ Maria đồng trinh và thần mưa Tlaloc, để rồi bước vào trận đánh nảy lửa, vần vũ như đi đánh trận thời Trung cổ. Khi trận chiến bắt đầu, máu từ các nữ chiến binh đổ xuống và sẽ được mọi người nhanh chóng gom lại, sau đó dùng để tưới lên toàn bộ mảnh đất tổ tiên. Nghi lễ kỳ lạ này được dân làng tin rằng, sẽ giúp nhanh mang mưa tới, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.

Hai phụ nữ bắt đầu bước vào trận chiến.

Khi nghi lễ chính chuẩn bị khơi mào, dân làng sẽ đứng thành vòng tròn và chờ đợi các đấu sĩ đến từ những ngôi làng lân cận. Cư dân của hai ngôi làng La Esperanza và El Rancho Las Lomas đặc biệt có mối thù hằn sâu sắc. Chiến binh của hai bên sẽ đánh nhau trên đường biên giới giữa của hai làng. Khi dân làng có mặt đầy đủ, những người phụ nữ bắt đầu tìm kiếm đối thủ và thách đấu. Phụ nữ trung niên là các chiến binh dày dạn kinh nghiệm sẽ thách đấu những cô gái trẻ bước vào vòng tròn để choảng nhau.

Một khi đã xác định được đối thủ, cả hai phía sẽ vào vòng tròn và so kình với nhau. Họ buộc gọn tóc và gỡ bỏ trang sức. Một trong hai người sẽ ra nắm đấm đầu tiên và đám đông bắt đầu cổ vũ, hò hét trong tâm trạng hưng phấn. Các đấu sĩ không quan tâm đến việc chiến thắng, điều họ mong muốn chính là máu đổ để có thể thu gom càng nhiều càng tốt. Nữ đấu sĩ có thể yêu cầu nghỉ đấu giữa chừng để lau máu nhưng họ sẽ quay lại ngay để tiếp tục trận đấu. Tại nghi lễ này, đàn ông và trẻ em cũng tham gia, nhưng ít hơn. Trận đánh thường sẽ diễn ra đến tối và khi ấy mọi người trao nhau những cái ôm thân thiện như người trong gia đình và ai trở về nhà nấy.

Giáo sư David Delgafo của Trường Đại học Chapingo - người đã dành 12 năm nghiên cứu về các nghi lễ, tin rằng, phong tục đánh nhau này có từ thời Aztecs (thế kỷ 13). Truyền thuyết kể lại rằng, trước đây có ba cộng đồng cùng sinh sống trên vùng đất, nhưng họ thường xuyên đánh nhau mỗi khi có người từ vùng khác bén mảng đến vùng đất của nhóm mình. Thần mưa Tlaloc vì thế nổi giận, không ban mưa xuống nữa. Vị thần sau đó đã bỏ lên vùng có nhiều đồi núi ẩn dật.

Cuộc so găng lên tới cao trào.

Hai trong ba cộng đồng khi đó đã bắt đầu tổ chức một cuộc thi xem ai có thể lấy lại mưa từ thần Tlaloc. Họ chạy lên đồi và cướp lấy nước của thần. Khi đã lấy được nước và xuống đồi, cả hai bên lại tiếp tục đánh nhau để tranh giành nước. 

Người dân kể lại rằng, chính câu chuyện này đã tạo nên nghi thức cho ngày hôm nay vì họ tin rằng, mỗi giọt máu tượng trưng cho một giọt nước. Giống như các lễ hội khác ở Mexico, lễ hội này là sự kết hợp giữa công giáo truyền thống và đạo Catholic. Tại sao phụ nữ lại tham gia cuộc chiến này mà không phải là cánh đàn ông? Lý do là vì những người nông dân (nam giới) chịu trách nhiệm chăm sóc ruộng đồng, vậy nên phần việc này là dành cho phụ nữ và trẻ em.

Nguyễn Lai-Linh (tổng hợp)
.
.
.