Iraq tuyên bố không cần các lực lượng đặc biệt Mỹ giúp chống tổ chức IS

Thứ Tư, 02/12/2015, 13:49
Thủ tướng Iraq đã từ chối sự giúp đỡ của quân đội nước ngoài, đặc biệt Mỹ để chống lại tổ chức khủng bố IS.


Iraq chỉ cần viện trợ và huấn luyện

Thông báo trên được đưa ra sau tuyên bố của chỉ huy các lực lượng đặc biệt trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đang chống các tổ chức phiến quân trên lãnh thổ Iraq.

Ngày 2-12, Thủ tướng Haider al Abadi cho biết, Iraq hoan nghênh viện trợ trang thiết bị quân sự, huấn luyện và yểm trợ không kích trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng ông tuyên bố không mong quân đội Mỹ hoạt động trên lãnh thổ Iraq khi chưa có sự ủy quyền cụ thể từ chính quyền Baghdad.

Thủ tướng Iraq Abadi.

“Chúng tôi không cần lực lượng bộ binh nước ngoài chiến đấu trên đất Iraq”, ông Abadi cho biết trong một tuyên bố. Phát biểu của lãnh đạo Iraq như một “gáo nước lạnh” đối với các quan chức Lầu Năm Góc sau khi họ tiết lộ kế hoạch mở rộng hoạt động chống tổ chức IS ở cả Iraq và Syria.

IS đã chiếm một số khu vực rộng lớn thuộc miền Bắc và miền Tây Iraq vào năm ngoái vì sự yếu kém của quân đội Iraq, tổ chức khủng bố cũng chiếm một số địa phương ở Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter tuyên bố, một lực lượng viễn chinh đặc biệt sẽ được điều đến Iraq-đồng thời cũng có ý cho biết, một lực lượng lớn hơn có thể đến Syria, sau hơn 1 năm Mỹ lãnh đạo lực lượng liên quân phương Tây chống khủng bố ở Iraq và Syria.

Phiến quân khủng bố IS.

“Cộng đồng quốc tế bao gồm các đồng minh và đối tác của chúng ta đã sẵn sàng ngăn chặn trước khi một vụ tấn công khác như ở Paris xảy ra”, ông Carter phát biểu trước các quan chức Lầu Năm Góc cùng với thời điểm trong tuần này Quốc hội Anh và Quốc hội Đức bỏ phiếu ủng hộ Pháp không kích các mục tiêu IS ở Iraq cũng như Syria.

Ông Carter không tiết lộ cụ thể có bao nhiêu lực lượng đặc biệt được bổ sung sẽ đến Iraq, nhưng cho biết một số lượng nhiều hơn 50 binh sĩ hiện đang ở Syria. Mỹ hiện có khoảng 3.500 sĩ quan quân đội ở Iraq, nhưng nhiệm vụ của họ là “huấn luyện và tư vấn” cho lực lượng địa phương chứ không phải độc lập chiến đấu.

Người dân Iraq xem người Mỹ là những kẻ chiếm đóng không đáng tin cậy

Thực tế, Iraq đã trong tình trạng bị quân đội Mỹ chiếm đóng hơn 1 thập kỷ sau cuộc xâm lược vào năm 2003 và dẫn đến nội chiến Iraq hiện nay. Hậu quả, mục đích của Washington khiến nhiều người dân Iraq phẫn nộ.

Dân quân Shiite.

Điều đó khiến quân đội Mỹ khó triển khai lực lượng tham chiến trên mặt đất như một số lực lượng dân quân Shiite hiện đang hỗ trợ chính quyền Baghdad chiến đấu chống IS. Lực lượng Shitte tuyên bố sẽ chống lại bất kỳ sự hiện diện của quân đội Mỹ.

“Chúng tôi sẽ đuổi và đánh bất kỳ lực lượng Mỹ được triển khai ở Iraq”, ông Jafaar Hussaini, người phát ngôn một lực lượng dân quân Shiite có tên gọi Kata’ib Hezbollah cho biết. Mọi lực lượng Mỹ sẽ trở thành mục tiêu của chúng tôi. Trước kia, chúng tôi từng chiến đấu chống lại họ và bây giờ, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục chiến đấu.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa-phe đối lập với Đảng Dân chủ cầm quyền, kêu gọi quân đội Mỹ mở rộng hoạt động ở Iraq. Nga hiện đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, đồng thời tham gia môt ủy ban điều phối an ninh bao gồm Iran và Syria đã khiến phe diều hâu Washington lo lắng Mỹ đang mất dần “uy tín” ở khu vực Trung Đông, thông tấn Deutsche Welle  bình luận.

Phạm Trúc
.
.
.