Số ca nhiễm COVID-19 mới lần đầu tăng sau 7 tuần

Thứ Ba, 02/03/2021, 07:51
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/3 cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới trên toàn cầu hồi tuần trước đã lần đầu tiên tăng sau 7 tuần tạm giảm.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh Reuters. 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong một cuộc họp báo tại Geneva rằng sự gia tăng các ca bệnh là “đáng thất vọng nhưng không đáng ngạc nhiên”, lưu ý rằng xu hướng gia tăng ca nhiễm mới đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, ngoại trừ châu Phi và khu vực Tây Thái Bình Dương.

Ông Tedros cho rằng nguyên nhân có thể do “nới lỏng các biện pháp y tế công cộng, sự xuất hiện các biến thể mới và sự mất cảnh giác của người dân”.

Maria Van Kerkhove, chuyên gia về COVID-19 tại WHO, gọi sự gia tăng này là “một lời cảnh báo nghiêm túc”, nhấn mạnh rằng “loại virus này sẽ bùng phát trở lại nếu chúng ta cho nó cơ hội, và chúng ta không thể để điều đó xảy ra”.

Cho đến nay, đã có hơn 114,4 triệu ca nhiễm COVID-19 được xác nhận, bao gồm khoảng 2,5 triệu ca tử vong liên quan, 64,5 triệu ca đã hồi phục, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.

Trong khi đó, ông Tedros cho biết còn quá sớm để các chính phủ trông chờ vào vaccine mà từ bỏ các biện pháp khác để chống lại căn bệnh này. Tuy nhiên, ông cho biết điều đáng khích lệ là nhân viên y tế ở các nước nghèo, bao gồm các nước Tây Phi như Ghana và Bờ Biển Ngà, đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nhờ chương trình COVAX.

Người đứng đầu WHO cũng chỉ trích các nước giàu tích trữ quá nhiều vaccine không cần thiết, nhấn mạnh rằng, mọi người đều có quyền tiêm vaccine, những người dễ bị tổn thương càng cần được bảo vệ.

“Một số quốc gia tiếp tục ưu tiên tiêm chủng cho những người trẻ khỏe mạnh hơn có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn, trước cả các nhân viên y tế và những người lớn tuổi”, ông Tedros cho biết.

Đến cuối tháng 5/2021, 237 triệu liều vaccine COVID-19 dự kiến ​​sẽ sẵn sàng để phân phối ở 142 quốc gia nghèo hơn.

Mike Ryan, chuyên gia của WHO, cho biết cuộc chiến toàn cầu chống lại COVID-19 hiện đang ở trạng thái tốt hơn so với 10 tuần trước khi bắt đầu triển khai vaccine nhưng còn quá sớm để nói rằng virus đang trong tầm kiểm soát.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.