Số ca COVID-19 cao kỷ lục sau chính biến, y tế Myanmar lao đao

Thứ Hai, 21/06/2021, 14:49
Myanmar vừa xác lập kỷ lục mới về số ca nhiễm COVID-19 theo ngày kể từ khi chính biến xảy ra hồi tháng 2 vừa qua, với những lo ngại hệ thống y tế trong nước có thể sụp đổ nếu như các cuộc đình công, biểu tình tiếp tục kéo dài. 

The Guardian ngày 21/6 dẫn nguồn tin Myanmar cho biết, ngày 19/6 vừa qua là ngày có số ca COVID-19 mới tăng cao nhất tại nước này kể từ hôm 1/2, với 546 ca nhiễm COVID-19 mới và 7 trường hợp tử vong. Hiện, các số liệu về xét nghiệm COVID-19 và tiêm chủng vaccine tại quốc gia này vẫn chưa được công bố. 

Các nỗ lực phòng chống COVID-19 tại Myanmar bắt đầu bị gián đoạn kể từ sau chính biến hôm 1/2, với việc Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các quan chức đảng NLD cầm quyền bị bắt giữ, quân đội lên nắm quyền và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong một năm.

Thi thể một bệnh nhân COVID-19 được các nhân viên y tế đưa ra khỏi bệnh viện ở Falam, miền tây Myanmar. Ảnh: Getty

Theo The Guardian, kể từ đó, các bệnh viện nhà nước hầu như không hoạt động, nhiều bác sĩ cũng đã đình công để phản đối chính quyền quân sự, và một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang có xu hướng diễn ra trên khắp các khu vực như bang Kayah, nơi Liên hợp quốc ước tính có tổng cộng 100.000 người phải di dời do xung đột.

Lo ngại về một làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới tại Myanmar ngày càng tăng lên trong những tháng gần đây, khi các biến thể mới dễ lây lan hơn đã lan rộng ở các nước láng giềng như Ấn Độ và Thái Lan. Hơn 3.000 người ở Myanmar đã chết trong đợt bùng phát dịch bệnh trước đó ở nước này.

Trong khi đó, Irrawaddy News cho biết, các ca nhiễm COVID-19 tại Myanmar có xu hướng tăng kể từ cuối tháng 5 khi chính quyền nới lỏng các hạn chế, cho phép chùa chiền, bãi biển và các địa điểm công cộng khác mở cửa trở lại.

Joy Singhal, trưởng phái đoàn Myanmar tại Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, mô tả sự gia tăng này là đáng báo động. "Các bệnh viện và toàn bộ hệ thống y tế vẫn đang bị gián đoạn và Myanmar cần khẩn trương đẩy mạnh các biện pháp điều trị, xét nghiệm và phòng ngừa để ngăn chặn sự lặp lại của thảm kịch đã xảy ra ở các khu vực khác của Nam Á", bà nói.

Trong khi đó, theo The Guardian, cựu quan chức phụ trách chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Myanmar, Tiến sĩ Htar Htar Lin, đã bị bắt và đối mặt với một số cáo buộc, bao gồm cả tội phản quốc, vì làm việc với các chính trị gia ủng hộ dân chủ. Hàng trăm cán bộ y tế cũng đang bị truy nã vì tội kích động.

An Nhiên
.
.
.