(NÓNG TRONG TUẦN) Ông Trump gây bão từ Trung Đông tới Lầu Năm Góc

Thứ Hai, 24/12/2018, 08:40
Sóng thần thêm một lần tàn phá Indonesia, Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến Lầu Năm Góc chao đảo vì quyết định rút quân khỏi Syria, và cải cách kinh tế ở Cuba... là các vấn đề quốc tế đáng chú ý nhất trong tuần.


Sóng thần tàn phá Indonesia

Thảm hoạ thiên nhiên đã một lần nữa khiến đất nước vạn đảo Indonesia phải vật lộn trong đau thương khi một cơn sóng thần bất ngờ ập đến một số nơi ở eo biển Sunda tối 22-12 trong khi người dân không nhận được cảnh báo, khiến cho những khu vực này chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Khung cảnh tan hoang sau khi sóng thần ập vào bờ biển Indonesia. Ảnh: Reuters

Theo ước tính của giới chức địa phương, có tới 230 người được xác định đã thiệt mạng vì trận sóng thần. Con số này có thể tiếp tục tăng cao vì giới chức Indonesia vẫn chưa thể tiếp cận mọi khu vực bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia cho biết, sóng thần trên bị gây ra bởi một vụ lở đất diễn ra dưới đáy biển do hoạt động địa chất của núi lửa Krakatau. Cơn sóng cao tới 3m khi ập vào bờ, cuốn phăng mọi thứ nó đi qua.

Các chuyên gia lo ngại một trận sóng thần tương tự có thể tiếp tục xảy ra trong vài ngày tới bởi hoạt động địa chất dưới đáy biển vẫn chưa dừng lại. Cách đây hai tháng, thảm hoạ kép do động đất, sóng thần gây ra ở đảo Sulawesi của Indonesia đã khiến 2.200 người thiệt mạng, hàng ngàn người khác mất tích.

Ông Trump rút quân ở Syria, buộc Bộ trưởng Mattis "đi" sớm

Trong một tuyên bố bất ngờ hôm 23-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ thay thế Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis bằng Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan sớm hơn dự kiến 2 tháng, vài ngày sau quyết định rút quân khỏi Syria.

Tổng thống Mỹ Trump muốn Bộ trưởng Quốc phòng Mattis sớm ra đi. Ảnh: EPA

Theo đó, thay vì tháng 2-2019 như kế hoạch ban đầu, ông Trump yêu cầu Mattis nhường ghế cho ông Shanahan ngay vào ngày 1-1 tới. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tạm điều hành bộ này đến khi nào ông Trump tìm được người thích hợp hơn.

Ông Mattis cách đó vài hôm tuyên bố rời nhiệm sở vào ngày 28-2-2019, sau khi mâu thuẫn với tổng thống về chính sách ngoại giao, trong đó có quyết định đột ngột của ông Trump trong việc rút toàn bộ quân đội ở Syria và giảm số quân đóng ở Afghanistan.

Hầu hết cố vấn chính phủ, cũng như cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa, cùng các đồng minh quốc tế đều chỉ trích quyết định này của ông Trump vì lo sợ Washington sẽ đánh mất vị thế ở Trung Đông; một số người thậm chí từ chức để phản đối, song một số nước khác lại bày tỏ quan điểm đồng tình với ông chủ Nhà Trắng.

Trung Quốc kỉ niệm 40 năm cải cách, mở cửa

Trung Quốc kỉ niệm 40 năm ngày nước này thực thi đường lối cải cách và mở cửa - sự kiện vốn được xem là cuộc đại cách mạng thay đổi vận mệnh của dân tộc Trung Quốc, đồng thời tạo ảnh hưởng rộng lớn tới thế giới vào hôm 18-12.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, công cuộc cải cách và mở cửa 40 năm qua đã giúp 740 triệu người dân Trung Quốc thoát được đói nghèo, giảm tỷ lệ nghèo trong dân số tới 94,4%. Tỷ lệ nền kinh tế Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới từ 1,8% vào năm 1978 lên đến mức 16% trong năm 2017, chỉ đứng sau Mỹ.

Theo ông Tập, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống an sinh xã hội lớn nhất thế giới, với khoảng 900 triệu dân được hưởng lương hưu cơ bản và 1,3 tỷ dân có bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân sống ở khu vực thành thị cũng đã tăng 40,6% trong thời gian qua, lên mức 58,52%.

Có thể thấy rõ, 40 năm qua, sự phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc thực sự khiến thế giới phải nể phục. Mặc dù vậy, lễ kỉ niệm lần này lại diễn ra giữa thời điểm Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực từ phía Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế đã gây nhiều thiệt hại nhưng vẫn chưa tìm được lối thoát.

Cũng trong bài phát biểu, ông Tập nói rằng nước này vẫn sẽ tiếp tục các cải cách về kinh tế cung như thúc đẩy hợp tác, nhưng không vì thế mà làm theo yêu cầu của bất cứ quốc gia nào về việc nước này phải hoạch định thế nào và phát triển ra sao. "Chẳng một ai có thể ra lệnh cho người dân Trung Quốc nên hay không nên làm gì", ông Tập nói.

Tổng thống Nga Putin nêu loạt quan điểm "rắn"

Trong cuộc họp báo được mong đợi nhất năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20-12, ông chủ Điện Kremlin đã trả lời hàng chục câu hỏi trong gần 4h đồng hồ từ số lượng kỉ lục 1702 phóng viên tham dự.

Tại họp báo, ông Putin đã thông tin một số thành tựu của nền kinh tế Nga trong năm, nhấn mạnh Nga sẽ sớm lọt top 5 các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Ông Putin sau đó đi vào những câu hỏi thể hiện chính sách, quan điểm của Nga đối với các vấn đề quốc tế nổi cộm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời họp báo hôm 20-12. Ảnh: RT

Đối mặt với lệnh cấm vận của phương Tây nhằm cô lập xứ Bạch dương, nhà lãnh đạo Nga lưu ý nền kinh tế nước này đã thích ứng do “sống chung” với lệnh trừng phạt. Ông Putin nhấn mạnh các lệnh trừng phạt không có mục đích nào khác ngoài ngăn Nga phát triển. "Các nước phương Tây coi Nga là đối thủ", ông Putin nhận định.

Về quan hệ với Mỹ, Tổng thống Nga Putin bày tỏ hy vọng quan hệ Nga - Mỹ sẽ được cải thiện trong thời gian tới, mặc cho bối cảnh hai bên vẫn còn tranh cãi về việc Mỹ muốn rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Tổng thống Putin cảnh báo về sự đổ vỡ hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế và việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến thảm họa toàn cầu.

Đề cập đến quan hệ căng thẳng với Ukraine, Tổng thống Putin cáo buộc người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko sử dụng vụ khiêu khích trên Eo biển Kerch để thu hút sự chú ý trước thềm cuộc bầu cử tổng thống ở nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Putin vẫn đánh giá Ukraine vẫn là đối tác quan trọng.

Cuba từng bước hiện thức hoá cải cách lớn

Quốc hội Cuba ngày 21-12 nhóm họp nhằm thông qua dự thảo Hiến pháp mới, đặc biệt công nhận nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là lần thảo luận cuối cùng trước khi văn kiện chính thức được đưa ra trưng cầu ý dân vào ngày 24-2-2019.

Dự thảo Hiến pháp mới của Cuba ra mắt lần đầu tháng 7 vừa rồi. Văn kiện này là cơ sở pháp lý vững chắc cho những cải cách đã và đang được thực hiện tại Cuba trong bối cảnh còn tồn tại nhiều bất cập giữa hệ thống luật pháp hiện hành với một nền kinh tế đã cởi mở hơn.

Người dân Cuba ủng hộ kế hoạch cải cách Hiến pháp. Ảnh: Newscn

Hiến pháp mới của Cuba theo đó công nhận nền kinh tế thị trường, sở hữu tư nhân và đầu tư nước ngoài, song vẫn kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa; đưa ra một số thay đổi trong cơ cấu Nhà nước hay vấn đề tuổi của người giữ cương vị Chủ tịch nước Cuba; và các điều khoản mở rộng quyền con người.

Trước khi được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, dự thảo Hiến pháp mới đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Chỉ trong 3 tháng, 8,9 triệu trên tổng số 11 triệu người dân Cuba đã tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo Hiến pháp mới, với 130 nghìn cuộc tranh luận được tổ chức ngay tại các khu phố, trung tâm làm việc hay trường đại học... Hơn 783.000 đề xuất đóng góp và sửa đổi đã được ghi nhận.

Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.