NATO kỉ niệm 70 năm thành lập trong rạn nứt

Thứ Bảy, 06/04/2019, 08:45
Tiếp tục hoạt động 30 năm sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ đó đến nay vẫn luôn được coi là một liên minh quân sự lâu đời và vững chắc. Tuy nhiên, lễ kỉ niệm 70 năm thành lập khối này hôm 4-4 lại bị phủ bóng bởi những bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên.


Giới chuyên gia nhận định, tình đoàn kết là thử thách lớn nhất của NATO vào thời điểm này.

"Nguồn cơn" của những bất cập

Ngoại trưởng các nước thành viên NATO hôm 4-4 đã có mặt tại Thủ đô Washington (Mỹ) để tham dự lễ kỉ niệm 70 năm Ngày thành lập khối (4-4-1949 - 4-4-2019). Tuy nhiên, đại gia đình Bắc Đại Tây Dương lại đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết bởi những quan điểm "chưa thể đồng nhất".

Euronews dẫn lời một quan chức cấp cao Nhà Trắng giấu tên đánh giá, mối bất đồng  này nảy sinh bởi quy mô mở rộng của khối. Quan chức nêu trên viện dẫn, từ 12 thành viên ban đầu, hiện nay số lượng các nước trong NATO đã tăng lên 29 và tiếp đến sẽ chào đón thành viên thứ 30.

"Đông hơn không đồng nghĩa với mạnh hơn. Sự chênh lệch về tiềm lực quân sự, vị thế của các thành viên tạo ra nhiều bất cập, khiến khả năng chia sẻ trách nhiệm trong NATO không đồng đều", người này nêu rõ. Thật vậy, căng thẳng giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu trong thời gian gần đây về đóng góp chi tiêu quốc phòng càng làm lộ rõ những rạn nứt khó hàn gắn của liên minh này.

Vấn đề nêu trên đã lên tới đỉnh điểm khi chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng 29 nước thành viên tham gia đối thoại tại Washington, Phó Tổng thống MỹMike Pence bất ngờ lên án Đức về chi tiêu quốc phòng hạn chế trong khối. Tuyên bố này lặp lại chỉ trích trước đó của Tổng thống Trump về việc Đức không san sẻ gánh nặng quốc phòng khi Berlin chỉ chi hơn 1% GDP, trong khi lẽ ra là 2%. Còn Mỹ trong nhiều năm qua luôn đóng góp ở mức 4,3%. Không chỉ công kích Đức, ông Mike Pence còn gửi đi một tối hậu thư đến Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến việc nước này ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Bộ trưởng 29 nước thành viên NATO tham dự lễ kỉ niệm 70 năm Ngày thành lập khối hôm 4-4 tại Washington, Mỹ. Nguồn: AP.

"Chúng ta không thể đảm bảo quốc phòng của phương Tây nếu các đồng minh của chúng ta phát triển dựa vào Nga. Đơn giản là không thể chấp nhận được thực tế rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tiếp tục phớt lờ mối đe dọa từ Nga và bỏ bê quốc phòng và phòng thủ chung", ông Pence nhấn mạnh.

Theo giới phân tích, nguyên nhân lớn thực sự khiến NATO khó tìm tiếng nói chung lại xuất phát từ cái nhìn mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với liên minh quân sự này. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, nhà lãnh đạo Mỹ luôn tìm cách gắn liền lợi ích thương mại với quân sự, cũng như muốn thay đổi điều khoản 5 của Hiệp ước thành lập liên quan tới nghĩa vụ hành động tập thể của các quốc gia thành viên.

Điều khoản này quy định bất kỳ một thành viên nào của NATO bị tấn công thì coi như đó là một vụ tấn công vào một tập thể và các thành viên khác được quyền hỗ trợ quốc gia bị nạn. Cái nhìn mới từ phía Mỹ đã dẫn tới những phản ứng khác nhau trong nội bộ NATO. Hai đầu tàu châu Âu là Pháp và Đức đang xúc tiến thành lập một liên minh quân sự châu Âu, nhằm tăng cường tính độc lập về mặt chiến lược của lục địa già so với Mỹ.

Tổng Thư ký NATO nói gì?

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký NATO cho biết: "Chỉ có đoàn kết nội khối mới có thể cho phép tạo ra một mặt trận thống nhất và mạnh mẽ trên trường quốc tế. Đây là nhu cầu cấp bách nhất hiện nay của NATO. Một vì tất cả, tất cả vì một”.

Ngoài những thách thức như sự trỗi dậy của Trung Quốc, nguy cơ khủng bố từ những nhóm Hồi giáo cực đoan chưa tàn hay vấn đề an ninh mạng, ông Jens Stoltenberg tuyên bố mạnh mẽ rằng, Nga là một trong những thách thức lớn nhất mà liên minh phải đối mặt. Ông Jens Stoltenberg nêu rõ, NATO không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, song Nga lại đang đẩy thế giới vào một giai đoạn kém an toàn hơn. Người đứng đầu NATO đặc biệt nhấn mạnh tới hai hồ sơ liên quan tới Nga.

Trước tiên là Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), mà Mỹ và NATO cáo buộc Nga vi phạm và các hành động bị NATO cho là gây hấn của Nga trên biển Đen. Các cuộc tập trận chung với Ukraine và Gruzia đã được lên kế hoạch nhằm đảm bảo các tàu của Ukraine có thể đi lại qua eo biển Kertch và biển Azov một cách an toàn. Theo Tổng thư ký Jens Stoltenberg, NATO quyết tâm duy trì khả năng răn đe, cũng như khả năng phòng vệ đáng tin cậy và hiệu quả.  

Đáp lại tuyên bố nêu trên, ngày 5-4, Bộ Ngoại giao Nga phản bác cho rằng, đã đến lúc ngừng thổi phồng “mối đe dọa từ phía Đông”. Phía Nga viện dẫn, dù là dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" hợp tác với Đức hay việc ký kết hợp đồng quốc phòng với Thổ Nhĩ Kỳ thì đều nhằm mục đích tích cực với mỗi bên và không thể coi là "mối họa" như những gì phía Mỹ đã nói.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga A. Grusko chỉ trích kế hoạch của NATO gia tăng hoạt động ở Biển Đen, gây nguy hại an ninh khu vực. Tuyên bố được đưa ra khi có thông tin nói rằng, Mỹ đang xúc tiến triển khai thiết bị giám sát trên không và điều thêm tàu chiến của NATO tới Biển Đen. Nga khẳng định, nước này sẵn sàng đối phó bất kỳ thay đổi nào liên quan đến an ninh quân sự trên vùng biển này.

Linh Đan
.
.
.