Mỹ chấm dứt chính sách nhập cư gây tranh cãi của ông Trump

Thứ Tư, 02/06/2021, 09:55
Mỹ đã chính thức chấm dứt chính sách “Ở lại Mexico” có từ thời ông Donald Trump, chính sách đã buộc hàng chục nghìn người di cư từ Trung Mỹ phải chờ ở Mexico cho đến khi đơn xin tị nạn của họ được chấp thuận.
Một khu lều tạm bợ ở biên giới Mexico nhưng có đến hơn 2.000 người tị nạn chờ vào Mỹ sinh sống. Ảnh Reuters. 

Theo thông báo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã tạm dừng chính sách nói trên, có tên khác là “Nghị định thư Bảo vệ Người di cư” (MPP), ngay sau khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20/1. Kể từ đó, hơn 11.000 người di cư đăng ký xin tị nạn đã được phép vào Mỹ.

Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã đảo ngược nhiều chính sách hạn chế nhập cư của cựu Tổng thống Donald Trump. Đảng Cộng hòa đã chỉ trích các hành động của ông Biden, bao gồm cả việc chấm dứt MPP, cho rằng ông khuyến khích sự gia tăng lượng người di cư đến biên giới Mỹ-Mexico trong những tháng gần đây.

Bất chấp việc rút lại một số chính sách về nhập cư và biên giới dưới thời người tiền nhiệm, ông Biden vẫn giữ nguyên một sắc lệnh được đưa ra từ tháng 3/2020, theo đó, cho phép chính quyền Mỹ nhanh chóng đưa những người di cư bị bắt ở biên giới trở lại Mexico trong bối cảnh đại dịch.

Hồi đầu tháng 2, ông Biden kêu gọi các cơ quan chức năng của Mỹ xem xét lại MPP và cân nhắc liệu có nên chấm dứt chương trình này hay không.

Theo thông báo chính thức kết thúc chương trình MPP, do Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas ban hành ngày 1/6, chương trình đã không “tăng cường đầy đủ hoặc bền vững cho việc quản lý biên giới”, lưu ý thêm rằng, ngay cả khi chính sách này vẫn được áp dụng, số lượng các vụ bắt giữ ở biên giới vẫn tăng trong những thời điểm nhất định.

Bộ trưởng Mayorkas nhận định rằng Mỹ “chỉ có thể quản lý vấn đề di cư một cách hiệu quả, có trách nhiệm và lâu dài nếu có cách tiếp cận toàn diện và tầm xa hơn”.

Ngày 19/2, Mỹ đã cho phép nhóm người di cư đầu tiên vào Mỹ, sau khi hợp tác với các tổ chức tị nạn quốc tế, bao gồm cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), để xác định và tiếp nhận các trường hợp dễ bị tổn thương nhất. Những người xin tị nạn được phép vào Mỹ theo nhóm nhỏ và được xét nghiệm COVID-19 ở Mexico.

Nhóm hoạt động nhân quyền có tên “Human Rights First” đã ghi nhận ít nhất 1.544 vụ giết người, hãm hiếp, tra tấn và bắt cóc đối với những người là đối tượng của chính sách MPP ở Mexico.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.