EU vượt “cửa hẹp” vực dậy nền kinh tế nội khối

Thứ Năm, 23/07/2020, 09:11
Đại dịch COVID-19 đã gây ra những thách thức chưa từng có, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế, chính trị của từng quốc gia. Với một tổ chức lâu đời như Liên minh châu Âu (EU), những biến động mà COVID-19 mang lại còn khiến các quốc gia thành viên đau đầu tìm cách bảo vệ sự vững mạnh nội khối.


Một kỳ thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ kéo dài tới bốn ngày đã diễn ra để giải quyết bài toán khó đó, với kết quả là tiếng thở phào nhẹ nhõm.

Hội nghị Thượng đỉnh EU, ban đầu dự kiến diễn ra chỉ trong 2 ngày 17 và 18/7 tại Brussels (Bỉ), đã buộc phải kéo dài gấp đôi số thời gian dự kiến, chỉ vì những bất đồng tưởng như không thể giải quyết giữa các nước thành viên liên quan đến các khoản ngân sách phục hồi chung hậu đại dịch COVID-19. 

Cuộc họp trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo EU kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở thành một trong những kỳ hội nghị thượng đỉnh kéo dài nhất trong lịch sử liên minh này. Cốt lõi nằm ở việc, theo đề xuất ban đầu, EU sẽ chi 750 tỷ euro cứu trợ, trong đó phần lớn là vốn trợ cấp không hoàn lại và số còn lại được giải ngân theo hình thức cho vay. Đức và Pháp hoàn toàn ủng hộ phương án này, nhưng nhóm 4 nước Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Thụy Điển - những nước theo chủ trương “chi tiêu tiết kiệm” - thì không. 

Vào ngày họp thứ hai của hội nghị, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi đang bế tắc. Mọi chuyện rất phức tạp, phức tạp hơn dự đoán”. 
Thỏa thuận đạt được sau Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này được ví như một “Kế hoạch Marshall” mới. Ảnh: Euro News

Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel trước khi bước vào ngày đàm phán thứ ba đã bày tỏ lo ngại rằng nhiều khả năng sẽ chằng có một thỏa thuận nào đạt được cả. Việc tìm được đồng thuận về gói phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ euro lập tức trở thành thách thức sống còn với 27 nước EU, khi nhiều quốc gia EU đang rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Bloomberg nhận định, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu có nguy cơ tan vỡ nếu các nước EU không đạt đồng thuận trong kỳ thượng đỉnh này.

Thế nhưng, điều bất ngờ đã đến vào phút thứ 89. Reuters đưa tin, sau gần 100 tiếng đàm phán, hôm 21/7 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí với việc Ủy ban châu Âu sẽ đứng ra vay 750 tỷ euro trên thị trường tài chính. 390 tỷ euro trong số này sẽ được trợ cấp cho các nước thành viên EU và việc trả nợ sẽ do toàn bộ 27 nước EU chi trả. 360 tỷ euro còn lại sẽ được cho các nước vay với lãi suất ưu đãi. 

Trước đó, các nhà lãnh đạo EU đã vượt qua những khác biệt để cùng đồng thuận về đề xuất ngân sách lớn chưa từng thấy lên tới hơn 1.000 tỷ euro cho 7 năm tới. Theo Hội đồng châu Âu, gói ngân sách này sẽ là công cụ chính để giải quyết các hậu quả kinh tế - xã hội do dịch COVID-19 gây ra. 

Trả lời phỏng vấn hãng tin Đức DPA ngày 21/7 (giờ địa phương), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Chúng tôi đã đạt được một cam kết cụ thể về pháp quyền và nguyên tắc mà lợi ích tài chính của EU phải được đảm bảo một cách hiệu quả”. 

Chủ tịch EC cho rằng 100 giờ đàm phán của các nhà lãnh đạo EU là hữu ích, bởi đây là lần đầu tiên EC phải vay hàng tỷ euro trên thị trường tài chính để đầu tư cho việc hiện đại hóa, do vậy nhiều lợi ích khác nhau đã được đặt lên bàn cân.

Kết quả này đã khiến nhiều quốc gia thành viên EU thở phào nhẹ nhõm. Trở về sau 4 ngày họp căng thẳng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ngay lập tức có buổi thông tin trực tiếp trên truyền hình Pháp tối 21/7 (giờ địa phương) về thỏa thuận vừa được 27 nước châu Âu đạt được. 

“Điều đặc biệt khiến Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này là một sự kiện lịch sử, đó là lần đầu tiên trong lịch sử các nước châu Âu tạo ra một kế hoạch phục hồi được tài trợ bởi một khoản nợ chung của tất cả các nước. Lần đầu tiên trong lịch sử các nước châu Âu đoàn kết để đi vay tiền và sau đó phân phối giữa các nước, dựa theo nhu cầu và mức độ ưu tiên”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Macron, ưu điểm lớn của gói phục hồi 750 tỷ euro là các nước sẽ nhận được một nguồn tài chính lớn từ châu Âu mà lại không gia tăng gánh nặng tài chính lên những người đóng thuế tại mỗi quốc gia. 

Thủ tướng Czech Andrej Babis cùng ngày cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh đã thành công ngoài mong đợi. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định “đây là một thỏa thuận to lớn đối với châu Âu cũng như Tây Ban Nha, và châu Âu đã thiết lập cơ sở cho hành động phản ứng với cuộc khủng hoảng do COVID-19 mà không đánh mất tầm nhìn về tương lai”.

Những tín hiệu khả quan từ 100 tiếng đàm phán cũng đã giúp giá trị đồng euro tăng lên mức cao nhất trong bốn tháng qua, theo đó 1 euro đổi được 1,1470 USD. Truyền thông quốc tế lập tức ví von thỏa thuận này như một “Kế hoạch Marshall” mới cho châu Âu, phản ánh sự nhượng bộ và nỗ lực vực dậy nội khối của tất cả các quốc gia thành viên. 

Phát biểu sau khi kết quả hội nghị được công bố, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết thỏa thuận của EU cho thấy liên minh này hoàn toàn có khả năng cùng nhau hành động, ngay cả trong cuộc khủng hoảng lớn nhất, và sẵn sàng vạch ra những lối đi mới trong những bối cảnh bất thường. 

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte - quốc gia đi đầu trong nhóm chủ trương tiết kiệm - khẳng định mối quan hệ của ông với các lãnh đạo EU khác vẫn vững, sau nhiều ngày đàm phán khó khăn về quỹ trên. Không thể phủ nhận, kết quả đạt được sau 4 ngày đàm phán của EU mang tính biểu tượng mạnh mẽ, khẳng định nỗ lực đoàn kết của một mái nhà chung giữa dòng giông bão.

An Nhiên
.
.
.