EU - Thụy Sĩ thiết lập tòa trọng tài để thu hẹp khoảng cách

Thứ Tư, 07/03/2018, 09:54
Để giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng một thỏa thuận khung về thể chế giữa Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu (EU), hôm 5-3, Hội đồng liên bang (Chính phủ) Thụy Sĩ đã tuyên bố sẵn sàng chấp nhận việc thành lập một tòa trọng tài đặc biệt. Tòa trọng tài này có nhiệm vụ đưa ra phán quyết cuối cùng về những tranh chấp giữa EU và Thụy Sĩ.

Hãng tin Financial Times khẳng định thông tin này khi dẫn lời của Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis. Theo đó, ông Ignazio Cassis không chỉ tuyên bố sự ủng hộ của chính phủ Thụy Sĩ với một tòa trọng tài như vậy mà còn đưa ra những thông tin chi tiết hơn về nỗ lực đàm phán cũng như nội dung cơ bản về Hiệp định khung thể chế giữa Thụy Sĩ và EU. Dự kiến, tòa trọng tài đặc biệt gồm 3 người sẽ giải quyết các tranh chấp của Thụy Sĩ - EU với điều kiện các vấn đề liên quan đến luật pháp EU được đưa ra tòa án châu Âu.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ cũng bày tỏ hy vọng rằng việc này sẽ chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài 4 năm đối với các thỏa thuận thương mại của Thụy Sĩ với EU bởi lẽ các quan chức tại Brussels từ lâu đã không thoải mái với hơn 100 hiệp định song phương cho phép Thụy Sĩ tiếp cận thị trường EU nhưng không thay đổi một cách tự động theo luật của khối này. Còn EU thì vì muốn tránh bất kỳ một sự lặp lại nào như Brexit nên bắt đầu đã có nhiều quy định mới nhằm gây khó khăn cho Thụy Sĩ.

EU và Thụy Sĩ đều mong muốn đạt được thỏa thuận khung về thể chế giữa Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: DW

Trong 2 năm vừa qua, khi Anh rời khỏi EU, Brussels đã tăng áp lực lên Thụy Sĩ khiến quan hệ hai bên dường như xấu hơn. Mới đây nhất là vào tháng 12 năm ngoái, Brussel đã yêu cầu các nhà đầu tư cổ phiếu ở châu Âu và Thụy Sỹ chỉ được phép tiếp cận thị trường của nhau chỉ trong 12 tháng - thay vì thời gian không hạn chế mà chính quyền Bern đang tìm kiếm.

Ignazio Cassis nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn một hợp đồng "nhanh chóng" với Brussels trước kỳ bầu cử nghị viện châu Âu vào năm tới. Chúng tôi đang tìm kiếm một mối quan hệ ổn định với EU".

Trên thực tế, 26 năm trước, Thụy Sĩ đã đệ trình đơn xin gia nhập EU nhưng lại hầu như không có những động thái chính trị đáng kể nào để thúc đẩy việc này. Đến năm 2016, Thượng viện và Hạ viện Thụy Sĩ đã quyết định rút đơn xin gia nhập EU bởi lẽ các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ có 16% người dân ủng hộ.

Tiếp đó, quan hệ giữa Thụy Sĩ - EU gần đây trở nên căng thẳng sau khi EU quyết định hạn chế Thụy Sĩ tiếp cận thị trường chứng khoán của mình và liệt Thụy Sĩ vào danh sách "các thiên đường trốn thuế”. Tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker đã đề xuất ý tưởng về tòa trọng tài đặc biệt để giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên.

Ông Jean-Claude Junker lập luận rằng mong muốn của EU vẫn là ký kết một thỏa thuận mang tính thể chế với Thụy Sĩ để vạch ra tương lai cho mối quan hệ song phương này. Tháng 1 vừa qua, Thụy Sĩ đã cân nhắc định hình lại quan hệ với EU và bày tỏ mong muốn chỉ muốn thực hiện 5 trong số 120 thỏa thuận song phương.

Cụ thể, một số lĩnh vực mà Thụy Sĩ muốn duy trì trong khuôn khổ quan hệ về thể chể với EU là: tự do đi lại, các sản phẩm nông nghiệp xuyên biên giới, hàng không dân dụng… Các lĩnh vực này đều do Cơ quan liên bang phụ trách các vấn đề kinh tế Thụy Sĩ (SECO) lựa chọn. Hãng tin Swissinfo cho biết, EU mong muốn Thụy Sĩ hội nhập hơn nữa vào thị trường chung của liên minh này, chịu sự điều chỉnh của luật pháp và các quy định của EU.

Trong khi đó, Thụy Sĩ lại muốn bảo vệ các quy định nghiêm ngặt của mình về mức lương tối thiểu và điều kiện làm việc, hạn chế ảnh hưởng trên thị trường lao động… Chưa hết, chính quyền Bern còn muốn cải thiện việc tiếp cận thị trường, bao gồm cả thị trường điện của EU và hy vọng một lập trường đàm phán sẽ giành được sự ủng hộ của những cử tri nghi ngờ…

Cả EU và Thụy Sĩ đều hy vọng việc hoàn thiện thỏa thuận khung sẽ được thực hiện chậm nhất là vào cuối năm 2018. Hiện cả EU, Ủy ban châu Âu (EC) và các đảng phái chính trị ở Thụy Sĩ đều phản ứng tích cực với phương cách này.

Phan Hiển
.
.
.