Tiếng ca vượt lên số phận

Thứ Hai, 24/10/2016, 11:38
Mang trên mình những di chứng của chiến tranh, cuộc sống gian nan vất vả, nhưng với nghị lực và niềm tin, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn tìm đến âm nhạc để được sống với đam mê và tự lo lấy cho mình. Chúng tôi đang nói đến những thành viên của đoàn nghệ thuật nhân đạo Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin Bình Định.

Kết nối yêu thương

Một buổi chiều trung tuần tháng 9/2016, nắng như đổ lửa. Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định), nơi diễn ra buổi biểu diễn của đoàn nghệ thuật nhân đạo Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin Bình Định do Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Biển Gọi Quy Nhơn (có trụ sở tại xã Ân Phong, huyện Hoài Ân) tổ chức. Đó là buổi biểu diễn để Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định thẩm định, cấp giấy phép hoạt động cho đoàn như một tổ chức nghề nghiệp.

Nhạc công, ca sĩ là những nạn nhân của chất độc da cam. Dẫu chất độc quái ác này khiến cho họ “dị hình” nhưng không khó để nhận ra sự phấn khích thể hiện trên từng gương mặt của mỗi thành viên. Buổi biểu diễn bắt đầu. Chất giọng ngọt ngào, sâu lắng của Nguyễn Văn Trường với bài ca cổ “Em sẽ về đâu” như len lỏi vào tận tâm hồn và lâng lâng niềm cảm xúc người xem.

Đến xem buổi biểu diễn, em Lê Thị Giang, học sinh Trường THPT Hoài Ân, xúc động chia sẻ: “Em thật khâm phục khả năng và nghị lực của các anh chị. Dù thân thể có khiếm khuyết nhưng những gì các anh chị thể hiện nhiều người bình thường khó có thể làm được. Em tin rằng đoàn nghệ thuật của các anh chị sẽ là động lực, là cầu nối đến với những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trên toàn tỉnh Bình Định. Và nếu có thể thì lan tỏa ra mọi miền của đất nước”.

Sau buổi “sát hạch” đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chính thức cấp phép hoạt động cho đoàn nghệ thuật nhân đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam Bình Định. Trưởng đoàn Đặng Ái Quốc (35 tuổi) cho biết: “Đoàn có 11 thành viên, chủ yếu là người ở huyện Tuy Phước, huyện Hoài Ân. 7 người trong số đó mắc những di chứng do nhiễm chất độc da cam, người bị mù, người bị teo chân, teo tay và có cả người phải ngồi xe lăn. Mỗi người mỗi cảnh đời hiu quạnh, đớn đau”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, anh Quốc chính là người đứng ra tập hợp những nạn nhân da cam, người khuyết tật có năng khiếu nghệ thuật. Anh Quốc bảo, nhìn thấy những người mù đi hát dạo rày đây mai đó, anh cứ thấy bứt rứt. Do vậy, cách gần một năm, anh bỏ tiền túi gần 100 triệu đồng để mua nhạc cụ, sân khấu và tổ chức tập luyện, anh chỉ muốn họ có được một nơi chốn ổn định. Nhà anh ở xã Ân Phong cũng chính là nơi cả đoàn trú ngụ sau những chuyến lưu diễn.

Anh Quốc cho biết: “Trước khi nhận một thành viên vào đoàn, tôi đều ký cam kết với gia đình, hằng tháng gửi một khoản kinh phí để họ biết con em mình làm gì, ở đâu, không còn lang thang nữa. Đi diễn ở đâu, đoàn cũng thông báo rộng rãi sẵn sàng nhận thêm những trường hợp khuyết tật, nạn nhân da cam để nuôi dưỡng và dạy nhạc”.

Tiếng ca vượt lên số phận

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trẻ nhất đoàn là Nguyễn Văn Trường (22 tuổi, ở xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân), nhà có 4 anh em, mà hết 3 người bị mù. Khuôn mặt sáng như gương, đôi mắt có vẻ tinh anh nhưng Trường hoàn toàn không nhìn thấy gì. Tuy chẳng thấy ánh sáng, nhưng chàng trai này có thể đàn, hát và cả tân cổ cũng “trị” được luôn.

Ngồi trò chuyện, Trường cho biết: “Cha em bị nhiễm chất độc da cam nên sinh ra 4 đứa con, đứa nào thì đã có 3 đứa mù. Gia đình nghèo khổ, lại mù lòa nên hàng ngày em chẳng làm được gì. Nhưng có lẽ trời lấy đi cái này thì bù lại cho cái kia. Dù không thấy gì nhưng em rất mê hát. Mỗi lần ở xã có chương trình văn nghệ là em tham gia. Cũng nhờ thế mà dần dần em bắt đầu cảm nhận được các thanh điệu của nhạc. Rồi tập tành đánh đàn, đến nay thì đã thành thục”.

“Giọng hát tạm ổn, biết chơi đàn nên em nhờ em trai ngày ngày dẫn đường, hai anh em đi hát dạo kiếm tiền. Rồi cách đây gần một năm, em gặp được anh Quốc, anh thấy hoàn cảnh của em nên cho gia nhập vào đoàn nghệ thuật của ảnh. Mới đây, anh trai của em là Nguyễn Văn Trí cũng tham gia vào đoàn. Anh Trí cũng hát hay lắm. Dù hiện tại vẫn còn khó khăn nhưng tụi em thấy rất vui khi được là thành viên của đoàn nghệ thuật này”, Trường tâm sự.

Ðình Thu
.
.
.