Nhà thơ trẻ nhiễm chất độc da cam sống đẹp với đời

Thứ Sáu, 12/12/2014, 10:00
Đã nhiều năm qua, người dân ở phố Vạn Lợi, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa luôn tự hào về câu chuyện phi thường của chàng trai bị nhiễm chất độc da cam, thân thể teo tóp, nằm liệt giường đã hơn 20 năm. Dù không hề được đến trường học chữ nhưng chàng trai này lại biết làm thơ và còn xuất bản thơ để bán lấy tiền làm từ thiện. Câu chuyện nhanh chóng lan truyền khắp gần xa, Chàng trai đã được bà con và bạn bè yêu mến khâm phục gọi là "nhà thơ trẻ giàu nghị lực". Đó chính là chàng trai trẻ 24 tuổi mang tên Vũ Đức Nguyên.
Không được đến trường, tự học chữ làm thơ

Vũ Đức Nguyên sinh ra trong một gia đình nghèo, cha làm thợ cơ khí, mẹ làm giáo viên dạy tiểu học. Năm 1988, cha mẹ Nguyên đi xây dựng kinh tế mới ở Đồng Nai, sau hai năm trở về quê thì sinh ra Nguyên (25 tuổi). Khi vừa mới chào đời, cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, Nguyên rất trắng trẻo, khỏe mạnh, kháu khỉnh và bụ bẫm, cha mẹ Nguyên vui sướng vô cùng. Rồi nỗi buồn kéo tới, khi vừa lên 8 tháng tuổi thì Nguyên bắt đầu teo cơ, toàn thân co cứng không thể cử động được. Gia đình đã đưa Nguyên đi khám bệnh viện nhiều nơi, rốt cục các bác sĩ cho biết Nguyên đã bị nhiễm chất độc da cam.

Không chấp nhận sự thật đau lòng khi nhìn đứa con trai bé bỏng vừa sinh ra phải chịu cảnh tàn phế suốt đời, gia đình đã cố vay mượn bà con hàng xóm để đưa Nguyên đi điều trị khắp nơi mấy năm ròng rã. Kết cục tiền mất nợ mang mà bệnh của Nguyên vẫn không thuyên giảm. Cha mẹ đành nén đau thương ngậm ngùi đưa con về nhà chăm sóc. Mẹ Nguyên vì thương con mà phải bỏ nghề giáo ở nhà chăm con, mở lớp dạy học tại nhà kiếm thêm thu nhập. Còn cha thì phải đi làm thuê để lấy tiền trả nợ và trang trải cuộc sống.

Cuộc sống của Nguyên thiệt thòi mọi thứ, suốt ngày chỉ nằm một chỗ. Khi lên 6 tuổi, một lần Nguyên nằm trên giường thấy mẹ dạy học chữ cho các bạn hàng xóm, cậu bé đã đòi mẹ cho học chữ như các bạn. Thấy con mình chịu nhiều thiệt thòi, cô Huê đã dạy cho con đọc bảng chữ cái. Từ đó mỗi ngày cả nhà luôn nghe em đọc lầm bầm trong miệng. Rồi thời gian trôi qua, do bận lo việc, cơm áo gạo tiền, thuốc thang cho Nguyên, cả nhà chẳng ai để ý tới Nguyên tự mày mò học ghép vần chữ từ khi nào. Một hôm nghe Nguyên đọc chữ khi xem tivi, đọc truyện tranh, sách báo, ai cũng ngạc nhiên vui mừng đến không tin nổi.

Vũ Đức Nguyên nằm rê chuột dùng bàn phím ảo làm thơ, lướt nét.

Mới 6 tuổi Nguyên đã biết ghép vần đọc chữ thành thạo. Hàng ngày nằm trên giường nhìn anh chị và các bạn cùng trang lứa vui vẻ đến trường, chạy nhảy nô đùa thỏa thích, Nguyên luôn mơ ước được đi học. Biết là không thể, cậu lại lấy tivi, mượn sách truyện của chị làm bạn trong những lúc vui buồn. Từ khi hiểu được bệnh của mình, nhìn thấy cha mẹ vất vả cực nhọc chăm lo cho mình, Nguyên đã nén nỗi buồn vào lòng, không than vãn oán trách số phận mà luôn nở môi cười sống vui vẻ cho gia đình an lòng. Rồi cậu tìm đến thơ, ban đầu Nguyên chỉ làm mấy bài thơ tặng cha mẹ, bạn bè bằng cách đọc cho mẹ chép lại. Cứ mỗi đêm về Nguyên lại làm thơ cho mẹ chép, có đêm Nguyên làm cả gần chục bài thơ thuộc nhiều thể loại…

Thấy Nguyên ham học hỏi, lại thông minh, cha đã dành dụm một số tiền để mua cho Nguyên bộ máy tính. Chưa hề biết gì về máy tính nhưng chỉ trong một thời gian ngắn tự mày mò, Nguyên đã biết sử dụng word để viết thơ và lướt nét thuần thục. Từ đó Nguyên lên mạng đọc tin tức, báo chí, đọc thơ. Đặc biệt là cậu tìm đọc thơ của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử (thần tượng của Nguyên). Nguyên nói: "Từ ngày em biết đến cố thi sĩ Hàn Mặc Tử thì tâm hồn thơ bỗng dưng tuôn trào đầy cảm xúc, viết hoài không hết".

Với thân hình bé teo, đôi tay của Nguyên chỉ còn cử động được một ngón cái tay phải, để sử dụng máy tính làm thơ, Nguyên phải dùng bàn phím ảo và rê con chuột bấm chậm chạp từng chữ cái rất khó khăn. Vậy mà chỉ trong vòng mấy năm thôi, Nguyên đã sáng tác được gần 1.000 bài thơ gồm nhiều thể loại: lục bát, tám chữ, đường luật. Nguyên viết về quê hương, cha mẹ, cuộc sống và niềm khát khao cháy bỏng của tình yêu đôi lứa.

Suốt một đời vì tôi vất vả
Chưa bao giờ thong thả rong chơi
Lòng này thương lắm mẹ ơi!
Bài thơ con viết vạn lời biết ơn.

                                            (Hi sinh của mẹ)

Nhớ thời bom giặc liên mien
Bác Hồ về nghỉ là miền quê Thanh
Tháng bảy năm ấy qua nhanh
Bác về kéo lưới đã thành sử thi
Cô Tiên nơi ấy còn ghi
Liễu Hạnh cứu thế Bác thì cứu Nhân

                                             (Chùa cô tiên)

Em giờ biền biệt nơi mô
Đang tâm em để đợi chờ riêng anh
Thu nay bóng bóng mình mình
Gió đâu xào xạc xuyên mành mành thưa

                                              (Đợi chờ)

Vượt lên số phận sống có ích và khát khao cống hiến

Từ khi biết dùng internet, Nguyên đã tìm tòi tham gia vào Thi đàn Việt Nam, mạng xã hội facebook, tạo trang thơ cho mình kết bạn bốn phương yêu thơ để kết nối chia sẻ vui buồn trong cuộc sống. Đọc thơ và biết hoàn cảnh, nghị lực của Nguyên qua facebook, đã có hàng ngàn bạn bè, tấm lòng yêu thơ cảm động khâm phục cổ vũ, chia sẻ động viên tiếp thêm cho Nguyên động lực sáng tác nhiều hơn, hay hơn.

Và rồi niềm vui cũng đến với Nguyên khi các nhà thơ ở Hà Nội cảm phục Nguyên là một người giàu nghị lực, đáng quý hơn là Nguyên có một trái tim yêu đời tha thiết, một tâm hồn thơ dào dạt đầy triển vọng. Với một người khoẻ mạnh, được học hành đầy đủ làm thơ đã khó thì với Nguyên sẽ khó khăn hơn gấp ngàn lần. Vậy mà Nguyên đã viết được rất nhiều thơ. Chính vì thế các nhà thơ đã vận động bạn bè yêu thơ giúp Nguyên xuất bản tập thơ đầu tay "Bài thơ cho em" vào tháng 10/2013. Tập thơ được xuất bản với gần 100 bài thơ, Nguyên vui mừng khôn xiết. Nó là đứa con tinh thần đầu tiên trên con đường thơ của Nguyên. Đọc thơ Nguyên chúng ta sẽ nhận ra sự mộc mạc, bình dị, tha thiết chân thành với một nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan dù trong nghịch cảnh vẫn luôn khao khát được chia sẻ yêu thương, sống có ích cho đời.

Dẫu biết mình bệnh tật nhưng trong sâu thẳm trái tim Nguyên luôn ý thức được rằng mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều so với những mảnh đời bất hạnh khác vì Nguyên vẫn còn có gia đình chăm sóc, bạn bè yêu thương. Nguyên luôn nhủ lòng mình rằng "nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhưng khi nhìn xuống mấy ai hơn mình". Với tinh thần "tương thân tương ái" và "sống trong đời sống cần có một tấm lòng", Nguyên đã bán tập thơ của mình để làm từ thiện.

Hai tập thơ của Nguyên.

Sau lần 1 bán thơ Nguyên đã lấy hơn 10 triệu đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt và quỹ trẻ em mồ côi tàn tật tỉnh Thanh Hoá. Ngày 6/7/2014 vừa qua, được sự ủng hộ của bạn bè, người thân, tập thơ thứ 2 của Nguyên mang tên "Chuyện Tình Chàng Thi Sĩ" đã ra mắt bạn đọc. Nguyên tiếp tục bán thơ, trích 10 triệu đồng gửi tặng cho đảo Trường Sa thân yêu. Nguyên tâm sự: "Được sống, được chia sẻ cống hiến là niềm hạnh phúc của em". Có thể nói, sự chia sẻ, đóng góp của Nguyên tuy nhỏ nhưng rất có ý nghĩa. Nó thể hiện một trái tim biết yêu thương, biết sẻ chia nỗi đau với những mảnh đời bất hạnh. Phải chăng đứng trước Nguyên, tất cả chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ cần phải suy ngẫm lại về bài học cuộc sống?

Ngọc Lâm
.
.
.