Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo: Gần nửa thế kỷ bền bỉ sáng tạo nghệ thuật

Thứ Sáu, 17/01/2020, 15:52
Sắp bước sang tuổi 80, bị tai biến cách đây 10 năm, chỉ còn có thể sáng tác bằng một tay, nhưng nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo vẫn miệt mài sáng tạo; đến nay ông có nhiều công trình tượng đài lớn đặt khắp mọi miền Tổ quốc.

Ông chia sẻ, suốt cuộc đời lao động nghệ thuật của mình, sáng tạo này gọi sáng tạo khác, tác phẩm này gọi tác phẩm kia, như dòng sông cuộn chảy không ngừng.

1.Nghệ sĩ Tạ Quang Bạo thuộc lớp nghệ sĩ tạo hình đầu tiên của “thế hệ nghệ sĩ kháng chiến”, từng được đào tạo bài bản về mỹ thuật.  Với người trong nghề, kể cả những người yêu mỹ thuật, hội họa nhiều thế hệ, nghệ sĩ Tạ Quang Bạo là gương mặt đặc biệt quen thuộc, nhất là trong lĩnh vực sáng tác tượng đài.

 Riêng với Điện Biên, ông đã có đến 3 công trình gồm phù điêu “Điện Biên Phủ” đặt tại Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ; Tượng đài và phù điêu “Tưởng niệm Noong Nhai” sáng tác năm 1999, đặt tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên và tượng đài “Hò kéo pháo Điện Biên Phủ” tại tỉnh Điện Biên. Ở Lạng Sơn, ông có tượng đài “Hoàng Văn Thụ”.

Nghệ sĩ, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo.

Tại Vĩnh Phúc là tượng đài “Chiến thắng Xuân Trạch”. Với Bắc Giang, ông có tượng đài “Nam nữ dân quân”, hoàn thành từ năm 1975. Với Phú Thọ, ông có  tượng đài “Chiến thắng sông Lô”. Với quê hương Thanh Hóa là tượng đài “Nghĩa trang Thanh Hóa”, với Quảng Trị là tượng đài “Ngời sáng quê hương” tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, “Tượng đài Việt – Lào” đặt tại Nghĩa trang Liệt sỹ Việt – Lào từ  năm 1982… 

Các công trình nhiều đến mức, tưởng chừng như đi đến đâu trên khắp cả nước cũng gặp tượng đài do nghệ sĩ Tạ Quang Bạo sáng tạo. Nếu chỉ tính sơ sơ, đến thời hiện tại, ông đã có khoảng 20 công trình tượng đài lớn, được đặt ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Lão nghệ sĩ tự hào thế hệ nghệ sĩ của ông, dù sinh ra trong giai đoạn đất nước khó khăn nhưng vẫn nỗ lực rèn luyện, ham học hỏi và may mắn được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để cống hiến cho hoạt động nghệ thuật. Ngay cả những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, vừa cầm súng chiến đấu, vừa lao động sáng tạo nghệ thuật, đời sống kham khổ, ông cũng vẫn có… tượng. 

Hiện nay, nhiều tác phẩm ông thực hiện từ những ngày “còn ở trong rừng” vẫn được lưu giữ ở các bảo tàng, trong đó Bảo tàng lịch sử Quân đội có “Mẹ Trường Sơn”, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có “Học chữ Bác Hồ”… Và, suốt nhiều chục năm qua, ít khi nào, tác phẩm của ông vắng bóng trong các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.

Một số tác phẩm được trưng bày của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo.

2. Nghệ sĩ Tạ Quang Bạo chia sẻ rằng mặc dù thường xuyên có tác phẩm tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc và triển lãm khu vực nhưng chưa bao giờ ông đợi các tổ chức, cơ quan quản lý phát động sáng tác thì mới bắt tay thực hiện tác phẩm. 

Với ông, lao động sáng tạo nghệ thuật giống như dòng sông luôn cuộn chảy, tác phẩm này gọi tác phẩm kia, sáng tạo này nối tiếp sáng tạo khác. Tác phẩm nào ông cũng làm bằng tất cả tình yêu, đam mê và đắm say nhất. Ngay cả khi đã về nghỉ hưu nhiều chục năm trước, ông vẫn miệt mài với những chuyến đi vào Nam, ra Bắc, vừa trải nghiệm, vừa tìm tư liệu mới cho sáng tác.

Hơn 10 năm trước, sau một chuyến đi thực tế, ông bị tai biến. Sau một năm gần như nằm bất động, ông mới dần phục hồi. Đến nay, dù đi lại khó khăn, dù chỉ sáng tạo bằng một tay, nhưng có điều kiện là ông lại miệt mài với các chuyến đi. Các tác phẩm vẫn nối tiếp nhau chào đời.

Thực tế, những thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ Tạ Quang Bạo không chỉ hiện diện trong đời sống qua các công trình tượng đài rải rác trên khắp cả nước hay trong các bảo tàng. 

Từ năm 2001, ông đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Tình hữu nghị Việt - Lào”, Tượng đài Nghĩa trang Buôn Mê Thuột; Tượng đài Chiến thắng Xuân Trạch (Thu Đông 1947 - Vĩnh Phúc); Tượng đài Chiến thắng Nha Trang. 

Năm 2016, ông tiếp tục được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật cho hai tác phẩm: Tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn” ở Quảng Nam, và tượng đài “Chiến thắng sông Lô” ở Phú Thọ. Nhiều tác phẩm khác của ông đã nằm trong các bộ sưu tập, bảo tàng tư nhân.

Nghệ sĩ, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo bên một số tác phẩm của ông.

3. Những ngày đầu năm 2020, lão nghệ sĩ tiếp tục khiến người trong nghề ngạc nhiên khi “trình làng” với triển lãm  “Chân dung nghệ sĩ - Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo”. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông sau 60 năm gắn bó với hoạt động nghệ thuật nhưng lại do các bạn trẻ, những người thành lập, điều hành Galerie Lunet Art đứng ra tổ chức. 

Giữa trời đông lạnh giá, triển lãm vẫn đặc biệt ấm áp bởi sự hiện diện của đông đảo văn nghệ sĩ nhiều thế hệ đến chúc mừng, chia vui. Không ít khách tham dự, đặc biệt là những người trẻ đã vô cùng ngạc nhiên trước khối tác phẩm lớn nhưng lạ, lãng mạn, khác hẳn các tác phẩm tượng đài thường thấy lâu nay của lão nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Tạ Quang Bạo cho hay, triển lãm giới thiệu một phần “kho” tác phẩm khác của ông, ngoài tượng đài. Đây là một “chân dung” khác của ông được thể hiện qua các tác phẩm được sáng tạo trong nhiều giai đoạn khác nhau, kể từ lúc mới gắn bó với hoạt động nghệ thuật, cho đến tận hôm nay. 

Với triển lãm, ông thực sự thấy mình hạnh phúc. Đây không chỉ đơn thuần là triển lãm cá nhân đầu tiên. Ông hạnh phúc còn là bởi, triển lãm được thực hiện bởi những người còn rất trẻ. Điều này cho thấy, ít nhất, trong nghệ thuật, ông đã tìm được tiếng nói đồng điệu với người yêu nghệ thuật, không nhất thiết hay chỉ là những người cùng thời.

Lunet Phan, Giám tuyển triển lãm “Chân dung nghệ sĩ - Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo”, cho biết: “Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. Ông là một người nghệ sĩ già nhưng tâm hồn nghệ sĩ rất trẻ. Khi đến thăm ông trong ngôi nhà nhỏ trong ngõ Hoa Lư, Hà Nội, trước mắt chúng tôi là một người nghệ sĩ đã liệt một tay, do tai biến. 

Ông đã gần 80 tuổi, trời thì lạnh, mà ông vẫn không ngừng sáng tác. Không những thế, ông còn rất vui vẻ, lạc quan, đón tiếp chúng tôi bằng những câu nói đùa nhưng đầy triết lý. Xung quanh ông là rất nhiều tác phẩm điêu khắc lớn nhỏ mà gia đình đã sắp xếp trưng bày, như một bảo tàng thu nhỏ. 

Đây là một phần thành quả của những năm tháng lao động nghệ thuật miệt mài và là minh chứng sống động nhất cho sức sáng tạo không mệt mỏi, như một suối nguồn làm việc không bao giờ cạn kiệt nơi ông. Hình ảnh một ông già vui vẻ, khéo léo và say mê sáng tác với một tay, còn một tay bị liệt, khiến cho chúng tôi thấy mình trở nên quá bé nhỏ. 

Ông nói với chúng tôi: “Sức mạnh của người nghệ sĩ Việt Nam là văn hóa. Văn hóa truyền thống là thế mạnh của nghệ sĩ Việt. Người nghệ sĩ phải biết kết hợp nghệ thuật dân tộc và nghệ thuật hiện đại, làm thế nào cho cả hai nhuần nhuyễn, không bị khô cứng”.  

Ông đã minh chứng sức mạnh của văn hóa dân tộc và vận dụng sáng tạo để tạo nên những công trình tượng đài lớn lao, không chỉ có giá trị bảo tồn về mặt văn hóa, lịch sử, xã hội mà nó còn có giá trị lớn trong việc lưu trữ những giá trị nghệ thuật tạo hình. 

Chúng tôi tổ chức triển lãm “Chân dung nghệ sĩ - Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo” không vì mục đích lợi nhuận là như là một hoạt động đặc biệt, một dịp để cho chúng tôi, những người trẻ tri ân, tôn vinh ông như một tượng đài nghệ sĩ sáng tác tượng đài”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhận xét: Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là họa sĩ thế hệ kháng chiến. Sự nghiệp nghệ thuật của nghệ sĩ gắn liền với suốt chiều dọc phát triển của nền Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Những thập niên qua đã chứng minh các cống hiến của ông đã đáp ứng sự mong mỏi của mỹ thuật nước nhà. Nhiều tác phẩm đồ sộ của ông được đặt ở khắp mọi miền đất nước. Sự đóng góp của ông cũng đã được khẳng định qua Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Các thế hệ họa sĩ ghi nhớ và biết ơn những đóng góp của ông…
Hải Hà
.
.
.