Joseph Fouché: Tấm khiên của Hoàng đế Napoleon

Thứ Hai, 18/11/2019, 11:11
Joseph Fouché là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử nước Pháp. Các nhà sử học có những đánh giá khác nhau về ông. Chính Joseph là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng điều hành bộ máy cảnh sát của Napoleon. Người đời ví ông như tấm khiên bảo vệ Hoàng đế lừng danh nước Pháp.


Thầy giáo đam mê chính trị

Joseph Fouché sinh ngày 21-5-1759 ở Le Pellerin, một ngôi làng nhỏ gần Nantes. Fouché học Đại học Oratorian tại Nantes, và thể hiện năng khiếu đặc biệt về văn chương lẫn khoa học. Với mong muốn trở thành giáo viên, Fouché lên Paris ðể học thêm. Ở đây, ông đã tiến bộ nhanh chóng và sớm được giao nhiệm vụ giảng dạy tại các trường đại học như: Niort, Saumur, Vendôme, Juilly và Arras. 

Cách mạng Pháp bùng nổ, Fouché đã tham gia vào một số vị trí quan trọng trong chính quyền mới. Nhờ đó, ông gặp gỡ và giao lưu với nhiều nhân vật xuất chúng của nước Pháp thời bấy giờ. Và Fouché đã lọt vào “mắt xanh” của Hoàng đế Napoleon.

Sau khi đứng trên đỉnh nước Pháp và châu Âu, Napoleon có rất nhiều kẻ thù muốn hãm hại ông. Bên ngoài nước Pháp, kẻ thù là những đất nước bị ông chinh phạt. Bên trong nước Pháp, phái Bảo hoàng, phái Cộng hòa, phái Jacobins và nhiều thế lực khác tìm mọi cách để ám sát ông. Sau khi cân nhắc kỹ, Hoàng đế Napoleon đã chọn Joseph Fouché, hay còn gọi là Công tước Otrante, làm người đầu tiên và cũng là người cuối cùng điều hành bộ máy cảnh sát của mình.

Để bảo toàn sự an nguy của Napoleon, Fouché đã tổ chức mạng lưới điệp viên và cảnh sát đặc nhiệm rộng khắp nước Pháp. Thậm chí Cảnh sát Pháp còn thâm nhập vào cả xã hội Pháp, có mặt ở mọi triều đình châu Âu, ở khắp các trung tâm những người lưu vong của phái Bảo hoàng.

Đối phó với thù trong

Không phụ lòng tin tưởng của Hoàng đế Napoleon, Fouché đã điều hành bộ máy cảnh sát kiêm luôn công tác tình báo và phản gián để dập tắt những âm mưu tạo phản chống lại hoàng đế. Và rất nhiều lần, lực lượng cảnh sát của Fouché đã phát hiện các âm mưu ám sát nhắm vào Napoleon.

Đêm Giáng sinh năm 1800, Napoleon trên đường đi xem hát đã bị Bảo hoàng Sen-Rezan ám sát bằng cách cho nổ thùng thuốc súng đặt trên xe, trên phố Saint-Nicaise đông người. Vụ ám sát này khiến 4 người thiệt mạng, hơn 60 người bị thương. Sau khi điều tra, Fouché chứng minh rằng đó là "bàn tay" của nhóm Bảo hoàng lưu vong. Cuối cùng, 5 người đã bị truy tố trước tòa án binh vì tham gia vụ tạo phản. Một số tên phản loạn bị xử bắn, bị chặt đầu và vài trăm tên bị đày ra đảo Guyam.

Tướng Bernadotte là Tổng chỉ huy cánh quân phía Tây. Ông này cũng công khai phê bình Hoàng đế Napoleon là người độc tài. Đặc nhiệm của Fouché không xác định được tướng Bernadotte có tham gia tạo phản hay không. Nhưng để phòng xa, Trưởng ban tham mưu Ximen và trợ lý Marbo của Bernadotte đều bị bắt giam. Fouché phải hành động quyết liệt như vậy nhằm bảo vệ Hoàng đế từ xa.

Ngoài ra, Fouché còn phát hiện được một vài vụ mưu phản nhằm giết hại hoặc ép Hoàng đế Napoleon tham gia vào vụ các vụ đấu súng để trừ khử ông. Trong đó, vụ mưu phản quan trọng nhất có sự tham gia của 2 tướng Domadie và Denma, Đại tá Furie và nhiều sĩ quan khác. Sau khi bị bại bộ, tướng Denma trốn thoát, những người còn lại đều bị bắt giam.

Trong 2 năm 1800-1801, các phiên tòa đặc biệt được thiết lập khắp nơi để xét xử các thành phần chống lại Hoàng đế, nổi cộm nhất là phe Bảo hoàng và Cộng hòa. Mùa xuân năm 1800, lực lượng cảnh sát của Fouché đã phát hiện nhóm Bourbon thuộc phe Bảo hoàng, có vũ trang âm mưu tấn công đoàn hộ tống Napoleon đi từ Paris đến Manmedon nhằm bắt cóc ông. Fouché đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Vụ nổ lớn trên phố Saint-Nicaise nhằm ám sát Hoàng đế Napoléon, đêm Giáng sinh năm 1800.

Phe mưu phản có ý định lôi kéo Moro, một danh tướng đã về hưu. Ngày 30-8-1803, Cadudan và Pisegriu, cùng một vài lãnh tụ quân Bourbon có vũ trang đã bí mật tới Paris nhằm dấy lên vụ nổi loạn quân sự. Nhận thấy kế hoạch bất thành, quân phản loạn quyết định tấn công Napoleon ngay ngoài phố với số quân ngang bằng đoàn hộ tống Hoàng đế. Nếu vụ phản loạn thành công, Bá tước Arthur và Quận công Berrixki từ bên ngoài sẽ đổ bộ vào Pháp ngay lập tức.

Nhưng mọi tình tiết của cuộc mưu sát đều bị cảnh sát kiểm soát, Fouché nắm được âm mưu trên. Nhưng Bộ trưởng Cảnh sát Fouché đã không can thiệp ngay từ đầu, nhằm bắt "quả tang tại trận" Moro và các ông hoàng. Sau vụ này, Cadudan trốn biệt tăm. Thế nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng cảnh sát của Fouché đã truy tìm bắt giữ được Cadudan, sau đó Pisegriu cũng bị tóm. 

Biết tin thất bại, cả Bá tước Arthur lẫn Quận công Berrixki đều không về Pháp. Lúc này cảnh sát cũng đã có trong tay toàn bộ hồ sơ mật mang tên "Vùng đất Bảo hoàng", chứa đựng hàng ngàn hồ sơ về những nhà Bảo hoàng đặc biệt nguy hiểm.

Cadudan nhận án tử hình bằng máy chém, Pisegriu thắt cổ tự vẫn trong xà lim, Quận công Enghenxki bị xử bắn. Riêng Moro, vì Hoàng đế Napoleon muốn tránh tiếng trả thù kình địch cũ nên chỉ bị kết án 2 năm tù giam, nhưng sau đó thay án tù bằng án lưu vong. Moro sang Mỹ, mãi năm 1813 mới trở lại châu Âu và sau này đã gia nhập quân đội Nga.

Đối phó với giặc ngoài

Cảnh sát, tình báo và phản gián của Fouché hoạt động khắp nơi, thâm nhập cả vào quân đội, bất kỳ nơi nào có mầm mống chống đối Napoleon. Đặc biệt, mạng lưới điệp viên của Fouché luôn theo sát thông tin tình báo của phản gián Anh. Đây là lực lượng có nguy cơ làm tổn hại đến Hoàng đế Napoleon nhiều nhất.

Đấu tranh với lực lượng phản gián Anh là chuyện không đơn giản và cực kỳ phức tạp. Thứ nhất, họ được tổ chức hết sức chặt chẽ và lại có nguồn kinh phí dồi dào để hoạt động. Thứ hai, vì tiền, các quan chức cấp cao của Napoleon dễ dàng bán thông tin. Người Anh có hẳn một đội quân các điệp viên đánh thuê và thông tin từ khắp mọi miền châu Âu đều đổ về London.

Đặc biệt, các điệp viên phản gián Anh sử dụng đủ kiểu mật mã để chuyển tin. Có lần, cảnh sát của Fouché đã bắt và giải mã các bức thư toàn bằng nốt nhạc. Sau đó, phản gián Anh không sử dụng nốt nhạc để chuyển tin mà họ chuyển sang các thuật ngữ thực vật học, thuật ngữ thuộc lĩnh vực sửa chữa đồng hồ, dịch vụ nội trợ và ẩm thực… để chuyển tin. Nhưng tất cả các âm mưu chống lại Napoleon của phản gián Anh đều bị Bộ trưởng Cảnh sát Fouché bóc trần.

Fouché tiếp tục lãnh đạo cả cảnh sát lẫn phản gián thực thi kế hoạch gọi là "Các biện pháp tích cực", nhằm làm giảm sức mạnh cũng như chia rẽ liên quân chống Pháp.  Như trong chiến dịch năm 1807, để đẩy quân đội Hungari đụng độ với quân Áo, Fouché đã cho cảnh sát đặc nhiệm Pháp tung vào Hungari những tờ báo chứng minh Áo và Anh đã lừa dân Hungari.

Việc phát hiện và trấn áp được vụ tạo phản mưu sát Hoàng đế đã nâng cao uy tín của Fouché trong con mắt Napoleon. Nên những lúc đưa quân đi chinh phạt khắp thế giới, Hoàng đế đã không phải lo lắng gì về trật tự nội an nước Pháp.

Chết trong lưu đày

Vua Louis 18 được liên quân Phổ và Anh hộ tống lên ngai vàng sau khi lật đổ Hoàng đế Napoleon. Ngày 6-7-1815, Vua Louis 18 thành lập nội các mới. Nhà vua lại bổ nhiệm Fouché làm Bộ trưởng Cảnh sát Pháp. Phái Bảo hoàng rất phẫn nộ trước việc cựu Bộ trưởng Cảnh sát của Napoleon lại được ngồi họp ở Hội đồng bộ trưởng. Vì thế, chỉ sau 2 tháng Vua Louis 18 buộc phải cách chức Fouché. Ngày 19-9, Fouché được cử làm Đặc phái viên tại triều đình Dresden - "một cuộc đi đày trong danh dự".

Ngày 26-12-1820, Fouche qua đời tại Trieste của Đế quốc Áo, ở tuổi 61. Tấm khiên của Hoàng đế lừng danh Napoleon đã chết trong lúc đang viết hồi ký và đang bị lưu đày nơi đất khách quê người.

Hoa Nam (Tổng hợp)
.
.
.