Chuyện về Thịnh thơ

Thứ Ba, 16/06/2020, 16:30
Chất độc da cam chỉ làm cho thể xác Thịnh biến dạng nhưng không đánh gục được tâm hồn nhạy cảm đến tinh tế, trái tim thổn thức nhịp đập yêu thương đầy bao dung, và trí tuệ minh mẫn, tinh thần cầu tiến của Thịnh.


Trong những ngày tháng sáu này tôi muốn kể chuyện về một người bạn, tôi đã gặp cậu lần đầu tiên tại lễ trao giải Văn học nghệ thuật Côn Sơn (Hải Dương) năm 2016, khi ấy Nguyễn Hữu Thịnh cùng tôi lên nhận giải C. 

Hình ảnh thi sĩ ngồi khó khăn trong xe lăn được bố đưa lên nhận giải đã khiến tôi xúc động. Sau đó, tôi tìm hỏi thăm tới nhà Thịnh, những người dân chỉ đường bảo tôi, hỏi vào nhà Thịnh thơ phải không, đây đi theo lối này.

Nguyễn Hữu Thịnh sinh năm 1981 (ở Cẩm Hưng, Cẩm Giàng, Hải Dương), khi sinh ra cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác, cũng vào ca: ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi.

Cũng chạy chân đất trên bờ cỏ để thả diều, cũng theo đám bạn ra sân kho đánh khăng đánh đáo, cũng lon ton dải chiếu ra sân nằm đếm sao nghe bà kể chuyện cổ tích, cũng lũn cũn theo mẹ ra đồng tập tành tát nước gàu dai, cũng háo hức chuẩn bị sách vở, bút mực chào đón ngày tựu trường vào lớp một... Rồi đáng lẽ, lớn lên Thịnh cũng sẽ xuống ao đánh cá, ra đồng cày bừa, gánh mạ, gánh lúa, phơi thóc, phơi rơm, sẽ đi học... 

Thịnh và bà.

Hành trình hạnh phúc bình dị của một người con trai làng quê đất Việt là như thế, nếu không có một ngày, cậu bé Thịnh bị đổ bệnh lúc đang tám tuổi. Toàn thân cậu lên cơn co giật, chân tay run rẩy, lưỡi líu lại không nói được. Bố mẹ đã đưa cậu đi nhiều bệnh viện, đã dốc hết tiền bạc, thời gian, công sức chỉ mong chữa cho cậu khỏi bệnh. Nhưng chất độc da cam từ người bố từng là lính Trường Sơn năm xưa đã để lại trong hình hài của cậu đến giờ phát tác. 

Gia đình, họ hàng và chính cậu đã đau đớn tột cùng khi biết điều đó, nhất là người bố. Ông nói: "Cảm giác như bị găm một viên đạn cuối cùng vào trúng tim khi chứng kiến con trai mình từ một cậu bé lanh lợi suốt ngày chạy nhảy, luôn cười nói vui vẻ giờ người co quắt lại, dần liệt đôi chân và một cánh tay, cánh tay còn lại chỉ cử động được mấy ngón". Còn gì đau khổ và bất hạnh hơn! Bệnh viện trả về. 

Tám tuổi, cậu phải bỏ học khi những con chữ đẹp đẽ nhất vừa chớm ươm mầm nở trong trí tuệ. Nỗi đau về thể xác và tinh thần của một đứa bé tám tuổi với nỗi đau tinh thần của người cha, người mẹ khi nhìn đứa con rứt ruột đẻ ra đang bị biến dạng vì hậu quả của chiến tranh hỏi còn gì bi kịch và bất hạnh hơn! 

Thịnh đã bị cột mình trên chiếc giường nhỏ và những bức tường, mọi sinh hoạt cá nhân đều dựa vào người khác. Khi người bố về nghỉ chế độ thì ông chính là đôi chân, đôi tay của cậu. Mấy năm sau, cuộc sống dần thích nghi trở lại, nỗi đau theo thời gian cũng vơi đi.

Chất độc da cam chỉ làm cho thể xác Thịnh biến dạng nhưng không đánh gục được tâm hồn nhạy cảm đến tinh tế, trái tim thổn thức nhịp đập yêu thương đầy bao dung, và trí tuệ minh mẫn, tinh thần cầu tiến của Thịnh. 

Khi tôi hỏi Thịnh làm thơ từ khi nào thì Thịnh kể dù giọng nói rất khó khăn: Bác hàng xóm là bác Cơ, thầy giáo dạy toán hay sang chơi, dạy Thịnh đánh cờ, dạy làm thơ. Có tập sách nào bác cũng đem cho đọc. Sau này, một thầy giáo dạy văn cấp ba là thầy Quỳnh đọc được thơ Thịnh cũng hay đến chơi, trò chuyện, tiếp cho cậu niềm đam mê với văn thơ, góp ý thơ cho Thịnh. 

Cứ như vậy, Thịnh tự học bằng cách đọc sách, bồi bổ tâm hồn bằng những tập thơ, cậu tự khai sáng trí tuệ mình bằng văn chương chữ nghĩa. 

Cậu làm thơ và không ngừng tìm kiếm, mài rũa để có những câu thơ hay. Những bài thơ của Thịnh biểu lộ tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, yêu con người, tình yêu đôi lứa luôn dạt cảm xúc, độc đáo trong cách diễn đạt, trau chuốt và tinh tế trong lối dùng từ. 

Nếu là người không biết về Thịnh sẽ chẳng ai nghĩ đó là những bài thơ được viết ra từ một người khuyết tật, sẽ không ai biết được tác giả của những tập thơ ấy là người bị nhiễm chất độc da cam.

..."Dòng sông như dải lụa gầy
Níu vào chân ruộng để say cánh cò"...

(Qua cầu Đợ một chiều)

"Run run
chạm khẽ vào xuân
em và rượu
giữa cuộc trần
hóa thơ
Uống cho cạn...
mắt đợi chờ
chén mừng... nghiêng ngả
giữa mơ- thực mình"...

(Khai mùa)

Thịnh đã có bốn tập thơ "Thương lắm mai sau" (2010), "Hoài khúc Tương Thi" (2014), "Gọi phía mùa thu" (2017), "Khúc mùa" (2019), chưa nhiều nhưng cũng không hề là ít, là con số về tác phẩm mà nhiều thi sĩ mơ tưởng.

Thịnh cùng bạn thơ trong ngày thơ Việt Nam rằm tháng giêng 2018.

Đọc thơ Thịnh, gặp gỡ Thịnh, tôi hiểu rằng, phải là người đã biết vượt lên những tột cùng đau khổ của cuộc đời mới có được một tâm hồn trong sáng và tinh thần nhân văn như thế. Trong hành trình lặng lẽ đến với thơ và song hành cùng thơ như là người yêu tinh thần vĩnh cửu, Thịnh phải liên tục chống chọi với những cơn bạo bệnh ập đến bất ngờ mà luôn ở lại dai dẳng bên cậu. 

Có những khoảng thời gian Thịnh phải ở trong bệnh viện khá dài, nhưng vẫn có thơ ở bên. Mỗi ngày, Thịnh yêu đời hơn, yêu người hơn và yêu thơ hơn. Thịnh tìm đến thơ, vịn vào thơ để sống, để tin yêu, thơ giúp cậu thăng hoa trong cuộc sống, giúp Thịnh kết nối bạn bè. Thơ mở cho Thịnh thêm một cuộc sống khác và trên hết, thơ giải tỏa mọi ưu phiền giúp cậu đạt tới sự an nhiên.

"Ráng tây chín nẫu chiều quê
Chùa làng...
mịn bóng bồ đề
tụ sương
Nổi lênh trong tiếng gió chuông
dường như
có giọt vô thường...
hóa duyên

(Viết ở sân chùa làng)

Một ngày bình thường của Thịnh là sáng ngủ dậy được bố giúp làm vệ sinh cá nhân, thưởng thức một li cà phê (Thịnh nghiền cà phê) rồi đọc sách, hay làm thơ (tay viết cũng rất khó khăn, nhưng chữ Thịnh rất đẹp). Rồi có thể Thịnh lướt web, vào Facebook trò chuyện với bạn bè, (vẫn chỉ còn hai ngón tay cử động được giúp cậu gõ chữ), trưa và tối mỗi bữa ăn trên lưng bát cơm. 

Thỉnh thoảng, có những ngày đặc biệt đem đến những niềm vui bất ngờ, Thịnh tiếp đón những người bạn tới thăm ngay tại cái giường nhỏ bé của mình ở trong buồng. Thịnh kể, giọng vui: "Nhờ thơ mà em được đi máy bay cùng với người bố vào tận miền Trung, miền Nam, ra tắm biển Hạ Long, được giao lưu gặp gỡ bạn thơ, bạn viết và những anh chị văn thơ hay những độc giả mến mộ khác". 

Nhờ sự yêu thương giúp đỡ của các anh chị em văn nghệ sĩ và bạn bè, Thịnh đã có một chiếc xe lăn mới. Chiều chiều Thịnh có thể tự lái xe lăn ra đồng ngắm cảnh hay đi lên thị trấn Cẩm Giàng chơi, đi thăm ga Cẩm Giàng, vào thăm khu vườn nhà Thạch Lam ở cạnh ga Cẩm Giàng. 

Khi tôi hỏi, Thịnh có nhiều bài thơ về tình yêu, trong sáng, lãng mạn, dù có chia tay buồn đấy mà không bi lụy, sướt mướt, Thịnh cười, chia sẻ: "Thì em có người bạn trên mạng ấy, bạn ấy cũng thích thơ, chúng em quý nhau, hay làm thơ tặng nhau".

Thấy Thịnh cởi mở, tôi hỏi nửa đùa nửa thật: "Hay là người yêu đấy, nàng thơ phải không?".  Bố Thịnh trêu: "Yêu ai thì báo bố mẹ, tới tháng tám làm đám cưới". Tiếng Thịnh cười to: "Em thế này ai yêu chị nhỉ, chỉ là bạn bè quý nhau thôi". Tôi nhỏ nhẹ: "Thịnh mà không bị bệnh, với khuôn mặt này, nụ cười này khối cô mê ấy chứ, rồi thơ còn nhiều nữa". Mặt Thịnh vẫn tươi sáng: "Nhỡ đâu em không bị ốm, em lại hư thì sao, rồi em chẳng biết làm thơ ấy chứ". Nói xong Thịnh lại cười, rồi lật quyển sổ đọc cho tôi nghe bài thơ mới làm.

Thịnh thơ đấy, người bạn vong niên của tôi đã tìm thấy niềm vui khi đến với thơ. Niềm vui ấy chính là hạnh phúc. Hạnh phúc có được là do Thịnh giàu nghị lực đã biết vượt qua mọi đau khổ, bất hạnh bên cạnh sự giúp đỡ yêu thương của người thân, bạn bè để yêu sống, yêu thơ, để tận hiến cho cuộc đời theo cách riêng của Thịnh. Bởi thế nên Thịnh lúc nào cũng như người đang yêu:

Gửi tình vào những giấc mơ
Thấy em về giữa bài thơ không lời
Gót sen hồng, bước tinh khôi
Nghe mùa như chạm tiếng rơi nghiêng hè.
Nốt nhạc nào, khúc cầm ve
Chan hòa từng giọt nắng che ngút trời
Sắc màu phượng vĩ đỏ tươi
Như lòng rực lửa của người đang yêu.

(Một chiều hạ xanh)

Nguyễn Thu Hằng
.
.
.