Chuyện tình cảm động của đôi vợ chồng mù nơi miền sơn cước

Thứ Ba, 16/12/2014, 14:58
Ở một thung lũng nhỏ hẹp, quanh năm mây phủ thuộc huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, không ai không biết đến người phụ nữ bị mù lòa Hoàng Thị Hồng Miên. Cái tên của chị ai cũng khen hay, khen đẹp bởi nó được ví như loài hoa gạo nơi núi rừng, nhưng cuộc đời, số phận của chị lại hoàn toàn ngược lại. Vừa sinh ra chị đã không được nhìn thấy ánh sáng như bao đứa trẻ khác, lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, 50 năm qua chị Miên đã chịu đựng biết bao nỗi tủi nhục, thiệt thòi do căn bệnh mù bẩm sinh mang tới… Và cho đến một ngày, niềm hạnh phúc đã đến một cách thật tình cờ, khiến chị phần nào vơi bớt đi nỗi đau cùng sự mặc cảm đeo đẳng từ trước đến bây giờ.
Nhng ni đau riêng

Tọa lạc dưới chân đèo Ngườm Kim, xóm Lũng Mười vẻn vẹn chỉ có 9 hộ dân thưa thớt. Ngôi nhà vợ chồng anh chị Hữu - Miên nằm gần cung đường quốc lộ 4A cũ từ thành phố Cao Bằng xuyên qua thị trấn Đông Khê thuộc huyện Thạch An. Nằm riêng rẽ, tách biệt giữa những đám nương rẫy, căn nhà bức vách thô sơ của đôi vợ chồng mù càng lộ rõ vẻ tồi tàn, hiu quạnh giữa thung lũng tĩnh mịch quanh năm mây phủ.

Chúng tôi đến trong lúc chị Miên đang cầm con dao quắm quờ quạng từng thân cây ngô héo tàn để chặt bỏ ngoài đám ruộng cạnh nhà. Nghe chúng tôi giới thiệu, chị Miên cũng giải thích: "Chị lại chuẩn bị làm vụ ngô nữa, mắt không thấy gì nên phải làm sớm để kịp với vụ mùa, mình trồng muộn hơn người ta thì ngô không lên đâu em à". Rồi chị mời khách vào nhà. Khi thấy chị dò dẫm từng bước hướng về phía cánh cửa, chúng tôi tỏ ý lo ngại và định dắt chị bước đi cẩn thận. Tuy nhiên, chị xua tay từ chối và bảo: "Chị đi như thế quen rồi, để người ta dắt mình quen thói ỷ lại và mất định hướng".

Đã 3 năm nay, hai mảnh đời mù lòa luôn nương tựa, đùm bọc nhau để sống.

Bên trong căn nhà chật hẹp chỉ vài mét vuông của hai vợ chồng mù vốn có sẵn cái đèn dầu đặt trên bàn chuyên dùng để thắp sáng cho khách mỗi khi có ai đến. Còn đối với anh chị, ngày cũng như đêm cả cuộc đời vẫn mãi là thứ bóng tối mù mịt khiến họ phải cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng những giác quan khác với những người bình thường khác. Dù đã quen thuộc với mọi đồ vật trong căn nhà, nhưng mỗi khi cần bất kỳ một đồ vật như bật lửa, bát, đũa, dao… họ phải tìm kiếm một cách rất khó khăn, chậm chạp.

Mặc dù không nhìn thấy gì nhưng do cuộc sống quá khó khăn chị Miên phải cầm con dao dò dẫm từng bước vào rừng chặt củi, gánh đi hơn 10km để bán ở chợ Đông Khê. Quanh năm suốt tháng chị quanh quẩn bên đồng ruộng, chủ yếu trồng cây ngô để ăn qua ngày. Từng gánh nước chị vẫn phải gánh từ mó nước, xa hàng cây số về nhà với một cây gậy dùng để dò đường… Chị phải làm tất cả mọi việc.

Cách đây hơn 10 năm, chị Miên mất đi người bố, trong gia đình chỉ còn người mẹ già đã gần 90 tuổi. Chị có một người chị gái là Hoàng Thị Peng (sinh năm 1951) cũng mù như chị, vì vậy công việc đều do vợ chồng người anh trai tên Pảo lo toan. Người anh trai này cũng không có được trí tuệ bình thường, hay mất trí nhớ, mọi việc "đối nội, đối ngoại" đều do cô vợ ghê gớm đứng sau đạo diễn. Không chịu được cảnh "bằng mặt không bằng lòng", hai chị em mù lòa đã dựng hai cái lều ra đầu bản ở riêng.

Chị Miên cất con dao quắm vào vách tường nhà được trát bằng đất bùn một cách khó khăn.

Anh Nông Văn Hữu - chồng chị Miên, ít hơn chị 15 tuổi, sinh ra trong một gia đình nghèo, nhà có 6 anh em, chỉ có mình anh bị mù lòa. Anh cũng như chị Miên, bị mù từ lúc mới chào đời. Nhà đông anh em, không có đất chia nhau nên luôn sống trong nghèo khổ. Từ nhỏ anh Hữu đã trải qua không ít nỗi tủi nhục, chịu đựng gian khổ do bị thiệt thòi hơn những người bình thường khác. Ngày tháng trôi qua, anh chị em trong gia đình anh Hữu lần lượt lập gia đình và chuyển đến các nơi khác để mưu sinh. Anh Hữu trở nên cô đơn, lầm lũi.

Duyên s đnh mnh

Năm 2011, được Hội Người mù Cao Bằng giới thiệu đến lớp học nghề trồng nấm ở huyện Quảng Uyên, hai người mới quen nhau. Không ngờ chỉ tiếp xúc một vài lần, chị Miên đã cảm mến anh Hữu. Tuy nhiên, chưa kịp tỏ tình thì khóa học nghề đã kết thúc, ai lại về nhà người nấy. Chị đành ngậm ngùi trở về, thở dài trong nuối tiếc. Nhắc đến đây, chị tỏ ra ngượng ngùng tâm sự: "Lúc đó chị buồn lắm. Ngay thời điểm đó chị đã viết ra bài thơ "Phiặc căn du kha tàng" (Chia tay giữa dọc đường) và gửi lên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Cao Bằng. Bài thơ đó đã được phát sóng toàn tỉnh, anh Hữu cũng nghe được nên sau đó đã bắn tin về nói lời cảm ơn".

Thực ra, trong quá khứ chị Miên cũng có một mảnh tình và sinh hạ được một đứa con gái tên là Hoài Thơm. Tuy nhiên, đứa bé ấy chỉ sống được vẻn vẹn bảy tháng tuổi rồi "ra đi" với căn bệnh não úng thủy. Người "chồng" tên Dũng, quê ở Thái Nguyên đã bỏ đi từ trước đó. Chị chỉ còn biết ru mình trong tiếng đàn tính với những điệu nhạc buồn thảm.

Chị mê hát then từ nhỏ, thông qua việc nghe được những bài trên đài của nhà hàng xóm. Năm 14 tuổi chị được một chú thợ mộc tặng cây đàn tính, vì vậy mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, hay những lần mang tâm trạng buồn ba,ä chị lại lấy đàn ra hát. Chị đã từng được đi biểu diễn tại các dịp liên hoan ca nhạc của người khiếm thị ở huyện Hòa An và đoạt giải quán quân. Tại Liên hoan Tiếng hát từ trái tim đến trái tim, chị hát trong nước mắt bởi bố vừa mất được vài ngày. Lần đó chị đoạt giải ba. Đi đến đâu chị đem theo thơ và nhạc đến đó, danh sách các bài thơ do chị sáng tác bằng chữ nổi cũng ngày càng nhiều.

Vợ chồng bà Hoàng Thị Hồng Miên.

Mối lương duyên giữa chị Miên, anh Hữu như trời định sẵn. Không ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, anh lại tìm cách liên lạc với chị. Không lâu sau, họ cưới nhau. Một đám cưới giữa hai người khiếm thị. Đơn giản nhưng vô cùng ấm cúng, hạnh phúc. Vừa đó mà đến giờ đã tròn 3 năm - quãng thời gian hạnh phúc nhất của hai vợ chồng từ trước đến giờ. Hai mảnh đời giữa mái nhà tranh vách nát nơi thung lũng im lìm tự chăm sóc nhau, cùng vượt qua những ngày gian khó tiếp theo.

Chị Miên chia sẻ: "Từ ngày lấy nhau, mặc dù cuộc sống nghèo khổ, vất vả nhưng hai vợ chồng vẫn rất lạc quan, yêu đời. Hằâng ngày, hai vợ chồng dắt nhau cùng với cây gậy dẫn đường đi phát nương, trồng ngô, chặt củi trong rừng về bán. Trước đây, có xe ôtô qua nhiều còn xin đi nhờ xe đến thị trấn bán củi, nhưng hiện giờ xe không qua đường cũ nữa nên đi bộ mất thời gian lắm, mệt mỏi nữa. Bán được một gánh củi đã mất một ngày tính từ lúc đi và về nhà rồi. Anh ấy cũng thương chị lắm. Số kiếp đã như thế thì đành chấp nhận và dựa vào nhau để sống thôi chứ không biết làm gì hơn nữa đâu".

Anh Hữu tiếp lời: "Trước khi lấy nhau, anh với chị đã thống nhất sẽ không sinh con nữa, bởi bản thân còn chưa lo được, sinh con ra chỉ có khổ. Mỗi lần đến cuối mùa nhà lại hết ngô, hết thóc đi bán củi cũng không đủ để mua gạo, thức ăn vì người mù làm được bao nhiêu chứ. Trợ cấp của Nhà nước cũng chỉ đỡ phần nào chứ không thể nuôi sống được hai vợ chồng. Đêm đông không đủ chăn ấm đắp hai người co ro run cầm cập, nhất là vào lúc trời mưa to nhà bị dột nữa, lúc xê dịch chỗ này lúc lại chuyển qua góc khác để ở, khổ lắm".

Chia tay với anh chị, rời xa mái nhà xập xệ, chúng tôi không khỏi nghẹn ngào khi nghĩ về hoàn cảnh của họ. Nhưng cũng cảm phúc, mến mộ biết bao về tình yêu giữa họ dành cho nhau, cùng nhau đối mặt với nghịch cảnh cuộc đời. Nhìn đôi vợ chồng mù lòa đứng bên hiên nhà đưa tiễn, như cố gắng dõi theo từng bước chân vọng xa dần bằng thính giác, chúng tôi chợt nghĩ về hai từ "số phận". Có lẽ số phận đã định sẵn họ làm kiếp mù lòa, nhưng may thay lại sắp đặt cho họ được đến với nhau, đồng cảm nỗi khổ và chăm sóc nhau suốt quãng đời còn lại.

Nông Lưu Vĩnh
.
.
.