Chàng trai tật nguyền đi bộ xuyên Việt

Thứ Sáu, 27/04/2018, 09:53
Bị hở hàm ếch và khuyết tật vận động bẩm sinh, nhưng Lê Ngọc Sang (29 tuổi, quê gốc Thái Bình) đã quyết tâm thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt để kêu gọi mọi người tham gia hiến tặng mô tạng. Sau 282 ngày lặn lội trên mọi cung đường, đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm, cuối cùng chàng trai này đã có mặt tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để thực hiện ước mơ của mình.


Giấu người thân, lặng lẽ đi bộ xuyên Việt

Trong cuộc trò chuyện với Sang, thú thực, nhiều khi chúng tôi không dịch nổi chàng thanh niên này đang nói gì. Bởi lẽ, di chứng của việc bị hở hàm ếch bẩm sinh đã khiến Sang gặp rất nhiều khó khăn trong việc diễn đạt. Sang bảo, trước đó anh đã trải qua một cuộc phẫu thuật vá hàm ếch ở Bệnh viện Việt Đức, nhưng cũng chỉ cải thiện được phần nào. 

Bước chân nhỏ bé đã đi qua 23 tỉnh thành.

Và phải đến năm 16 tuổi Sang mới bập bẹ nói được nhưng chưa rõ lắm. Không chỉ bị hở hàm ếch mà Sang còn bị khuyết tật vận động, vì thế việc đi lại và cầm nắm gặp rất nhiều khó khăn.

Quê gốc ở Thái Bình nhưng bố mẹ Sang sau khi lấy nhau đã vào Vũng Tàu sinh sống. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Sang sớm phải nghỉ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sang kể: "Vì mình bị khuyết tật nên dù có cố gắng làm đến mức nào người ta cũng không công nhận và trả lương bèo bọt. Nhiều lúc tủi thân lắm". 

Năm 2012, Sang quyết định dời Vũng Tàu vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai. Tại đây, Sang hành nghề bán vé số. "Làm nghề này mình cũng phải đi nhiều lắm, ngày ít cũng 10 cây số, ngày nhiều có khi lên tới vài chục cây số. Ngoài các khoản tiền chi phí cho ăn uống, thuê nhà và sinh hoạt hằng ngày thì mình cũng để ra được vài chục ngàn mỗi ngày. 

Thế cũng coi như là tốt lắm với một người khuyết tật như mình" - Sang chia sẻ. Tuy nhiên, số tiền ít ỏi kiếm được từ bán vé số Sang hầu như không giữ cho riêng mình, cũng không gửi về quê biếu bố mẹ mà thường đem cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 

Khi được hỏi, bố mẹ và người thân có trách anh không thì Sang bảo: "Bố mẹ chưa bao giờ trách mình. Bố mẹ vẫn thường động viên mình làm những điều mình thích miễn sao cái tâm được thanh thản".

Bộ quần áo dính máu trong một lần bị ngã dọc đường đi.

Năm 2013, Sang bắt đầu đi chùa lễ Phật. Khi đã có những sự am hiểu nhất định về Phật pháp, anh quyết định quy y với pháp danh Thiện Quy. Kể từ đó Sang luôn khao khát làm được việc tốt, có ích cho đời. Năm 2016, ý nghĩ sẽ đi bộ xuyên Việt từ Sài Gòn ra Hà Nội để kêu gọi mọi người cùng tham gia hiến tặng mô tạng bắt đầu nhen nhóm. 

Tuy nhiên, khi Sang nói ra ý định đó cho bạn bè nghe, anh đã bị tất cả mọi người phản đối. "Bạn bè bảo mình là lo thân còn chưa xong còn bày đặt lo chuyện thiên hạ. Rồi họ bảo mình dừng ngay cái ý nghĩ điên rồ ấy lại nếu không muốn phải hối hận. Nhưng mình thì thấy nó chẳng điên chút nào, bởi việc làm này nó xuất phát từ tâm chứ không phải chỉ là phút nông nổi nhất thời" - Sang nhớ lại.

Việc đầu tiên chàng trai này phải làm là thuyết phục Câu lạc bộ Xuyên Việt cùng đồng hành. Đây là việc làm không hề đơn giản, bởi ngay từ khi Sang nói ra ý định đó, nhiều thành viên trong Câu lạc bộ đã hoài nghi. Họ cho rằng một người có sức khỏe bình thường làm việc đó còn khó, nói gì đến một người mắc khuyết tật vận động như Sang. 

Ngày 16-4, Lê Ngọc Sang đã đăng ký hiến tặng mô tạng.

Tuy nhiên, với quyết tâm và nhiệt huyết từ tâm, chàng thanh niên này đã vượt qua được thử thách đầu tiên do Câu lạc bộ Xuyên Việt đưa ra là đi bộ từ TP Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu để lấy thông tin về một hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ chỉ với khoảng thời gian ba ngày, ba đêm.

Cuối cùng cuộc hành trình đi bộ xuyên Việt của Sang cũng được bắt đầu từ ngày 5-7-2017, với điểm xuất phát là Khu công nghiệp Tân Bình - TP Hồ Chí Minh. Khi thực hiện chuyến đi "lịch sử" này Sang đã giấu biệt bố mẹ. Sang tâm sự: "Mình biết nếu mình có nói ra dự định đó thì kiểu gì cũng bị bố mẹ phản đối nên mình quyết định im lặng. Khi bố mẹ điện thoại cho mình hỏi thăm mình vẫn coi như đang đi bán vé số bình thường. Mãi sau này, khi có một bài báo của Hội phật giáo viết bài về mình đăng trên mạng, chắc ai đó đọc được đã mách với bố mẹ mình, lúc đó bố mẹ đã gọi điện và mắng mình té tát, đại ý nói mình bị điên, đi như thế nếu chẳng may gặp phải chuyện gì thì làm sao?".

3 lần gặp nạn

Hành trang cho cuộc hành trình đi bộ xuyên Việt của Lê Ngọc Sang chỉ vỏn vẹn có một chiếc điện thoại, hai bộ quần áo, một chiếc máy sấy tóc và chưa đầy 500 nghìn đồng. Khi chúng tôi thắc mắc về chiếc máy sấy tóc nghe có vẻ chẳng liên quan gì tới việc đi bộ thì Sang cười đáp: "Nghe tưởng không liên quan nhưng nó lại chính là thứ quan trọng nhất trong hành trang đi xuyên Việt của mình đấy. Bởi lẽ mình rất cần nó để sưởi ấm đôi chân đau yếu, thường xuyên buốt giá của mình".

Trong suốt cuộc hành trình dài, Sang 3 lần bị cướp, có lần còn bị xô ngã. Lần thứ nhất là khi Sang đi bộ từ vùng biển Bình Thuận đến Ninh Thuận. Vì trời tối và cũng vì quá mệt sau một ngày cuốc bộ mấy chục cây số nên Sang đã dừng chân trước cổng một nhà dân và nằm nghỉ. Đến khi tỉnh dậy, Sang phát hiện chiếc điện thoại và 200 nghìn đồng trong chiếc túi của mình đã "không cánh mà bay". 

"Thực sự khi đó mình thấy buồn và nản quá, vì nghĩ rằng không còn tiền cũng chẳng còn cái để liên lạc thì không biết mình sẽ tiếp tục thế nào đây. Nhưng sau đó mình đã mượn điện thoại của người dân và gọi cho thầy Nguyễn Mạnh Hùng. Thầy hỏi mình: "Mất đồ có buồn không?", mình bảo con buồn lắm. 

Nghe xong thầy nói: "Nếu buồn thì đi tiếp sẽ hết buồn, đi tiếp sẽ có người giúp đỡ". Sau khi nói chuyện với thầy, mình như được tiếp thêm sức mạnh và lại hào hứng với cuộc hành trình phía trước" - Sang nhớ lại.

Quả như lời thầy Hùng nói, trên đường đi, Sang đã được mọi người giúp đỡ rất nhiều. Một số người tốt đã quyên góp tiền mua cho Sang chiếc điện thoại đen trắng để Sang có thể giữ liên lạc với người thân. Vừa vượt qua được thử thách này, Sang lại tiếp tục gặp một thử thách khác. 

Sang kể: "Khi mình đi qua vùng biển Nha Trang, lúc đó khoảng 12 giờ đêm thì gặp mấy thanh niên choai choai. Họ đã giật mất túi đồ của mình". Với chàng thanh niên này thì việc phải vượt qua 2 đèo là đèo Hải Vân và đèo Cả là một thử thách vô cùng to lớn. Sang bảo, không hiểu sao khi đặt chân tới 2 đèo này thì đều gặp mưa. Anh đã phải lấy một cây củi nhỏ làm gậy để bám đường tốt hơn, dù vậy vẫn không tránh khỏi những lần trượt chân ngã tứa máu. 

Một người tốt đã tặng Sang giày để anh có thể đi tiếp quãng đường phía trước.

Sang tâm sự rằng, có đi, có trải nghiệm mới thấy được trên đời này còn rất nhiều người tốt. Có những người lần đầu gặp Sang, nghe Sang nói về tâm nguyện và việc Sang đang làm, họ đã không ngần ngại mời Sang về nhà, mời ăn cơm tối rồi còn dành hẳn một chiếc giường cho Sang ngủ. Buổi sáng trước khi lên đường, gia đình họ còn không quên gói cho anh một bọc cơm nắm kèm với vài chục nghìn để thêm vào lộ phí đi đường. 

Lần khác, thấy Sang đi trên đường với một đôi dép gần đứt lìa quai, một người đi đường đã tiến lại hỏi anh. Khi nghe Sang kể về chuyện mình bị cướp nên mất hết tiền bạc và hành lý, người này đã mua tặng anh một đôi giày tử tế và không quên chúc anh gặp may mắn trên quãng đường còn lại.

Ngày 16-4, chàng thanh niên Lê Ngọc Sang đã đi qua 23 tỉnh, thành và chính thức đặt chân tới Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để đăng ký hiến tạng cho y học. Anh tâm sự: "Quả thực trước đó, khái niệm về hiến tặng mô tạng, mình gần như chẳng hiểu gì. 

Nhưng từ khi gặp được anh Trần Nguyễn An Khương, người đạp xe xuyên Việt để kêu gọi cộng đồng ủng hộ việc hiến tặng mô tạng mình mới thực sự tìm hiểu và thấy nó ý nghĩa quá. Từ đó mình mới nung nấu dự định đi bộ xuyên Việt". Cũng theo lời Sang chia sẻ thì từ khi am hiểu giáo lý nhà Phật, anh đã ngộ ra một điều "cho đi là còn mãi".

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết: "Đây là trường hợp thứ 3 đi xuyên Việt để đăng ký hiến tạng, là hành động rất đáng được trân trọng. Dù chỉ với vóc dáng nhỏ bé và mang trên mình căn bệnh khuyết tật vận động, nhưng Sang vẫn quyết tâm đi xuyên Việt để vận động mọi người ủng hộ việc hiến tặng mô tạng. Việc làm này không chỉ đem lại ý nghĩa cho cộng đồng mà còn là cách để chứng minh khả năng con người là vô tận nếu như chúng ta có quyết tâm và nghị lực vượt lên mọi khó khăn".
Phong Anh
.
.
.