Câu chuyện về người thầy dạy chữ viết cho tiến sĩ

Thứ Tư, 02/12/2015, 15:26
Dù đã bước sang tuổi bảy mươi nhưng ngày ngày ông vẫn miệt mài cầm tay, chỉ lối cho hàng trăm học sinh viết chữ đẹp. Ông là người thầy duy nhất dạy chữ viết cho hơn ba trăm giáo viên, mười một vị tiến sĩ. Người sáng tạo nên phương pháp viết chữ đẹp được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận để nhân rộng mô hình. Với phương pháp này, người viết chữ xấu sẽ biết cách viết chữ đẹp, nhanh hơn chỉ qua một khóa học mười buổi - Thầy Phạm Thế Vinh (phố Khâm Thiên, Hà Nội).

Từ người trò viết chữ xấu

Tôi tìm đến nhà giữa lúc ông đang say sưa đưa tay chỉ lối, luyện chữ cho các trò. Buổi học diễn ra khá tĩnh mịch với khoảng hai mươi trò đang cặm cụi viết chữ. Bên cạnh những trò nhỏ tuổi thuộc bậc tiểu học, trung học thì có cả những học sinh phổ thông, đại học đến xin luyện viết chữ đẹp. 

Trước đây, nguyên tắc dạy chữ của ông thường chỉ kèm từ năm đến bảy học viên nhưng giờ đây với phương pháp mới được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận, ông có thể dạy một lớp hai mươi trò với sự hỗ trợ của các trợ giảng. Tiêu chí ông Vinh đặt ra cho mỗi trò là viết chữ đẹp nhưng phải nhanh. Trong mười buổi học, ông chia thành hai buổi dạy chữ cái, hai buổi dạy chữ hoa, một buổi dạy viết số và bốn buổi dạy kỹ thuật viết nối, viết nhanh. Buổi cuối cùng ông dành thời gian để tổng kết kinh nghiệm và kiểm tra khả năng tiến bộ của học trò. 

Mỗi buổi học ông thường chỉ dạy trò hai giờ đồng hồ với giáo án tự biên soạn theo hệ thống khoa học đã định sẵn. Đối tượng tìm đến lớp học của ông đủ thành phần, từ học sinh tiểu học, phổ thông đến sinh viên ngành sư phạm hay cụ già bảy mươi tuổi, giáo viên, tiến sĩ…

Nói về con đường để trở thành người thầy dạy luyện viết chữ đẹp, ông Vinh cho biết: Khi còn nhỏ, ông thường xuyên bị thầy cô giáo phạt chép hàng trăm lần vì chép chữ quá xấu, cẩu thả. Do trên tay có đến mười hoa tay nên khi còn nhỏ ông Vinh chủ quan. Thế nhưng, thường xuyên bị cô giáo phạt chép lại vì tính cẩu thả và bị bạn bè giễu cợt khiến ông không phục. Để cải thiện chữ viết của mình, ông Vinh đã quyết tâm lên kế hoạch dành ra hai giờ mỗi ngày để khổ luyện tập viết từng nét chữ cho vuông vắn. 

Ban đầu, việc luyện chữ không dễ như dự định nhưng ông vẫn tiếp tục cố gắng vì nghĩ rằng việc viết chữ là rèn nét người nên cần phải cố gắng đến cùng. Sau hơn một năm kiên trì khổ luyện với từng nét chữ, các bạn lẫn cô giáo trên lớp đều khá ngạc nhiên và không tin nét chữ trong vở là do học trò Vinh viết. 

“Sau một năm khổ luyện đúng phương pháp, nét chữ của tôi đã trở nên vuông vắn, sắc nét hơn. Từ một học trò viết chữ gần như xấu nhất lớp, tôi đã vươn lên trở thành học trò cưng, viết chữ đẹp nhất lớp, được thầy yêu, bạn mến. Sau khi hoàn thành phương pháp luyện chữ đẹp, tôi đã bỏ được đức tính cẩu thả, thay vào đó tôi cẩn thận, cần mẫn, chú tâm hơn trong mọi việc” – ông Vinh nói.

Sau thời gian khổ luyện chữ đẹp, nét chữ thanh mà sắc nét của cậu học trò Vinh nhanh chóng được cả trường biết đến. Đầu năm lớp mười, cậu học trò Phạm Thế Vinh được bầu chọn là 1 trong 50 học sinh của Trường Trung học phổ thông Việt Đức chọn vào lớp rèn chữ truyền thống để chuyên viết giấy khen, huân huy chương… của Viện Huy chương thời bấy giờ.

Theo ông Vinh, để có thể viết chữ đẹp thì cần có lòng kiên trì, làm đúng theo phương pháp đã học trên lớp. Điều khác biệt của ông là không dạy chữ theo cách truyền thống mà cách dạy theo lối sáng tạo hơn. Nếu như cách dạy truyền thống thường dạy chữ a, o trước thì ông Vinh lại chọn cách phân bảng chữ cái thành bốn nhóm theo nét chữ tương đồng. Việc viết chữ cái theo cách này giúp người đọc nhớ lâu, dễ viết hơn. Chẳng hạn như ông phân theo nhóm nét tròn gồm chữ a, o, c, d, đ, q, g; nhóm nét bụng gồm e, l, b, h, k; nhóm nét khuyết gồm m, n, p, i, u, y, r, s, v… Ông Vinh cho biết, mình sáng tạo nên phương pháp này chỉ để chứng minh một điều rằng việc viết chữ đẹp là do người viết có phương pháp khoa học, sự kiên trì chứ không phải do hoa tay như bấy lâu mọi người nghĩ.

…trở thành người dạy chữ cho tiến sĩ

Trước khi rèn chữ, ông dành riêng buổi đầu tiên để cho trò chép bốn câu thơ nhằm thực hiện đúng phương châm rèn người, rèn tính trước rồi mới đến rèn chữ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên…”. Đây là bốn câu thơ của Bác răn dạy về đức tính kiên trì, lòng quyết tâm vượt khó để vượt lên mọi khó khăn gian khổ. 

Vừa nói, ông Vinh vừa đưa cho tôi những cuốn vở chép của học trò từng đến học viết chữ đẹp với đầy đủ thành phần từ học sinh tiểu học đến sinh viên sư phạm, giáo viên, tiến sĩ. Tôi cầm cuốn vở lên và giở ra xem thì nhận ra điểm chung ở những trang đầu đa phần là nét chữ cẩu thả, nguệch ngoạc nhưng đến trang sau nét chữ trở nên sáng sủa, nét thanh, tròn hơn.

Đến với lớp của ông phần lớn là những học trò viết chữ xấu, tính cách cẩu thả nhưng sau một thời gian được ông rèn cả nét chữ lẫn nét người nên đã “lột xác” để trở thành cây bút viết chữ đẹp của lớp. 

Trường hợp khiến ông Vinh nhớ nhất là cậu học trò cấp một Lê Văn Hưng đến với lớp học khi còn viết chữ cẩu thả nhưng chỉ sau một thời gian, ông đã rèn cho Hưng cả nét chữ lẫn nét người để cậu học trò trở thành người viết chữ đẹp của trường. 

“Ban đầu, Hưng rất bướng bỉnh, không nghe lời, trên lớp thầy giáo giảng bài thì không nghe cũng chẳng chịu chú ý. Tuy nhiên, chỉ sau một vài tháng tôi đã rèn để cậu học trò bướng bỉnh ngày nào trở thành trò viết chữ đẹp của trường. Thời gian đầu cô giáo chủ nhiệm không tin và nghĩ rằng Hưng thuê người viết hộ cho đến khi đối chiếu với chữ Hưng viết tại lớp mới ngỡ ngàng”.

Cũng sau lần đó, ông càng củng cố vững chắc hơn với lập luận viết chữ xấu là do con người cẩu thả, không có tâm với cái chữ tức là không chú tâm rèn luyện. Bên cạnh đó, trong quá trình kèm cặp, ông cũng lưu ý để học trò viết chữ cái theo đúng mẫu chữ cái Latinh chuẩn để nó trở nên đều, đẹp hơn. Luôn quan niệm cái răng cái tóc là góc con người nên trong quá trình giảng dạy ông luôn chú tâm đến tư thế ngồi, cách cầm bút để từ đó khơi nguồn cảm hứng đến người đọc. Để tạo sự hứng thú và đánh tan sự nhàm chán trong lớp học, ông yêu cầu các trò mở lòng để bày tỏ cảm xúc một cách cởi mở, mặt khác ông sưu tầm những câu châm ngôn, danh ngôn, truyện vui, hài hay bài hát hay để các em tập chép.

Nói về lý do mở lớp dạy chữ, thầy Vinh cho hay: Ông quan niệm thời buổi công nghệ nên giới trẻ không chú trọng nhiều đến chữ viết. Vậy nên, ông muốn thay đổi tư duy để lũ trẻ nhận thức đúng về nét chữ và đó chính là lý do để ông mở lớp luyện viết chữ đẹp khi về hýu. 

Trải qua những năm tháng mở lớp, ông nhận ra được sự gian nan nhưng chưa một lần chịu khuất phục trước khó khăn. Viết chữ xong, thầy Vinh nhìn xuống nói với tôi: “Tôi muốn thay đổi quan niệm quá dễ dãi với nét chữ, nét người của giới trẻ hiện tại. Nếu gặp khó khăn mà bỏ cuộc thì tôi đã không đứng trong căn phòng này như ngày hôm nay”. Mở lớp rèn chữ nhưng ông luôn quan niệm rèn chữ chính là rèn nét người nên cần hết sức coi trọng. Từ xưa, các bậc hiền nhân đã xem nét chữ đánh giá tính cách, giá trị của mội người, hiện tại vẫn thế và tương lai cũng sẽ không thay đổi.

Trải qua những thăng trầm, lớp học của thầy Vinh cho ra lò rất nhiều thế hệ học trò. Trong đó đáng chú ý có mười một vị tiến sĩ và khoảng năm trăm giáo viên, thạc sĩ. Hiện tại giáo trình dạy viết chữ của thầy Vinh đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận và khen thưởng vì sự nghiệp giáo dục. Cũng vì thế mà giáo trình giảng dạy cách viết chữ đẹp của ông giờ đây có ở khắp các trường tiểu học, mầm non như Trường Tiểu học Văn Chương, Bế Văn Đàn, Nguyễn Du. 

Hằng năm ông được mời đến một số trường để giảng dạy cho giáo viên cách viết chữ đẹp và cách dạy trẻ luyện nét chữ, rèn nết người như Trường Tiểu học Trưng Vương. Nói về mong muốn của một người thầy, ông thẳng thắn cho biết: “Mong muốn của tôi bây giờ là làm sao để phổ cập rộng hơn nữa phương pháp dạy chữ đẹp cho học sinh Thủ đô”.

Văn Hải
.
.
.