Đảm bảo chất lượng, giá trị pháp lý và tính khả thi của án lệ

Thứ Năm, 17/03/2016, 08:47
Sáng 16-3, tại Hà Nội, TAND tối cao tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ”.


Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành của Trung ương, đại diện các cơ quan nghiên cứu luật, các chuyên gia luật và lãnh đạo TAND các tỉnh, thành phố. 

Ngày 24-11-2014, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức TAND 2014. Tại điểm C, khoản 2, Điều 22 của Luật quy định, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. 

Phát biểu tại hội thảo, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết, để triển khai quy định của Luật tổ chức TAND, ngày 19-10-2015, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã thông qua Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, trong đó xác định “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Nghị quyết cũng xác định cụ thể các tiêu chí của án lệ, quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử… 

Bên cạnh việc học tập kinh nghiệm quốc tế thì để đảm bảo chất lượng, giá trị pháp lý và tính khả thi của án lệ, việc ban hành án lệ phải được tiến hành thông qua một quy trình chặt chẽ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, theo đó các quy định về quy trình ban hành và áp dụng án lệ cần phải được cụ thể hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung. 

“Việc đưa tin, bình luận, đánh giá mang tính xây dựng và trách nhiệm của các cơ quan báo chí góp phần quan trọng để án lệ từng bước đi vào thực tiễn. Đây cũng là kênh thông tin để người dân và xã hội ngày càng hiểu hơn ý nghĩa và giá trị của án lệ”, đồng chí Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh.

Nguyễn Hưng
.
.
.