Áp dụng án lệ trong các phán quyết của Tòa án để khắc phục khiếm khuyết của pháp luật

Thứ Tư, 16/03/2016, 15:22
Sáng 16- 3, tại Hà Nội, TAND tối cao tổ chức “Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định đề xuất lựa chọn là nguồn để phát triển thành án lệ”. 

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành của Trung ương, đại diện các cơ quan nghiên cứu luật, các chuyên gia luật và lãnh đạo TAND các tỉnh, thành phố.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định “TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ…”. Ngày 24- 11- 2014, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức TAND 2014. Tại điểm C, khoản 2, Điều 22 của Luật quy định, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có nhiệm nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. 

Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu tại hội thảo.

Trong bối cảnh đòi hỏi của người dân và xã hội đối với công tác Tòa án ngày càng cao thì những quy định nêu trên là một trong những nhiệm vụ mới, quan trọng mà Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và Chánh án TAND tối cao là những chủ thể phải thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp, nhiều quy định của Tòa án còn chưa rõ, còn có những vấn đề chưa được pháp luật quy định cụ thể. Vậy nên việc áp dụng án lệ trong các phán quyết của Tòa án chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, đảm bảo việc áp dụng pháp luật trong hệ thống xét xử, tạo tính ổn định, minh bạch và tiên liệu trong các phán quyết của Tòa án. Qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 4 của Bộ luật tố tụng dân sự thì “Tòa án không được quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Đối với loại việc này, án lệ được quy định là một trong những căn cứ mà Tòa án có thể áp dụng để giải quyết vụ việc.

Bên cạnh những giá trị nêu trên, trong bối cảnh nước ta đang tích cực đổi mới trên nhiều lĩnh vực, tích cực hội nhập quốc tế, là thành viên của nhiều sự kiện quốc tế song phương, đa phương, là thành viên của cộng đồng kinh tế Asean, sẽ là thành viên của Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì việc áp dụng án lệ trong xét xử sẽ góp phần nâng cao năng lực của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại, đặc biệt là những tranh chấp có yếu tố nước ngoài, bảo đảm các phán quyết của Tòa án công khai, minh bạch, thống nhất, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế - đây là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, củng cố niềm tin nhằm thu hút tối đa đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết, để triển khai quy định của Luật tổ chức TAND, ngày 19- 10- 2015, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã thông qua Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, trong đó xác định “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

Nghị quyết cũng xác định cụ thể các tiêu chí của án lệ, quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử… Bên cạnh việc học tập kinh nghiệm quốc tế thì để đảm bảo chất lượng, giá trị pháp lý và tính khả thi của án lệ, việc ban hành án lệ phải được tiến hành thông qua một quy trình chặt chẽ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, theo đó các quy định về quy trình ban hành và áp dụng án lệ cần phải được cụ thể hóa bằng một văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực bắt buộc chung.

“Việc đưa tin, bình luận, đánh giá mang tính xây dựng và trách nhiệm của các cơ quan báo chí góp phần quan trọng để án lệ từng bước đi vào thực tiễn. Đây cũng là kênh thông tin để người dân và xã hội ngày càng hiểu hơn ý nghĩa và giá trị của án lệ”, đồng chí Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh.

Nguyễn Hưng
.
.
.