Trục lợi quỹ BHXH là hành vi tham nhũng tài sản của dân

Thứ Sáu, 05/01/2018, 11:00
Ngày 4-1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về kết quả công tác năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018; tham quan Trung tâm điều hành hệ thống công nghệ thông tin, Trung tâm dịch vụ khách hàng và Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.

Báo cáo của Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho thấy đến nay cả nước có 13,83 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội; 79,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (đạt 86%, vượt 2,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) và khoảng 11,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền trên 270 nghìn tỷ đồng; thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho khoảng 165 triệu lượt người.

Công tác thanh tra chuyên ngành được tăng cường, đưa tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội xuống dưới 3% - mức thấp nhất từ trước tới nay, giảm 0,8% so với năm 2016.

Ghi nhận các kết quả đạt được của ngành Bảo hiểm xã hội trong năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ ấn tượng với những con số “biết nói”: Tổng số thu của ngành đạt khoảng 290 nghìn tỷ đồng, vượt 1% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao - con số kỷ lục, bước tiến dài sau 10 năm kể từ khi Luật Bảo hiểm xã hội được ban hành và có hiệu lực (năm 2007). Thời điểm đó, số thu mới chỉ là 16.089 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng diện bao phủ bảo hiểm xã hội còn thấp, mới đạt 28 – 29%; so với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết 21 - NQ/TW (về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020) là đến năm 2020 có 50% đối tượng tham gia còn rất xa.

Sau 10 năm triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến nay mới đạt con số 300.000 người. Tình trạng trốn đóng, nợ đọng còn lớn, lạm dụng, trục lợi bảo hiểm xã hội còn diễn ra nhiều, gian lận bảo hiểm y tế hầu như địa phương, cơ sở khám chữa bệnh nào cũng có.

Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính tập trung lớn nhất ngoài ngân sách Nhà nước, là tiền đóng góp của dân, hành vi trục lợi quỹ chính là hành vi tham nhũng tài sản của dân; năm 2017 mặc dù đã ngăn chặn một bước nhưng vẫn còn hạn chế, mức độ xử phạt chưa nghiêm. Mức độ công khai hóa vi phạm để có sự lên án và giám sát của người dân là chưa được.

“Không thể để một người một năm đi khám bệnh bảo hiểm y tế 273 lần, sự tiếp tay của cơ sở khám chữa bệnh như thế nào? Vấn đề trục lợi đã ai bị cách chức chưa, trách nhiệm của ngành?” - Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Nói về công tác phối hợp với các bộ, ngành, Phó Thủ tướng cho rằng mối quan hệ giữa các bên phải giải quyết trên cơ sở bài toán tam giác đều, phải có sự chia sẻ với nhau, một bên là quyền lợi Nhà nước và cơ quan bảo hiểm xã hội, một bên là các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và bên thứ ba là người dân, làm sao phải hài hòa được, trên nguyên tắc quan trọng là có đóng - có hưởng, chia sẻ, bền vững ổn định quỹ.

“Quán triệt các nguyên tắc đó, chúng ta giải quyết được khúc mắc trong quá trình vận hành hệ thống” - Phó Thủ tướng nêu.

PV (theo TTXVN)
.
.
.