Tiền đề để Thái Bình phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới

Thứ Hai, 05/10/2020, 06:48
Ngày 4/10, tỉnh Thái Bình tổ chức Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VII (2020 - 2025) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, với sự tham dự của 300 đại biểu là điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của tỉnh.


Tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Bình vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc; trao học bổng trị giá 500 triệu đồng tặng học sinh chăm ngoan, vượt khó học giỏi của tỉnh.

Nhân dịp này, 37 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 9 tập thể được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ; 23 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Thái Bình.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng tỉnh Thái Bình

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Hơn 72 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Thái Bình luôn phát huy tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua, giành nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Trong những năm vừa giành chính quyền, với truyền thống hiếu học, trong phong trào bình dân học vụ, diệt giặc dốt, Thái Bình được công nhận là một trong hai tỉnh thanh toán nạn mù chữ sớm nhất cả nước, được Bác Hồ tặng sổ vàng lưu niệm và nhiều tập thể, cá nhân trong tỉnh được Bác gửi thư khen.

Trong phong trào "Tất cả cho tiền tuyến", Thái Bình đã đóng góp to lớn sức người sức của cho tiền tuyến, cùng với thành tích là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/1ha vào năm 1966, là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân so với dân số cao nhất miền Bắc. Thái Bình không chỉ thực hiện “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, mà còn là "Thóc thừa cân, quân vượt mức" và đã thành điểm sáng trong phong trào thi đua thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đánh dấu vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng.

Trong công cuộc đổi mới, Thái Bình luôn phát huy tính năng động, sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong 5 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức song Thái Bình đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu của nhiệm kỳ; quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị được bảo đảm; đấu tranh, phòng chống tội phạm có tổ chức chuyển biến tích cực.

Đối với phong trào thi đua, trong những năm qua, Thái Bình đã tích cực hưởng ứng bốn phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới", "Chung tay vì người nghèo" được các cấp, các ngành và nhân dân Thái Bình đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các đoàn thể đã phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả như: “Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia”, "Đô thị văn minh, công dân thân thiện", "Xây dựng cơ quan văn hóa, kiểu mẫu”... Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt việc tốt được tôn vinh, lan tỏa trong toàn tỉnh.

Phó Chủ tịch nước cho rằng, những thành tựu và bài học kinh nghiệm sau 130 năm thành lập tỉnh, nhất là sau 35 năm đổi mới là tiền đề để tỉnh Thái Bình phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch nước đề nghị, tỉnh Thái Bình tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, hiếu học, yêu nước, cách mạng, vinh dự 5 lần được Bác Hồ về thăm, ra sức vận dụng tư tưởng thi đua yêu nước của Người trong các lĩnh vực, trong mọi nhiệm vụ, "làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều" và "phải trở thành một tỉnh gương mẫu" như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn. Đồng thời, tỉnh chú trọng xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.

Tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa; phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường; phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, đặc biệt phát huy quê hương 5 tấn đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và bền vững.

Bên cạnh đó, Thái Bình cần quan tâm bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng Thái Bình sớm trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Sơn Hải
.
.
.