Ra mắt ấn phẩm Khung chính sách kinh tế Việt Nam

Thứ Tư, 05/12/2018, 13:19
Khung chính sách kinh tế Việt Nam với nội dung cập nhật các xu thế diễn biến mới của thế giới và tham khảo Báo cáo 2035 nhằm giới thiệu chính sách phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời trả lời câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu, cần làm gì và như thế nào”, đã chính thức ra mắt sáng nay (5-12).


Sáng nay (5-12), tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần đầu tiên với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ấn phẩm Khung chính sách kinh tế Việt Nam đã được ra mắt. Ấn phẩm này là tài liệu tổng hợp các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật các xu thế diễn biến mới của thế giới và tham khảo Báo cáo 2035 nhằm giới thiệu chính sách phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Thủ tướng cùng Bộ trưởng KH&ĐT công bố Khung chính sách kinh tế Việt Nam.

Bộ Khung chính sách kinh tế Việt Nam, vốn bắt đầu được xây dựng cách đây 11 năm, cũng đồng thời trả lời cụ thể câu hỏi “Việt Nam đang ở đâu, cần làm gì và như thế nào?”.

Trong lời tựa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Khung chính sách kinh tế Việt Nam gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nhà quản lý và mọi người dân Việt Nam một thông điệp rõ ràng về quyết tâm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, hành động, liêm chính để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, động viên các nguồn lực cho phát triển nhằm cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hài hòa và bền vững.

Theo ấn phẩm này, mục tiêu phát triển dài hạn đến năm 2035, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, với GDP bình quân 10.000 USD. Trên một nửa dân số Việt Nam tham gia tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Các trọng tâm cải cách của Việt Nam bao gồm hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; thể chế hiện đại và Nhà nước hiệu quả. Phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội.

Các động lực tăng trưởng được xác định là bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nhân lực và đổi mới sáng tạo; khu vực tư nhân phát triển…

T. Nhân
.
.
.